Du lịch

Chuyên gia chấm điểm, đề nghị đổi tên Festival hoa Đà Lạt

02/01/2018, 10:58

Ông Mỹ cho rằng đổi tên thành Festival Đà Lạt mới hợp lý và chỉ rõ những điểm trừ của festival năm nay.

DALAT 4

Một gian hàng trà trong phố rượu vang, trà, cà phê ở đường Hồ Tùng Mậu

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc công ty Tư vấn - Dịch vụ & Phát triển Du lịch CBT tại TP.HCM gửi đến Báo Giao thông góp ý về việc nên đổi tên Festival hoa Đà Lạt thành Festival Đà Lạt. Theo ông Mỹ, ngoài hoa ra, Đà Lạt còn có trà, cà phê, rượu vang thơm ngon nổi tiếng, vì vậy đổi sang Festival Đà Lạt mới hợp lý.

Đánh giá về sự kiện Festival hoa Đà Lạt, ông Mỹ cho rằng bất cứ sự kiện nào cũng có 2 mặt, tùy thuộc vào quan điểm, góc nhìn và cảm nhận của mỗi người. Báo Giao thông xin giới thiệu tới bạn đọc bài đánh giá của chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ.

Những điểm cộng

Nhìn tổng thể, so với các sự kiện tương tự, Festival hoa Đà Lạt lần VII là một trong những lễ hội thành công, có tác động tích cực đến du lịch. Rất nhiều khách đoàn đến từ các tỉnh, cả phía Bắc lẫn miền Tây bên cạnh khách gia đình, nhóm bạn tự tổ chức và các nhóm phượt. Những điểm cộng được thể hiện khá rõ trên nhiều mặt.

Thời điểm tổ chức khá lý tưởng. Mùa thấp điểm nội địa, cao điểm khách quốc tế. Lâu nay, khách nước ngoài lên Đà Lạt chưa đông. Tổ chức lễ hội vào mùa thấp điểm để kéo khách đến là việc nhiều nơi chưa dám. Kết hợp Festival vào mùa Giáng sinh là sự tính toán hiệu quả. Bất chấp thời tiết không thuận lợi do bão và áp thấp nhiệt đới, lượng khách nước ngoài đến Đà Lạt vẫn nườm nượp.

Vườn hoa Đà Lạt rực rỡ với bộ sưu tập hoa phong phú, sắp xếp hài hòa, tha hồ cho khách chụp ảnh và tìm hiểu. Nối kết với Vườn tượng, đặc biệt là khu trưng bày Cây cảnh rất đa dạng. Nhiều loài lạ và độc, làm mãn nhãn cả những người khó tính. Rất nhiều quầy bán và giới thiệu các loại cây cảnh trong nhà, từ hạt giống, cây con cho đến dụng cụ chăm sóc và thức ăn cho cây.

Chợ Phiên rau quả và triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao tại công viên Văn hóa Đô thị (Golf valley) bề thế. Toàn bộ các gian hàng có mái che, sắp xếp khoa học và tỉ lệ chủng loại hợp lý. Sự niềm nở và thân thiện tạo không khí ấm cúng để khách mua hàng và doanh nghiệp tìm đối tác, nhà phân phối.

cong-vien-hoa-da-lat

Một góc vườn hoa Đà Lạt, điểm nhấn ấn tượng của Festival

Phố Trà - Cà phê - Rượu  Vang ở đường Hồ Tùng Mậu là nét chấm phá dễ thương. Các quầy được sắp xếp trên vỉa hè thoáng rộng, Khách tham quan nhẩn nha và xe cộ vẫn lưu thông qua lại, dĩ nhiên là tốc độ chậm hơn. Đây là cách mà chợ Đêm ở Chiengmai (Thái Lan) đang thực hiện rất thành công.

Khu vực Hòa Bình là thế giới của “kính thưa các loại vang Đà Lạt”. Không gian tràn ngập màu sắc và hương vị vang. Loại thức uống được xem là thực phẩm chức năng, kích thích tiêu hóa, ức chế ung thư này được uống thử thoải mái, mê hoặc cả những người chưa hề đụng tới rượu bia.

Ấn tượng nhất là không có âm thanh ồn ào của các loại hội chợ kiểu “Sơn đông mãi võ”. Khách đông nhưng không xô bồ. An ninh trật tự khá tốt. Hình ảnh các công nhân vệ sinh thường xuyên có mặt tại khu Hòa Bình, Chợ phiên Rau quả và triển làm Nông nghiệp công nghệ cao giữ cho môi trường luôn sạch đẹp. Phố ẩm thực ở các đường Tăng Bạt Hổ, Trương Định, 3/2 gợi nhớ những chợ đêm ở Đài Loan.

IMG_8807

Cây kiểng, ổi cổ thụ toàn trái trong khu trưng bày cây cảnh

Mấy điểm trừ

Khai mạc và bế mạc bao năm nay vẫn thế, vẫn với công thức truyền hình trực tiếp - sân khấu hóa hoành tráng và báo cáo dài dòng... 

