Đăng kiểm

Chuyên gia nói về đề xuất cho phép cơ sở bảo dưỡng kiểm định ô tô

08/02/2023, 18:24

Theo các chuyên gia, để các cơ sở bảo dưỡng ô tô kiểm định được phương tiện cần nghiên cứu kỹ, có quy định cụ thể, chặt chẽ.

Lo tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Liên quan đến đề xuất của Cục Đăng kiểm VN về việc nghiên cứu, xây dựng phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S chính hãng được kiểm định phương tiện, trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Lê Tùng (chủ phương tiện ở Hà Nội) cho biết, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu kỹ đề xuất này.

img

Người dân lo ngại việc cho phép cơ sở bảo dưỡng kiểm định ô tô sẽ xảy ra tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi"

"Nếu cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô vừa kinh doanh dịch vụ sửa chữa vừa thực hiện công tác kiểm định xe có thể xảy ra tình huống “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đơn cử như các cơ sở bảo dưỡng ô tô có thể yêu cầu chủ xe phải thay phụ tùng chính hãng, “vẽ” ra đủ thứ bệnh, bắt thay phụ tùng, dung dịch,…mới cấp giấy chứng nhận đăng kiểm”, anh Tùng nêu tình huống.

Trong khi đó, một độc giả khác cho biết, để xác định được cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S cần phải có quy định rõ ràng về từng tiêu chí cụ thể và cơ quan có thẩm quyền phải rà soát, đánh giá lại các cơ sở này xem có đảm bảo tiêu chí hay không. Điều này cũng mất rất nhiều thời gian.

Lãnh đạo một đơn vị đăng kiểm cho biết, đề xuất trên đang mâu thuẫn với quy định tại Điều 4 của Nghị định 139/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Cụ thể, khoản 2 quy định: Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.

Theo lãnh đạo này, quy định trên nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, kết hợp giữa kinh doanh vận tải hoặc sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện với kiểm định xe để phục vụ mục đích riêng. Nếu thực hiện đề xuất cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S chính hãng được kiểm định phương tiện sẽ phải sửa lại Thông tư.

img

Theo các chuyên gia, với đề xuất trên cần nghiên cứu quy định cụ thể và có cơ chế giám sát chặt chẽ, tránh xảy ra tiêu cực

Cần quy định cụ thể và giám sát chặt chẽ

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho biết, phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S chính hãng được kiểm định phương tiện sẽ giúp tận dụng được trang thiết bị máy móc, thợ tay nghề cao, có chuyên môn của các cơ sở này vì hầu hết đều là các kỹ sư nắm rõ kết cấu, tính năng phương tiện. Qua đó tiết kiệm được chi phí so với việc lập các trung tâm đăng kiểm mới.

Khi đó, các cơ sở này có thể tận dụng không gian chung với khu vực bảo dưỡng nếu rộng hoặc phải bố trí một không gian riêng để lắp đặt các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm định phù hợp với quy định về hạ tầng đăng kiểm phương tiện.

Về nhân sự, có thể sử dụng kỹ sư ô tô sẵn có tại các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa nhưng cần bổ sung thêm kiến thức chuyên môn về kiểm định xe cơ giới.

Tuy nhiên, cần phải tách bạch riêng 2 nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa với kiểm định xe cơ giới và Bộ GTVT cần có những quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, tiêu chí, kỹ thuật giám định ô tô để các kỹ sư, thợ tại các cơ sở bảo dưỡng phải nắm được, thực hiện.

Đồng thời, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, có quy định rõ ràng về hình thức xử lý, kỷ luật nếu để xảy ra tình trạng tiêu cực, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lợi dụng để làm những việc không đúng nhiệm vụ kiểm định xe cơ giới một cách khách quan.

TS Thuỷ cũng lưu ý, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, cần đào tạo được đội ngũ kỹ sư tâm huyết, thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Ngoài ra, cần rà soát lại việc xã hội hoá các trung tâm đăng kiểm, xã hội hoá là tốt nhưng ở một mức độ cụ thể để có thể kiểm soát chặt chẽ hơn.

Cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S có không gian trưng bày xe mới (showroom), có dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng (service) và cung cấp phụ tùng chính hãng (spare parts). Trong khi đó, cơ sở 4S ngoài hai chức năng trên còn bổ sung chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng (survey).

PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Viện Cơ khí động lực (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, đề xuất trên của Cục Đăng kiểm VN được cho là mới tại nước ta tuy nhiên ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản đã thực hiện từ lâu.

Một số hãng xe lớn có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng ở cấp độ 3S, 4S tại đây đã được cấp giấy chứng nhận dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn.

Về thiết bị, ở những cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S đã trang bị được máy móc để kiểm tra hệ thống phanh, độ chụm đèn tuy nhiên thiết bị kiểm tra về vận tốc, khí thải thì chưa, do đó, cần phải trang bị thêm để phục vụ công tác kiểm định xe.

Cùng với đó, đội ngũ thợ tại các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa tuy đều là các kỹ sư ô tô, có trình độ đào tạo Đại học tuy nhiên, từ trước đến nay, chủ yếu thực hiện các hạng mục bảo dưỡng xe. Do đó, cần phải trải qua một khoá huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ đăng kiểm.

Hiện nay, khi các phương tiện được đưa vào các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa chính hãng kiểm tra định kỳ, tất cả các hạng mục đều được kiểm tra để đảm bảo đạt tiêu chuẩn của hãng mới bàn giao cho khách hàng.

“Nếu áp dụng đề xuất trên, ô tô đến thời gian bảo dưỡng định kỳ, chủ xe có thể đưa xe đến các cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S, 4S vừa được thực hiện bảo dưỡng định kỳ, vừa được chứng nhận đăng kiểm để có thêm căn cứ pháp lý đủ điều kiện lưu thông trên đường, một công đôi việc”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc nhìn nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.