Xã hội

Chuyện kể của người đội trưởng công an bảo vệ lễ đài ngày độc lập

02/09/2020, 08:21

Cứ đến ngày 2/9, cụ Đốc lại kể cho con cháu nghe khoảnh khắc thiêng liêng khi làm nhiệm vụ bảo vệ lễ đài ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập.

img
Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)

Trong căn nhà nhỏ trên phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cụ ông Phạm Gia Đốc (97 tuổi) dù bước chân đã có phần chậm lại, nhưng giọng nói, ánh mắt vẫn còn tinh tường. Đặc biệt, câu chuyện về thời khắc đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ Lễ đài khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình luôn được cụ kể lại rành rọt.

75 năm trước, Cách mạng Tháng 8 thành công, Sở Công an Bắc bộ được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, và cụ Đốc vinh dự được đảm nhiệm chức vụ Đội trưởng Công an. Cụ cùng một số cán bộ ưu tú khác được Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ Chu Đình Xương trực tiếp giao nhiệm vụ bảo vệ lễ đài trong ngày Quốc khánh 2/9/1945, ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào.

"Đó là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng và đáng tự hào. Do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ cần bảo đảm bí mật, chúng tôi chỉ được cấp trên thông báo, giao nhiệm vụ trước hôm diễn ra lễ Tuyên ngôn độc lập đúng hai ngày. Giao cho chúng tôi, các anh chỉ phổ biến làm sao bảo vệ cho an toàn lễ đài, khi đến đó có người chỉ huy hướng dẫn. Khi đó, tôi rất vui sướng và tự hào, nhưng cũng rất lo lắng trước trọng trách bảo vệ một lễ đài quan trọng như thế”, cụ Đốc nhớ lại.

Nhận thức được đó là nhiệm vụ quan trọng và chỉ giao cho những người tin tưởng, cụ Phạm Gia Đốc cũng hồi hộp, lo lắng vì mục tiêu phải bảo vệ an toàn lễ đài, nhất là trên đó sẽ có những người quan trọng và phía dưới là hàng triệu quần chúng nhân dân. Để đảm bảo an toàn trong mọi tình huống, cụ đã ra quảng trường Ba Đình nhiều lần, quan sát từng vị trí.

img
Cụ Phạm Gia Đốc (ảnh: Viết Tuân)

Ngày đặc biệt cũng đến, lễ mít tinh diễn ra từ lúc 14h ngày 2/9/1945 nhưng cụ Đốc cùng mọi người trong Tổ bảo vệ lễ đài của Sở Công an Bắc bộ có mặt từ buổi sáng để chuẩn bị. Lực lượng của Sở Công an Bắc bộ là vòng bảo vệ thứ hai, đứng ngoài mặc quần áo trắng, đứng cách khu vực lễ đài vài mét. Vòng bảo vệ thứ nhất là của lực lượng Giải phóng quân, mặc quần áo vàng, quần sooc. Còn vòng ngoài cùng là lực lượng của mặt trận Việt Minh bao gồm các Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc...

Suốt thời gian diễn ra buổi lễ, dù rất háo hức và xúc động, cụ Đốc cùng tất cả đồng chí tham gia bảo vệ lễ đài đều đứng nghiêm trang, mắt hướng về phía trước. Tất cả mọi người không được phép rời tầm nhìn khỏi đám đông trước mặt và bảo vệ các vị trí xung yếu.

"Thời điểm xe của Bác đến, chạy từ đường Quán Thánh vào. Chỗ chúng tôi đứng là ở cạnh, xe vào đằng sau. Tôi chỉ biết xe đến chứ mình cũng không biết những ai cả, vì không được nhìn lên, chỉ biết đứng im như tượng gỗ. Về sau Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập hỏi “Đồng bào nghe rõ không”, đồng bào trả lời rõ. Lúc đó, tôi trào dâng niềm hạnh phúc, tự hào, nhưng không dám hô gì, chỉ đứng nguyên, nhìn thẳng”, cụ Đốc kể lại.

Chiều 2/9/1945, lễ Tuyên ngôn độc lập kết thúc trong không khí thiêng liêng phấn khởi. Buổi lễ với quy mô cả triệu người đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối, biển người tại quảng trường Ba Đình lại cuồn cuộn đổ về các con phố với hoa, cờ đỏ sao vàng. Muôn người như một cùng hô vang khẩu hiệu: Ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh, Việt Nam độc lập muôn năm.

“Ngày hôm đó, mọi việc diễn ra suôn sẻ, không hề có sự cố mặc dù trước đó tôi chưa bao giờ thấy sự kiện nào có đông người như vậy. Tối hôm đó, tôi đã được ngủ một giấc ngon lành”, cụ Đốc chia sẻ.

Sự tiếc nuối không được nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh của cụ Đốc sau đó cũng được bù đắp khi cụ vinh dự được gặp Bác 4 lần. Cụ còn vinh dự được Bác tặng huy hiệu hình lá cờ Việt Nam để gắn lên cổ áo.

Đến ngày 19/12/1946, Sở Công an Bắc bộ giải thể để thực hiện nhiệm vụ mới, cụ Đốc cùng đồng đội bám trụ tại Hà Nội trong gần 8 năm để chiến đấu trong lòng địch. Sau này, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Đốc lại tham gia truy bắt gián điệp tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Sau khi chuyển ngành, cụ Đốc về nhận nhiệm vụ làm Hiệu phó Trường Đào tạo nghiệp vụ công nhân kỹ thuật của Hà Nội. Chiến tranh tiếp diễn, cụ Đốc lại nhận nhiệm vụ đưa đón, dẫn đường cho bà con đi sơ tán và phát triển kinh tế ở vùng tự do. Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cụ Đốc tham gia đoàn cán bộ miền Bắc vào công tác ở miền Nam 3 năm với nhiệm vụ hỗ trợ công tác quản lý và đào tạo cán bộ.

Năm 1979, cụ Phạm Gia Đốc nghỉ hưu, trở ra Bắc và sống cùng gia đình tại Hà Nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.