Ý thức của khách tham gia quá kém, dù không phải là tất cả. Bất chấp bảng cấm và dây ngăn, không ít khách hàng xem mình là “Thượng đế” (danh xưng này có phần lỗi của truyền thông) nên cứ vô tư vào giữa các luống, dẫm đạp lên hoa để chụp ảnh tự sướng. Được người khác nhắc nhở thì giả điếc hoặc cự cãi. Có người thản nhiên bước qua dây cấm, sờ mó hiện vật là những cây kiểng độc chỉ toàn trái và hoa rồi ngắt nhéo xem thật hay giả. Vườn tượng đang quá đẹp, tự dưng có tượng cọp và nai giả màu mè phản cảm.

Xả rác bừa bãi hình như là văn hóa của không ít người Việt. Nhiều nhất là khu vực trước chợ Đà Lạt. Mấy quán ẩm thực ven đường ngập ngụa rác dưới chân mà không ai dọn dẹp. Chủ thì mải bán, khách hàng thì mải ăn và như không ai thấy? Dư âm nạn chặt chém, trấn lột, xô bồ và cách tổ chức Festival những lần trước, là nguyên nhân làm cho lượng khách đến Đà Lạt vẫn chưa được như kỳ vọng.

IMG_8822

Tượng cọp và nai màu mè, lạc lõng trong vườn Tượng

Hội chứng sân khấu là đặc trưng của các lễ hội ở Việt Nam. Ngoài sân khấu khai mạc, bế mạc, còn có sân khấu ở khu Hòa Bình. 

Âm thanh và nội dung phá hỏng thế giới rượu vang lãng mạn. Sân khấu còn được tổ chức cả trong vườn hoa Đà Lạt vào buổi tối. Âm thanh tra tấn hoa, vốn thích sự tĩnh lặng dịu dàng. Đám đông tham dự là nỗi ám ảnh dẫm nát vườn hoa. Đà Lạt thiếu gì không gian công cộng để tổ chức sân khấu? 

Nếu Ban tổ chức và các cấp quản lý chủ động hơn thì tình hình sẽ khác. Tại sao không bố trí tình nguyện viên, thậm chí thuê sinh viên hợp đồng hỗ trợ tại các điểm trong vườn hoa Đà Lạt và trưng bày Cây cảnh. Việc này, trang trại hoa Vạn Thành đã làm rất tốt. Các chợ đêm ở Đài Loan luôn sạch bởi ở đó giỏ rác không thiếu. Khu vực trước chợ Đà Lạt thì không có. Ngay vườn hoa Đà Lạt, mỗi ngày cả trăm ngàn lượt khách tham quan nhưng không bố trí thêm nhà vệ sinh. Sao không nhắc nhở và xử phạt các quán ăn ngập rác và cả khách tham quan xả bậy?

Vài đề nghị

Festival là ngày hội nhưng chỉ thấy vai trò của Ban tổ chức. Người dân Đà Lạt gần như dửng dưng ngoài cuộc. Kinh phí đa phần xã hội hóa là tốt nhưng nếu muốn thật sự thành công thì phải xã hội hóa lòng dân. Từ thái độ hành xử, tiếp đón cho đến việc chuẩn bị đón khách của từng người, từng gia đình, từng cơ quan, đường phố.

Nguyen Van My  2

Ông Nguyễn Văn Mỹ

Trừ các điểm tổ chức, chỉ vài trục đường được làm đẹp. Nếu nhà cửa, cơ quan được làm đẹp, “make up” thêm hoa, cây xanh và ánh sáng, tạo không gian kỳ thú làm nền cho các hoạt động Festival thì rất tuyệt.

Khuyến khích các nhà thờ và họ đạo trang trí mừng Giáng sinh và hưởng ứng Festival. Chỉ cần bớt vài tỉ kinh phí tổ chức khai mạc và bế mạc, lấy tiền đó làm các giải thưởng “Trang trí đẹp và ấn tượng nhất” cho các nhà dân, trụ sở cơ quan, các đường phố… để kích hoạt sự tham gia hồ hởi và tích cực của cộng đồng.

Nên đổi tên Festival Hoa Đà Lạt thành Festival Đà Lạt, nếu không làm hàng năm thì có thể 2 - 3 năm. Đà Lạt không chỉ có hoa mà còn nhiều thứ khác. Đó là những ngày hội của các sản phẩm Đà Lạt. Ngoài hoa còn có rau củ, quả (trái cây), rượu vang, trà, cà phê, tơ tằm, du lịch; những sản phẩm đặc trưng làm nên thương hiệu Đà Lạt. Tại sao không có buffet rau củ, trái cây, rượu vang, trà, cà phê? Festival cũng là dịp giới thiệu những điểm đến mới của xứ sở Ngàn thông.

Ngay bây giờ, phải tính toán cho Festival lần VIII. Mỗi Festival là một dấu ấn du lịch, có sản phẩm để lại sau khi kết thúc. Nên khai mạc đúng dịp Noel và kéo qua tết Nguyên đán. Làm sao để người Việt mỗi năm đến Đà Lạt ít nhất một lần và nhất định không thể bỏ qua dịp Festival.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.