Thế giới giao thông

Chuyện ít biết về những “cư dân bất đắc dĩ” ở các sân bay

17/04/2021, 09:15

Nhiều hành khách lại trở thành những “cư dân bất đắc dĩ” tại các sân bay trong nhiều tháng, thậm chí có trường hợp đến hơn chục năm trời.

img

Ông Mehran Karimi Nasseri từng sống 18 năm tại sân bay Paris, Pháp

Cảng hàng không thường là nơi có cơ sở hạ tầng, dịch vụ như những thành phố mini, cho phép hành khách nghỉ ngơi hoặc chờ quá cảnh từ 1 - 2 ngày.

Nhưng đôi khi, vì một lý do nào đó, nhiều hành khách lại trở thành những “cư dân bất đắc dĩ” tại các sân bay trong nhiều tháng, thậm chí có trường hợp đến hơn chục năm trời.

18 năm vất vưởng ở sân bay

Một số nguyên nhân khiến hành khách phải “thường trú” tại sân bay có thể kể đến như: Bị mất giấy tờ tùy thân (thị thực, giấy chứng minh tị nạn...), gặp sự cố với hãng hàng không, liên quan tới chính trị, tị nạn hay do sự cố dịch bệnh, thiên tai bất ngờ...

Sự việc vừa được phát hiện đầu năm nay tại Mỹ là một ví dụ. Tháng 1/2021, khắp các trang báo Mỹ đưa tin về trường hợp một người đàn ông gốc Ấn Độ tên là Aditya Singh, có bằng kinh tế tại Đại học London, bằng cử nhân tại Đại học bang Oklahoma, thường trú ở Los Angeles từ năm 2019 nhưng đã “sống chui” ở sân bay quốc tế O’Hare Chicago trong suốt 3 tháng.

Aditya Singh đang trên đường quay trở lại Ấn Độ vì visa Mỹ hết hạn nhưng nghe tin dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên sợ lên máy bay và chọn cách sống quẩn quanh trong nhà ga suốt 12 tuần, từ tháng 10/2020.

Dù lúc đó dịch bệnh hoành hành nhưng vẫn nằm trong mùa cao điểm đi lại, tạo cơ hội cho Singh hòa vào dòng hành khách, ẩn mình thành công.

Nếu như trước đây, anh Aditya Singh, một người được bạn bè đánh giá là rất tốt bụng, thường xuyên giúp đỡ những người không nơi nương tựa thì nay khi sống tạm ở sân bay, anh lại phải nhờ cậy sự trợ giúp thực phẩm từ những hành khách tốt bụng. Mãi cuối tháng 1/2021, lực lượng an ninh sân bay Mỹ mới phát hiện sự việc.

Một ví dụ khác là câu chuyện của ông Mehran Karimi Nasseri, người bất đắc dĩ phải làm “cư dân sân bay” chỉ vì mất giấy tờ. Câu chuyện của ông Mehran đặc biệt đến mức được truyền tải thành bộ phim “The Terminal” do diễn viên nổi tiếng Tom Hanks thủ vai.

Nasseri là người Iran, đang trên đường tới tị nạn ở Vương quốc Anh, quá cảnh qua Bỉ, Pháp vào năm 1988 và gặp sự cố mất giấy tờ chứng minh tình trạng tị nạn.

Vì không có giấy tờ tùy thân, Nasseri không được lên máy bay tới Anh và cũng chẳng được rời khỏi sân bay Paris vào bên trong nước Pháp. Sự việc của ông bị giới chức Anh, Pháp, Bỉ đẩy qua đẩy lại, không giải quyết.

Cuối cùng, dù được chính quyền Pháp chấp nhận cho phép nhập cảnh nhưng ông từ chối vì muốn tới Anh như ý định ban đầu. Cứ như vậy, Nasseri sống tại sân bay Charles de Gaulle, Thủ đô Paris, Pháp gần 18 năm và chỉ rời đi vào năm 2006 khi sức khỏe suy yếu.

Câu chuyện của Edward Snowden, người tiết lộ các thông tin mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ năm 2013 là điển hình khác cho những người bất đắc dĩ phải sống ở sân bay vì lý do chính trị.

Để tránh bị bắt giữ và truy tố, Snowden đã trốn sang Nga, buộc phải sống hơn 1 tháng tại sân bay nước này vì thị thực bị Mỹ tước quyền hạn. Snowden chỉ được rời sân bay sau khi được chính quyền địa phương chấp nhận cho tị nạn chính trị.

img

Khách quốc tế ở sân bay Paris - ảnh tư liệu chỉ có tình chất minh họa BBC.

Cuộc sống như “giam lỏng”

Sở dĩ có chuyện người sống ẩn dật ở sân bay tới cả tháng mới bị phát hiện là bởi nơi đây có không gian rộng, với đầy đủ hàng quán, nhu yếu phẩm, phương tiện vận tải công cộng... nên chẳng khác nào những đô thị mini.

Thậm chí, ở một số nơi như Singapore, chính quyền địa phương còn chủ đích mở rộng vai trò cảng hàng không thành các “thành phố sân bay” với đủ tiện nghi, dịch vụ cho phép hành khách quốc tế sống thoải mái mà không cần vào trong nội thành.

Chưa kể, thông thường, các nhà ga sân bay quy mô nhỏ hay mở cửa từ sáng sớm và đóng cửa lúc tối muộn, nhưng đa phần sân bay quốc tế sẽ hoạt động 24/7 nên những người có ý định sống chui tại sân bay dễ dàng hòa trộn vào dòng người qua lại bận rộn mỗi ngày để có chỗ che mưa nắng mà không bị phát hiện.

Với người vô gia cư trú ẩn tại sân bay nước sở tại, việc đi lại, ra khỏi sân bay gần như không bị hạn chế. Nhưng với những cư dân đến từ các nước khác vì một trong những lý do kể trên phải sống tại sân bay thì gần như bị giam lỏng.

Các cảng hàng không quốc tế được quy định là “không phận quốc tế” nên tất cả hành khách đến sân bay của một nước nào đó, có thể di chuyển tự do nhưng chỉ trong khuôn khổ nhà ga đến, không được phép sang các khu vực khác hay vào trong thành phố. Nếu không, đây sẽ là hành vi nhập cảnh bất hợp pháp.

Ngoài ra, sân bay là cơ sở vận tải quan trọng, tùy theo từng quốc gia sẽ có lực lượng đảm bảo an ninh nghiêm ngặt nên hiếm khi xảy ra sự việc những cư dân bất đắc dĩ tiếp cận những khu vực cấm.

Từ lâu, các sân bay lớn ở cả Mỹ và châu Âu vô tình kiêm thêm chức năng làm nơi trú ẩn cho người vô gia cư. Nhiều nhà phân tích nhận thấy, những năm 1980 là điểm đánh dấu bước ngoặt quan trọng dẫn đến tình trạng người vô gia cư tìm đến sân bay ồ ạt. Đó là thời điểm chính phủ cắt giảm ngân sách liên bang, giải tán bệnh nhân và đóng cửa một số bệnh viện tâm thần, siết chặt quy định người vô gia cư, chỉnh trang đô thị dẫn tới tỉ lệ người vô gia cư tăng vọt.

Theo tờ Chicago Tribune, vào năm 1984, tại sân bay O’Hare của bang này, có từ 30-50 “cư dân bất đắc dĩ”. Thậm chí, một số quan chức cho cho biết, số lượng này đã tăng tới 200 người trong mùa đông năm 2020. Đến nay, vấn đề người vô gia cư trú ngụ tại sân bay vẫn dai dẳng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.