Giao thông

Chuyên gia lên tiếng về vết nứt hầm Hải Vân

25/10/2017, 16:14

Nguyên nhân dẫn tới nứt vỏ hầm Hải Vân xuất phát từ sức chịu lực kéo kém của lớp bê tông vỏ hầm.

nutham-1508816561178

PGS.TS. Trần Chủng khẳng định, các vết nứt không gây nguy hiểm cho kết cấu vỏ hầm

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, sau khi tiếp nhận bàn giao hầm Hải Vân 1 từ Tổng cục Đường bộ VN, tháng 5/2016, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã tiến hành khảo sát toàn bộ hầm bằng công nghệ tia laser quét tự động của Cộng hòa Liên bang Đức. 

“Qua khảo sát, chúng tôi phát hiện trong hầm tồn tại 8 vết nứt ở trạng thái bất lợi, cần sửa chữa để tránh rủi ro về an toàn kết cấu”, ông Chủng nói và cho biết, đến tháng 12/2016, việc sửa chữa 8 vết nứt đã hoàn thành.

Theo ông Chủng, về mặt kết cấu và an toàn giao thông, đến nay hoàn toàn không có vấn đề gì và việc các vết nứt xuất hiện là trước thời điểm bàn giao công trình cho Công ty CP Đầu tư Đèo Cả quản lý, vận hành. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nứt vỏ hầm Hải Vân xuất phát từ sức chịu lực kéo kém của lớp bê tông vỏ hầm.

PGS.TS Tran Chung

PGS. TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

“Hầm Hải Vân được các nhà thầu Nhật Bản thi công bằng công nghệ NATM, kết cấu lớp vỏ hầm bằng bê tông. Về mặt nguyên lý, bản chất của bê tông là loại vật liệu chịu lực nén rất tốt nhưng khả năng chịu lực kéo lại kém. Do vậy, bê tông sẽ bị giãn ra khi nóng và co lại khi lạnh. Qua kiểm tra, các vết nứt tại hầm Hải Vân hiện nay đều không quá 0,3mm do sự biến đổi nhiệt, khiến bê tông bị co giãn. Tôi khẳng định, các vết nứt này hoàn toàn không gây nguy hiểm cho kết cấu của hầm và nằm trong tầm kiểm soát của Bộ GTVT và nhà đầu tư”, ông Chủng khẳng định.

Đề cập đến một số thông tin, hình ảnh được các phương tiện đăng tải cho rằng, nhiều vị trí trong hầm Hải Vân bị nứt rộng 3-5cm, ông Chủng nói: “Quả thật, các hình ảnh đăng tải nhìn rất kinh khủng, nhưng thực chất đó là lớp sơn epoxy phủ bên ngoài bê tông vỏ hầm bị lão hóa, bong tróc khiến nhiều người lầm trưởng đó là các vết nứt của vỏ hầm”.

Theo ông Chủng, lớp sơn epoxy chỉ có tuổi thọ khoảng 5 năm, đến nay, hầm Hải Vân đã đưa vào sử dụng 12 năm nên xuất hiện các vệt sơn bị bong tróc là đương nhiên. “Để đảm bảo mỹ quan, sau khi hoàn thành giai đoạn 2 (mở rộng hầm Hải Vân 2), nhà đầu tư sẽ tiến hành thay thế lớp sơn epoxy bằng gạch men giống như tại dự án hầm Đèo Cả. Việc sửa chữa hầm Hầm Vân 1 giống như chữa bệnh, tức là phải điều trị trên cơ sở căn nguyên, chứ không chữa theo triệu chứng”, ông Chủng chia sẻ.

vet nưt

Nhiều người lầm tưởng kết cấu vỏ hầm bị nứt nhưng thực chất đó là lớp sơn epoxy phủ bên ngoài bê tông vỏ hầm bị lão hóa, bong tróc

Ở một diễn biến khác, trong sáng nay (25/10), tại buổi thông tin báo chí, trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về việc nổ mìn thi công ống hầm Hải Vân 2 có ảnh hưởng đến kết cấu của hầm Hải Vân 1, ông Lê Quỳnh Mai – Phó tổng giám đốc Công ty CPĐT Đèo Cả khẳng định, việc nổ mìn thi công ống hầm thứ hai chắc chắn có ảnh hưởng đến ống hầm thứ nhất.

Tuy nhiên, về mức độ ảnh hưởng, ông Mai nói: “Trước khi triển khai thi công ống hầm thứ hai, Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, khi thực hiện công tác nổ mìn phải đảm bảo không gây nguy hiểm cho ống hầm thứ nhất. Thực tế, từ tháng 12/2016 đến nay, các nhà thầu đã thực hiện hơn 400 lượt nổ mìn. Tất cả đều được quan trắc, giám sát chặt chẽ và đều đảm bảo yêu cầu không gây nguy hiểm cho kết cấu của ống hầm thứ nhất”.

Cụ thể, theo ông Mai, về ảnh hưởng của rung chấn, theo tiêu chuẩn Việt Nam quy định, rung chấn không được vượt quá 36mm/s. Độ rung chấn đo được trong các lượt nổ mìn ở hầm Hải Vân do đơn vị độc lập là Trung tâm kỹ thuật nổ mìn thuộc Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam thực hiện đều chỉ bằng khoảng 50 – 60% giới hạn cho phép.

“Chúng tôi cũng tiến hành quan trắc, giám sát rất chặt chẽ về ảnh hưởng của công tác nổ mìn đối với các vết nứt từ trước. Tại các vị trí nổ mìn, hàng ngày chúng tôi đều quan trắc độ mở rộng và chiều dài vết nứt và nhận thấy rằng, tất cả các vết nứt đều không xuất hiện bất cứ thay đổi nào so với trước kia. Tức là, ảnh hưởng của công tác nổ mìn không gây ra sự bất lợi làm cho kết cấu hầm Hải Vân 1”, ông Mai nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.