Thế giới giao thông

Chuyện Hàn Quốc xây cao tốc bằng... niềm tin

03/11/2017, 09:05

Nói tới những nước châu Á có tốc độ phát triển vượt bậc khiến phương Tây phải “ngả mũ”...

18

Đường cao tốc Gyeongpu nối Seoul với Busan

Nói tới những nước châu Á có tốc độ phát triển vượt bậc khiến phương Tây phải “ngả mũ”, ngoài Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản..., người ta còn nhắc nhiều đến Hàn Quốc. Quyết tâm xây dựng đường cao tốc từ bàn tay trắng của Chính phủ Hàn Quốc, góp phần làm thay đổi bộ mặt giao thông, giúp kinh tế chuyển mình là một trong những biểu tượng về ý chí, quyết tâm của xứ sở kim chi.

Tiền đâu xây cao tốc?

Sở dĩ lấy Hàn Quốc làm điển hình cho nỗ lực phát triển đường cao tốc nhằm phát triển kinh tế vì chỉ sau 48 năm kể từ khi xây dựng tuyến đường cao tốc Gyeongpu đầu tiên tới năm 2016, Hàn Quốc đã xây dựng được 4.193km và được xếp vào hạng mục công trình hạ tầng tốt nhất thế giới về “tính hiệu quả, giá thành, độ tin cậy và đổi mới”.

34 đường cao tốc hình thành nên tuyến huyết mạch xuyên núi, tỏa đi khắp đất nước, kết nối các thành phố lớn, trung tâm với các tỉnh thành xa xôi. Theo trang Korea.net, với hệ thống cao tốc hiện nay, người dân Hàn Quốc có thể đi lại trên toàn quốc chỉ trong 1 ngày.

Người đặt nền móng đầu tiên và thay đổi suy nghĩ của người dân về cao tốc của Hàn Quốc chính là cố Tổng thống Park Chung-hee. Đường cao tốc đầu tiên của Hàn Quốc Gyeongpu chính là một trong những di sản để đời của ông Park khiến người Hàn phải cảm phục dù lịch sử vẫn ghi dấu ông là một lãnh đạo chuyên quyền.

Gyeongpu là tuyến cao tốc Bắc - Nam nối Thủ đô Seoul và thành phố biển Busan, với 4 làn đường. Thời điểm xây dựng cao tốc Seoul - Busan, chỉ một mình ông Park Chung-hee tin rằng, đây là việc cấp bách nếu muốn phát triển kinh tế và chắc chắn khả thi.

Theo Chosun Ilbo, khi đó, đa số người dân Hàn Quốc đều nghĩ ông Park “ảo tưởng” khi muốn xây cao tốc bằng niềm tin và trên tinh thần “cứ làm thôi” trong bối cảnh đất nước không có tiền, công nghệ và chưa có phương pháp xây dựng đường cao tốc.

Ông Park bắt đầu nghĩ đến một đường cao tốc cho Hàn Quốc sau chuyến thăm Tây Đức năm 1964 và chứng kiến đường cao tốc Autobahn. Trở về từ chuyến thăm này, cứ khi nào có thời gian rảnh, ông lại ngồi vẽ lên giấy hệ thống đường bộ. Năm 1967, để chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông cam kết xây dựng một đường cao tốc nối Seoul và Busan.

“Cao tốc ư?”- Cụm từ xa lạ đến mức nhiều người dân phải chau mày. Đảng Shinmin đối lập dẫn đầu làn sóng phản đối cho rằng, kế hoạch này là chuyến phiêu lưu của giới nhà giàu. “Tại sao một đất nước với thu nhập đầu người chỉ 142 USD lại cần đường cao tốc?”, đảng Shinmin phản đối.

Kênh KBS dẫn lời Tiến sĩ Cheon Kyu-seung cho biết: Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất thời điểm đó là “Tiền đâu?”. “Người ta cho rằng, nếu có tiền để trải đường thì trước hết nên ưu tiên dùng tiền để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp nông thủy sản một cách ổn định cho người dân”, ông Cheon nói. Cũng có ý kiến rằng đường bình thường còn chưa có, nói gì đến đường cao tốc, Tiến sĩ Choen chia sẻ thêm.

