Hàng hải

Chuyên gia nói gì việc DN tư nhân muốn xây cảng biển 35.000 tỷ ở Nam Định?

18/06/2022, 12:00

Theo các chuyên gia, Nam Định không có hậu phương đủ lớn, cũng không có nước sâu để phát triển cảng biển lớn.

Cần làm rõ mục đích xây dựng cảng biển

Là người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển, ông Cao Trung Ngoan, nguyên Giám đốc Cảng Hải Phòng chia sẻ với Báo Giao thông, hiện nay ở khu vực phía Bắc, không phải cảng biển nào cũng có thể xây dựng hay phát triển được.

Ngay cả Quảng Ninh có cảng Cái Lân, dù được Chính phủ đầu tư cũng chưa thể làm được vì nhiều tính chất khác nhau. Đối với khu vực Thái Bình và Nam Định, để phát triển cảng biển và đón tàu có trọng tải lớn càng khó hơn.

img

Hiện Nam Định chưa có vùng nước sâu để phát triển cảng nước sâu, đón tàu trọng tải lớn. Ảnh minh họa

“Nếu đầu tư xây dựng cảng biển ở Nam Định, phải nghiên cứu rất kỹ về thủy văn, địa chất, thủy triều, kết nối giao thông, nguồn hàng… Đồng thời, phải có quá trình nghiên cứu, phản biện kỹ vì đó là nơi có sa bồi cực lớn, mỗi năm tiến ra biển hàng trăm mét”, ông Ngoan nhận định.

Cũng theo ông Ngoan, phía Bắc hiện nay chỉ có cảng nước sâu Lạch Huyện có thể đáp ứng luồng tàu cho tàu có trọng tải khoảng 100.000 DWT, nhưng vẫn còn nan giải. Cùng đó, dự kiến tuyến đường ven biển Thái Bình và Hải Phòng sẽ được kết nối trong thời gian tới. Khi ấy, hàng hóa từ các khu kinh tế Thái Bình sẽ dồn về Hải Phòng, khó có khả năng là Nam Định.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp Hội cảng biển Việt Nam Trần Khánh Hoàng bày tỏ sự nghi ngờ về mục đích đề xuất xây dựng cảng biển tại Nam Định của doanh nghiệp.

Ông Hoàng nhận định, Nam Định không có hậu phương để phát triển cảng biển. “Hậu phương không lớn thì hiệu quả khai thác cảng không có”, ông Hoàng nhấn mạnh. Chưa kể cách đó gần 100km, đã có cảng Hải Phòng bao quát toàn bộ khu vực phía Bắc. Còn lại, các cảng nhỏ khác không thu lời được.

“Phía bắc đã có Hải Phòng, phía nam đã có cảng Nghi Sơn Thanh Hóa, nhưng cũng không dễ sống và làm ra tiền. Ngay cảng Cái Lân (Quảng Ninh) cũng khó sống. Bởi thế, nếu doanh nghiệp có xây dựng khu công nghiệp ở Nam Định và nói mục đích muốn xây cảng biển 35.000 tỷ để phục vụ khu công nghiệp, tôi không tin”, ông Hoàng thẳng thắn.

Phó Chủ tịch Hiệp Hội cảng biển Việt Nam nói thêm, Nam Định dù là đất dệt nhưng sức cuốn hút với công nghiệp còn rất vất vả. Đồng thời, vùng đất này cũng không có cảng nước sâu để đón được tàu lớn cỡ trọng tải 300.000 DWT.

Cục Hàng Hải VN đang nghiên cứu hồ sơ

Liên quan tới đề xuất xây dựng cảng biển của CTCP Xuân Thiện Nam Định, thông tin với Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết mới nhận được hồ sơ của doanh nghiệp. “Hiện tại, Cục đang nghiên cứu hồ sơ về dự án”, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết.

img

Phối cảnh dự án tổ hợp nhà máy thép xanh của CTCP Xuân Thiện Nam Định

Trước đó, UBND tỉnh Nam Định đã có ý kiến đề nghị Bộ GTVT xem xét cập nhật, bổ sung bến cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc thời kỳ 2021-2030 và Quy hoạch chi tiết các Nhóm cảng biển và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nam Định thời kỳ 2021-2030.

Theo đề xuất, giai đoạn 1 (đến năm 2030) sẽ quy hoạch 19 bến cảng. Kết cấu bến cảng thiết kế tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 300.000 DWT, quy mô luồng cho tàu 100.000 DWT (cỡ tàu đến 200.000 DWT, lớn hơn giảm tải và lợi dụng mực nước để hành hải).

Dự kiến đến năm 2030, bến cảng sẽ đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn mở đầu dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của công ty và vốn huy động.

Ngoài ra, địa điểm xây dựng cảng được đề xuất là tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng, có vị trí không gian từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy.

Trong bản đề nghị Bộ GTVT xem xét cập nhật, bổ sung bến cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc thời kỳ 2021-2030, Tổng Giám đốc Nguyễn Huy Hoàng của Công ty CP Xuân Thiện Nam Định cho biết, UBND tỉnh Nam Định đã chấp thuận cho doanh nghiệp này đầu tư xây dựng Nhà máy thép xanh số 1 công suất 7,5 triệu tấn năm.

Xuân Thiện cũng được chấp thuận đầu tư Dự án nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng quy mô sản xuất thép thành phẩm với công suất 2 triệu tấn năm từ thép phế và sản phẩm chứa sắt bằng lò điện hồ quang và đúc cán liên tục; Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định quy mô 500 nghìn tấn sản phẩm/năm.

"Khi các nhà máy được đầu tư và đi vào hoạt động, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển phục vụ cho việc vận hành các nhà máy này là rất lớn. Việc bổ sung quy hoạch cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định để trên cơ sở đó tiến hành đầu tư xây dựng cảng biển đồng bộ với tiến trình của các nhà máy thép là hết sức cần thiết và cấp bách", ông Nguyễn Huy Hoàng khẳng định.

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, người đại diện theo pháp luật của CTCP Xuân Thiện Nam Định cũng là người đại diện theo pháp luật của CTCP Xuân Thiện Nghi Sơn - doanh nghiệp đang đề nghị xây dựng khu bến cảng nước sâu Nghi Sơn và khu logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa với tổng vốn đầu tư dự kiến 15.000 tỷ đồng.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang đề nghị Công ty CP Xuân Thiện Nghi Sơn giải trình bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ, làm rõ các vấn đề liên quan tới năng lực của nhà đầu tư, đảm bảo việc đầu tư, thực hiện dự án tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.