Thế giới

Chuyên gia khuyên Việt Nam nên làm gì sau phán quyết về Biển Đông

13/07/2016, 14:09

Phán quyết công bằng của Tòa Trọng tài cũng là cơ sở để chúng ta xác định được mục tiêu chiến lược hợp lý.

Dương Danh Dy

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy (Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc):

Phán quyết công bằng của Tòa Trọng tài cũng là cơ sở để chúng ta xác định được mục tiêu chiến lược hợp lý. Bởi, điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là định hướng cho việc hoạch định chiến lược và đề ra những biện pháp cần thiết trước mắt và trong những thập kỷ tới, góp phần làm phá sản tham vọng thôn tính biển Đông của Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi (Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường):

2

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi

Phán quyết của Tòa Trọng tài trước hết là một thắng lợi trên mặt trận ngoại giao và cho thấy sự khôn khéo của Philippines trong việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở pháp lý. Đồng thời, phán quyết cũng sẽ là bước thử đối với thái độ tuân thủ luật pháp quốc tế, đối với chính sách của Trung Quốc về vấn đề biển Đông.

Tất nhiên, phán quyết này sẽ ít nhiều có lợi cho Việt Nam, bởi xét trên khía cạnh pháp lý thì cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố bao trùm một vùng biển rộng, có liên quan tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bị bác bỏ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ đây sẽ là một cái cớ để Trung Quốc lộ rõ âm mưu và hành động độc chiếm biển Đông”.

GS. Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia):

3

GS. Carl Thayer

Khi Toà Trọng tài ra quyết định, các bên liên quan sẽ phải thực hiện ngay lập tức, không có kháng cáo. Tuy nhiên, Toà Trọng tài không có quyền ép buộc và không giải quyết các vấn đề chủ quyền.

Đối với Việt Nam, nên phải tuân thủ các tuyên bố của PCA trong quá trình đưa ra bất cứ quyết định nào. Trong nhiều trường hợp, Việt Nam có thể cân nhắc thực hiện các hành động pháp lý để làm rõ các vấn đề chủ quyền. Việt Nam cần phải lên chiến lược ngoại giao để tập hợp được liên minh quốc tế rộng rãi gây áp lực lên Trung Quốc, yêu cầu nước này thực thi luật pháp quốc tế.

Việt Nam tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật

Hôm qua, trả lời Báo Giao thông trước việc Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết cuối cùng, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài.

Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hảihàng không ở biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Tiến trình vụ kiện

Ngày 22/1/2013: Philippines nộp đơn kiện chống lại Trung Quốc.

Ngày 30/3/2014: Philippines nộp bản biện hộ dài 4.000 trang.

Ngày 17/3/2015: Philippines đệ trình bản biện hộ bổ sung dài 3.000 trang.

Ngày 7-13/7/2015: Philippines xuất hiện trước Toà Trọng tài trong phiên điều trần về khả năng Toà trọng tài thụ lý vụ việc.

Ngày 29/10/2015: Toà Trọng tài tuyên bố có khả năng thụ lý vụ kiện ở 7/15 điểm mà Philippines đệ trình.

Ngày 24-30/11/2015: Toà mở phiên điều trần kín cuối cùng về vụ việc, trong đó Việt Nam và một số nước khác được tham gia làm quan sát viên.

Ngày 12/7/2016: Tòa Trọng tài công bố phán quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.