Đời sống

Chuyên gia gợi ý bài văn khấn ông Công ông Táo

16/01/2020, 10:00

Để tỏ lòng biết ơn, người dân sắm lễ vật cúng Táo Quân gồm có: Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà) với bài khấn được gợi ý như sau.

Thạc sĩ, Nghệ nhân Văn hóa Nguyễn Đức Hiển, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết, từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của ông Táo và thờ cúng ông Táo với hi vọng Táo quân sẽ giúp họ giữ "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

img

Táo quân giúp các gia đình giữ "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

Táo quân có vai trò ngăn chặn xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Cũng theo đó, để tỏ lòng biết ơn, người dân sắm lễ vật cúng Táo quân gồm có: Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà).

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển gợi ý bài văn khấn ông Công ông Táo theo NXB Văn hóa Thông tin:

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Ý nghĩa việc thờ ông Công ông Táo

Theo quan niệm dân gian, từ câu truyện về ba vị Thổ Công - Thổ Địa - Thổ Kỳ của văn hóa Trung Hoa, người Việt đã sáng tạo thành truyền thuyết “1 bà 2 ông đầu rau” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Nàng Thị Nhi (Nhi ẩn nghĩa từ Hán Việt là nấu chín, nấu nhừ) lấy chàng Trọng Cao (Cao ẩn nghĩa là tinh bột, bánh bột, cơm).

Còn Phạm Lang thì Lang, còn âm đọc khách là Canh, nghĩa là món canh, người ta nấu chín thức ăn với nhiều nước.

Chỉ có thế, Cơm - Canh - Nấu chín, thật đơn giản và rất Việt Nam. Nhưng nó ẩn chứa một triết lý: Bếp lửa có thể nuôi chúng ta sống như lầm lẫn sơ suất cũng có thể tạo ra những bi kịch.

Đối với quan niệm của người Việt Nam, tục thờ các vị Táo quân trong nhà gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp, có nguồn gốc từ ba cơ sở:

Thứ nhất: Tín ngưỡng phồn thực, cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Thứ hai: Dựa trên cơ sở sản xuất của nông nghiệp lúa nước;

Thứ ba: Tín ngưỡng thờ đa thần (mỗi cành cây, con suối, con sông, ngọn núi… đều chứa đựng linh hồn), tục thờ Táo Quân thực chất là tục thờ thần Lửa (vì theo quan niệm, lửa là khởi đầu cho một chu kỳ sống của vạn vật hữu linh).

Vì nguồn gốc là thờ thần Lửa, nên người Việt thường thờ ông Công ông táo ở hai nơi, trên ban thờ và tại các gian bếp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.