Nhưng ông Park không từ bỏ. Thiếu thốn ngân sách, cố Tổng thống huy động đội kỹ sư quân sự vào xây dựng và đã bắt đầu khởi công xây đoạn cao tốc giữa Seoul - Osan 3 tháng trước lễ động thổ. Cố Tổng thống Park là người quyết định trong tất cả các công đoạn từ địa điểm đến cách xây dựng. Bộ trưởng Công thương Kim Chung-yum thời điểm đó nhớ lại: “Tổng thống Park chỉ đạo quân đội như thể ông đang trên chiến trường”. Bất cứ lúc nào có thời gian rảnh, ông lại lái chiếc xe jeep Kaiser tới công trường.

Trả giá bằng máu mới có “quả ngọt”

Ở thời điểm đến máy trộn xi măng còn chưa có, mọi việc đều phải làm bằng tay,  Hàn Quốc đã gặp vô vàn khó khăn, nhất là địa hình. Đoạn đường nối Daejeon - Daegu phức tạp nhất, đặc biệt là khu vực gần hầm Dangjae (nay được gọi là Hầm Okcheon).

Trong 2,5 năm xây dựng, đã có 77 người thiệt mạng. Tổng cộng 16 công ty xây dựng hàng đầu với sự tham gia của 8,93 triệu người đã chung tay xây dựng tuyến huyết mạch này. KBS dẫn lời ông Oh Gyo-tak, một trong những người từng làm việc tại công trường xây dựng tuyến đường cao tốc Gyeongbu, kể lại: “Lúc đó máy móc không phát triển như bây giờ nên chúng tôi hầu như phải làm mọi công đoạn bằng tay. Kể cả việc nhào trộn xi măng cũng phải làm thủ công. Nói chung rất là cực. Bây giờ, người ta đâu ai nhào trộn nổi xi măng bằng tay, dù được trả tiền, cũng chẳng ai muốn làm. Không chỉ vậy, thời gian gấp rút nên chúng tôi phải tranh thủ làm việc xuyên đêm. Bây giờ, công nhân chỉ phải làm 8 tiếng một ngày, còn hồi đó chúng tôi phải làm từ sáng sớm đến khi mặt trời lặn mới được nhận tiền lương theo ngày”.

Sau nhiều vất vả, hy sinh cả máu và nước mắt, ngày 7/7/1970 - một năm trước thời hạn, toàn bộ công việc thi công 428km đường cao tốc Gyeongbu hoàn tất, bao gồm 305 cầu, 12 đường hầm và chính thức được khai thông. Xa lộ Seoul-Busan trở thành công trình công cộng lớn nhất kể từ thời lập quốc 5.000 năm trước.

Chứng kiến “giấc mơ thành thành hiện thực”, Tổng thống Park xúc động ca ngợi đây là công trình tuyệt vời được hoàn tất trong thời gian ngắn nhất với số tiền ít nhất - 100 triệu won/1km (khoảng 2 tỷ VND). Cùng thời điểm, Nhật Bản cũng hoàn thành tuyến đường cao tốc Tomei nối Tokyo với Nakoya nhưng với chi phí cao gấp 8 lần, khoảng 800 triệu won/km.

Con đường này cho phép người dân di chuyển từ Bắc tới Nam lãnh thổ Hàn Quốc chỉ trong 1 ngày, mở ra một kỷ nguyên ô tô cá nhân tại Hàn Quốc. Tập đoàn Cao tốc Hàn Quốc ước tính Gyeongbu tạo ra lợi ích kinh tế 13,55 nghìn tỉ won/năm. Trong 3 năm đầu, xa lộ Seoul - Busan giúp tạo ra 70% tổng sản lượng quốc gia. Lượng xe sử dụng đường này đã chiếm tới 80% lượng xe lưu thông trong nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.