Quản lý

Chuyên gia ngoại “bật mí” kinh nghiệm huy động vốn xã hội hóa

09/07/2015, 11:55

Nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm trong công tác huy động vốn xã hội hóa...

1.5
Ông Paul Vallely phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo “Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông” do Bộ GTVT tổ chức chiều qua (8/7), nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác huy động vốn xã hội hóa...

Cần hơn 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho giao thông

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, những năm qua, Bộ GTVT đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH và đạt được những kết quả quan trọng, tạo được chuyển biến lớn. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, ngành GTVT đã huy động được 370.283 tỷ đồng, trong đó huy động theo hình thức BOT, PPP,… khoảng 121.833 tỷ đồng. Nhiều dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp có tầm cỡ khu vực và quốc tế được hoàn thành và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả tốt như: cầu Nhật Tân, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Vĩnh Thịnh trên QL2C, nhà ga T2 Nội Bài,…

"Thời gian qua, nhiều quy định pháp lý liên quan về chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư cũng như các quy định trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo các hình thức khác nhau, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đã được ban hành”.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông

“Giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhu cầu nguồn vốn đầu tư của ngành GTVT khoảng trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó dự kiến có thể huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng 347,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,3%, từ nguồn vốn ODA khoảng 245 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,1%. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ Việt Nam xác định việc huy động nguồn vốn từ khối doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước là hết sức cần thiết”, Thứ trưởng Đông nói.

Thông tin cụ thể về kế hoạch xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2016-2020, ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, lĩnh vực đường bộ dự kiến huy động khoảng 179 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách để đầu tư các tuyến đường cao tốc: Nội Bài - Bắc Ninh, Biên Hòa - Phú Mỹ - Cái Mép, Dầu Giây - Phan Thiết… và một số tuyến quốc lộ trọng yếu như: Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, dự án mở rộng hầm Đèo Ngang, QL6 và QL12B tỉnh Hòa Bình,…

Lĩnh vực hàng hải dự kiến huy động khoảng 44 nghìn tỷ đồng đầu tư các cảng biển trung chuyển và các cảng biển chuyên dùng; đường thủy nội địa huy động khoảng 13 nghìn tỷ đồng, tập trung đầu tư vào hệ thống cảng chuyên dùng và một số tuyến luồng đường thủy trọng yếu khu vực phía Bắc, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; hàng không huy động khoảng 56 nghìn tỷ đồng đầu tư vào các nhà ga một số sân bay, cảng hàng không, trong đó có sân bay Long Thành; đường sắt huy động khoảng 14 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng các nhà ga, kho bãi, bãi hàng, khu dịch vụ.

Nhiều kinh nghiệm quý

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án PPP trong lĩnh vực hàng không và đường sắt, bà Lynn Tho, Phó tổng giám đốc khối Dịch vụ tư vấn cơ sở hạ tầng và tư vấn huy động tài chính cho dự án khu vực châu Á EY Singapore cho biết, để triển khai thành công các dự án đường sắt theo hình thức PPP, khâu chuẩn bị đầu tư phải cẩn trọng bởi đây thường là các dự án rất phức tạp. Trong quá trình chuẩn bị triển khai cần tính tới các yếu tố như: quy mô và mức độ phức tạp của dự án, mục tiêu và vai trò của Chính phủ, cơ cấu nhà thầu, lãi suất thị trường,…

“Kinh nghiệm của chúng tôi trong cách tiếp cận với các dự án PPP lĩnh vực hàng không và đường sắt đó là nghiên cứu kỹ tính khả thi, phân tích kinh tế và tài chính của dự án, đồng thời xây dựng các chính sách về quản lý tài chính, thỏa thuận tài chính với các bên cho vay, thu thập thông tin thị trường”, bà Lynn Tho chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề pháp lý và thể chế cho các dự án PPP, ông Paul Vallely, chuyên gia cao cấp về giao thông của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, cần đảm bảo dự án có cơ sở hợp lý về mặt kỹ thuật và kinh tế, đồng thời, đảm bảo dự án thực hiện bằng hình thức PPP mang lại giá trị đầu tư so với hình thức đầu tư truyền thống.

Bên cạnh đó, ông Paul Vallely cho rằng, các dự án PPP cần sự hỗ trợ gián tiếp của Chính phủ để tối đa hóa giá trị đầu tư và thu hút vốn của khu vực tư nhân.

“Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục sử dụng biện pháp đảm bảo doanh thu tối thiểu nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thị trường, song không tạo ra rủi ro đạo đức. Indonesia cũng đã thiết lập Quỹ bảo lãnh cơ sở hạ tầng nhằm bảo vệ ngân sách Nhà nước và đóng vai trò là cầu nối một cửa cho nhà đầu tư đối với bảo lãnh và rủi ro của Chính phủ trước nghĩa vụ nợ của PPP. Gần đây, Chính phủ Philippines đã thể chế hóa quỹ nghĩa vụ nợ dự phòng nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư về khả năng chi trả của Chính phủ”, ông Paul Vallely dẫn chứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.