Đời sống

Chuyên gia phong thủy tư vấn hóa vàng mã Rằm tháng 7 sao cho đúng

14/08/2019, 12:35

Ngày Rằm tháng 7, không chỉ vàng mã, ngựa giấy, nhiều nhà còn sắm đủ bộ "trần sao âm vậy", xe máy, ôtô, nhà cửa, thậm chí cả phi cơ để hóa lễ.

img
Hàng mã xe máy như thật được đặt làm để hóa trong lễ rằm tháng 7/Ảnh: Toàn Vũ

Trong lễ Rằm tháng 7 năm nay, ngoài các mặt hàng vàng mã quen thuộc như tiền âm phủ, vàng thỏi, quần áo, điện thoại bằng giấy, nhiều người còn chuộng mua cả trực thăng, xe phân khối lớn để "đốt" cho người cõi âm. Chiếc xe phân khối lớn hàng mã được làm từ giấy có giá khoảng 3 triệu đồng có kích thước, hình dáng và các chi tiết không khác gì chiếc xe ngoài đời thật.

Vậy hóa vàng mã sau cúng lễ Rằm tháng 7 theo quan niệm "trần sao âm vậy" có đúng không? Về vấn đề này, chuyên gia phong thủy Lương Ngọc Huỳnh đã chia sẻ với PV Báo Giao thông: Theo quan niệm dân gian truyền thống, tháng 7 là tháng cô hồn, đây cũng là tháng có lễ Vu lan báo hiếu.

img
Đốt vàng mã theo quan niệm "trần sao, âm vậy" là chưa đúng/ Ảnh minh họa

Trong đạo giáo, người ta quan niệm tháng 7 các vị thần tiên lên trời họp nên dưới trần gian cúng cho các vong hồn được hưởng ân sá quay về gặp gia đình. Có thuyết nói, ngày mùng 2 mở của địa ngục và 15 đóng cửa địa ngục...

Vì thế, tâm lý người Việt Nam, đạo nghĩa hiếu nghĩa, ghi nhớ ơn ông bà tổ tiên nên có tục cúng, đốt lễ.

Trong nghi lễ thần tiên và đạo giáo, có hình thức mở kho âm phủ vì thế có tục đốt vàng thuyền, vàng thỏi, không phải đốt mã để dâng lên cho gia tiên. Nhưng nếu đốt vàng tiền, vàng thỏi cho gia tiên cũng không cần đốt nhiều và không nên đốt tiền âm phủ. Bởi chỉ đốt tiền âm phủ khi cúng cô hồn, đồng thời việc đốt tiền âm phủ cháy lâu, rất khói gây ô nhiêm môi trường.

Việc đốt hàng mã đồ dùng cá nhân như laptop, bút, sách, điện thoại hay ôtô, xe máy.... với quan niệm "trần sao, âm vậy" là chưa đúng.

Theo ông Huỳnh, mọi người cần phải hiểu: "Người chết đi lại bằng thông linh, bằng linh thức chứ không phải di chuyển bằng phương tiện vật dụng như chúng ta… Nên khi chúng ta cúng cầu nguyện phát ra, gia tiên đã linh thông rồi chứ không phải gia tiên lúc đó mới đi đò, đi thuyền hiện hữu. Như vậy chỉ cần dứt lời cầu cúng, gia tiên đã thụ hưởng bằng thần thức. Do vậy, nghi lễ cúng không cần cầu kỳ kéo dài nhiều giờ đồng hồ".

"Trong ngày Rằm tháng 7 này, các gia đình chỉ cần chuẩn bị chu đáo mâm cỗ cúng để thể hiện lòng thành kính, đốt chút thuyền vàng, thỏi vàng chứ không nên lãng phí đốt hàng mã quần áo, mũ mão, ngựa xe... Và điều quan trọng, muốn thành tựu mùa Vu Lan báo hiếu, điều quan trọng nhất là con cháu hiếu thảo thực hành những việc hiếu hạnh phụng dưỡng cha mẹ, ông bà đang còn sống, và phát nguyện hồi hướng công đức cho họ khi đã khuất. Nếu không làm được việc đó, thì việc đi lễ chùa, mâm cao cỗ đầy, dâng cúng vàng mã chỉ mang tính hình thức, tốn kém thời giờ và tiền của", ông Huỳnh chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.