Quân sự

Chuyên gia Nga: Mỹ có thể đứng sau cuộc tập trận hải quân Nhật-Ấn

01/07/2020, 09:10

Năm 2019, Ấn Độ đã từ chối lời mời của Australia tham gia tập trận ở Ấn Độ Dương cùng với Mỹ, Australia và Nhật Bản vì quan ngại phản ứng từ TQ.

img
Tàu chiến của Hải quân Ấn Độ và Hải quân Nhật Bản.

Cuộc tập trận hải quân chung của Ấn Độ và Nhật Bản trong khu vực Vịnh Bengal là một nỗ lực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng?

Phô trương sức mạnh

Trong cuộc phỏng vấn do báo Sputnik thực hiện, các chuyên gia đã bình luận về cuộc tập trận Ấn-Nhật đã được tổ chức vào ngày 27/6.

Các tàu chiến Ấn Độ tuần tra trong khu vực, gồm tàu khu trục lớp Rajput INS Rana và tàu hộ vệ tên lửa lớp Kora INS Kulish, đã tham gia cuộc diễn tập với các tàu JS Shimayuki và JS Kashima thuộc hạm đội huấn luyện của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản.

Để mô tả cuộc diễn tập hải quân, Ấn Độ và Nhật Bản đã lựa chọn thuật ngữ của Hải quân Hoa Kỳ - PASSEX (passing exercise). Đây là cách gọi các cuộc diễn tập thường được tổ chức của hai hạm đội có nhiệm vụ tăng cường hợp tác trong các hoạt động quân sự và sứ mệnh nhân đạo.

Các chuyên gia quân sự lưu ý rằng, ngoài lý do chính thức, những cuộc diễn tập PASSEX thường được tổ chức cho mục đích chính trị - để phô trương sức mạnh.

Điều này đã được xác nhận một cách gián tiếp trong bài viết của tờ Times of India về cuộc thao dượt này.

Times of India dẫn nguồn thạo tin lưu ý rằng, cuộc tập trận này gửi tín hiệu mạnh đến Trung Quốc, bởi vì hoạt động này được tổ chức trong bối cảnh quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang đối đầu ở phía đông Ladakh.

Ấn Độ sử dụng cuộc tập trận chung với Nhật Bản để dọa dẫm Trung Quốc trong thời gian căng thẳng tại biên giới, chuyên gia Zhou Yongsheng từ Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc nhận xét.

Chuyên gia cho rằng, nếu cuộc xung đột tại biên giới trở nên trầm trọng hơn, Ấn Độ sẽ cố gắng hạn chế các tuyến vận chuyển đường biển của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương.

Ấn Độ và Nhật Bản tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung mang tên Dharma-Guardian kể từ năm 2018. Hoạt động này là một thành phần quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ quân sự giữa hai nước.

Mối quan hệ này có độ tin cậy cao hơn sau khi Ấn Độ và Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao vào tháng 11 năm ngoái.

Hai bên đang hoàn thành công việc chuẩn bị thỏa thuận mua hàng và dịch vụ chéo (ACSA), cho phép hai nước sử dụng hậu cần quân sự của nhau. Thỏa thuận này sẽ củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược.

Ấn Độ đã ký kết các hiệp định ACSA với Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, Singapore và Australia. Điều này mở rộng khả năng của Hải quân Ấn Độ hoạt động chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, truyền thông Ấn Độ lưu ý khi bình luận về cuộc tập trận chung với Nhật Bản.

Các phương tiện truyền thông nhấn mạnh rằng, Ấn Độ đang chứng kiến sự hiện diện thường xuyên của các tàu chiến và tàu ngầm của hải quân Trung Quốc tại khu vực này.

Các nhà quan sát đều cho rằng, Thỏa thuận Tiếp nhận và Dịch vụ Tương trợ (ACSA), mà Ấn Độ và Úc đã ký kết vào ngày 4 tháng 6 sẽ loại bỏ những trở ngại đối với việc mời Australia thường xuyên tham gia các cuộc tập trận quân sự Ex Malabar do Ấn Độ tổ chức.

Năm 2019, Ấn Độ đã từ chối lời mời của Australia tham gia tập trận ở Ấn Độ Dương cùng với Mỹ, Australia và Nhật Bản vì quan ngại phản ứng từ Trung Quốc.

Dù vậy, một vài tháng sau cuộc tập trận Ex Malabar, Ấn Độ và Australia đã tiến hành cuộc tập trận hải quân AUSINDEX. Vào thời điểm đó, cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galvan đang leo thang.

Hoa Kỳ đứng phía sau?

Các cuộc diễn tập hải quân song phương với sự tham gia của Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tăng cường quan hệ đối tác trong khuôn khổ chiến lược Mỹ Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.

Ông Pavel Kamennov, nhà phân tích quân sự tại Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, không loại trừ rằng Hoa Kỳ đứng đằng sau cuộc diễn tập Ấn-Nhật.

"Rất có thể Mỹ đã đứng đằng sau. Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều là các đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Do đó, chắc chắn, những hoạt động như vậy được phối hợp với Hoa Kỳ, và sau đó họ báo cáo kết quả với Mỹ. Ấn Độ và Nhật Bản có các thỏa thuận với Hoa Kỳ và họ thể hiện cái mà chuyên gia Nga gọi là "lòng trung thành với anh trai" của mình.

Mục đích của hoạt động này là phô trương sức mạnh để gây áp lực đối với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để phô trương uy lực hải quân của họ. Tình hình này tồn tại trong nhiều năm liền.

Nhóm "bộ tứ" bao gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản rất lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, ông Pavel Kamennov nhận định.

Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng vũ trang và phát triển kinh tế. Nhờ đó nước này đã sẵn sàng đáp trả mọi hành động hải quân trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương của Mỹ, chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, các nhà quan sát lưu ý rằng, Mỹ triển khai cùng lúc ba tàu sân bay - USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz - tới vùng Thái Bình Dương. Đây là đợt triển khai tàu hải quân hùng hậu nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương trong những năm gần đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.