Chất lượng sống

Chuyện kể lạ lùng của người vớt xác

21/09/2014, 10:14

Khi vớt phải tránh va chạm làm đau người đã khuất, phải gượng nhẹ. Khi đưa họ lên bờ, miệng phải lắp bắp xin phép, chuyện này quan trọng lắm...

Ông Bộ - người thuộc đời thứ tư trong một gia đình theo nghề vớt xác nói với tôi: “Khi vớt phải tránh va chạm làm đau người đã khuất, phải gượng nhẹ. Khi đưa họ lên bờ, miệng phải lắp bắp xin phép, chuyện này quan trọng lắm...”.  Cái nghề suốt ngày tiếp xúc với những thi thể trắng nhợt hoặc tím tái trương phình, vừa vất vừa mạo hiểm nhưng vợ chồng ông vẫn muốn truyền lại cho con cháu.

ÔN
Vợ chồng ồng bà Bộ- Sáu bên chiếc thuyền trên sông Đáy

Nổi tiếng vì vớt xác

Với “thâm niên” hơn 50 năm vớt xác chết, ngay cả người làng cũng không ai tính được số xác chết trôi sống được vợ chồng ông Đào Văn Bộ (trú tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) vớt lên. Họ chỉ biết rằng mỗi khi có người xấu số tử nạn nơi cửa miệng hà bá trên sông Đáy, sông Nhuệ, bến Đục (Hương Sơn) là ông có mặt.

Tìm về xóm chài thôn Hà Đoạn một ngày giữa tháng 9, hỏi thăm nhà ông Đào Văn Bộ hành nghề vớt xác, từ già cho tới trẻ ai ai cũng biết.

Ngôi nhà ngói của vợ chồng ông nằm lặng lẽ gần bến chài. Ông Bộ chậm rãi kể chúng tôi nghe về công việc đầy ám ảnh của mình.

Nhớ lại những ngày đầu “cắp sách” theo ông nội học nghề, ông Bộ không sao quên được hình ảnh người trong làng không may bị đắm thuyền chết đuối.

“Lúc đó, không quản khó khăn, ông nội tôi nhảy xuống dòng sông sâu mò lặn xác chết. Phải mất hai ngày, ông và tôi mới đưa được xác của người xấu số lên bờ. Cũng từ ngày đó hễ ở đâu có người chết đuối, là người ta lại tìm tới nhà gia đình tôi nhờ giúp đỡ”, ông Bộ cười để lộ những vết chân chim in hằn trên làn da đen xạm của mình.

Tôi gượng nhẹ tránh làm đau người đã khuất

Trong suốt 54 năm làm nghề vớt xác, số lượng xác chết do ông vớt không thể kể hết được. Làm vì cái tâm nên vợ chồng ông cũng không ghi chép lại.

“Có người tử nạn do sảy chân trượt ngã, một số nhảy sông tự tự vì làm ăn thua lỗ, rồi những xác chết vô danh trôi dạt từ nơi khác về… không “ca” nào là tôi từ chối. Bất kể họ là ai, nếu gặp, tôi đều đưa lên bờ, khâm liệm đàng hoàng. Đa phần khi vớt lên bờ, những xác chết ấy đều tím tái hết, có trường hợp nặng thịt da thối rữa và mùi rất nặng”.

Cách đây khoảng 10 năm, tại xã Hương Sơn có một cháu bé khoảng 12 tuổi không may sảy chân rơi xuống giếng. Người nhà nạn nhân đến nhờ ông Bộ tìm xác bé gái.

“Lúc bấy giờ mùa mưa nên độ sâu của giếng là hơn 30m, không khí loãng, cùng với khoảng diện tích trong lòng giếng rất hẹp, không thuận lợi để người vớt xác có thể tiếp cận được vớt thi thể. Đặc biệt nếu không có kinh nghiệm thì rất nguy hiểm, mất mạng như bỡn”.

img

Nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ của người nhà nạn nhân, tôi rất xót xa, quyết tâm vớt xác người xấu số cho bằng được. Nghĩ là làm, tôi thả mình xuống đáy giếng chỉ với một sợi dây cáp và chiếc gậy tre. Sau một hồi lặn ngụp tôi tìm được thi thể bé gái trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Lên tới bờ, tôi mới biết là mình còn sống”, nói tới đây giọng ông Bộ chùng xuống. 

Lúc đầu nhìn những xác chết trắng nhợt trương phình ông Bộ cũng có chút sợ hãi nhưng sau này tiếp xúc nhiều cũng quen dần. Ông kể, không phải cứ ra sông vớt xác là vớt ngay được đâu, có những xác chết chìm mình phải căn cứ vào dòng nước, thời gian chết đuối để xác định địa điểm. Vật dụng chuẩn bị cho ca vớt xác là câu chùm và móc sắt.

“Khi vớt, phải tránh va chạm và làm bị đau người đã khuất. Tưởng chừng như đó là việc không quan trọng. Nhưng nhiều năm trong nghề tôi biết, lúc bắt tay vào làm, miệng luôn phải lắp bắp xin người đã chết được đưa xác lên. Theo nghi thức tâm linh thì gia đình phải chuẩn bị đầy đủ chứ không được làm qua loa”, ông Bộ nói.

Đừng màng tiền bạc

Làm nghề vớt xác ngoài việc có duyên, có năng khiếu, thì cái tâm phải sáng, không màng tới chuyện tiền bạc. Trong cuộc đời làm nghề tôi chưa hét giá với bất kỳ gia đình nào. Xong việc mọi người tùy tâm, bồi dưỡng được đồng nào, tôi nhận đồng ấy, nhiều thì 500 nghìn đồng, ít thì 300 nghìn đồng. Gia đình nào khó khăn, tôi còn gửi lại hết số tiền công để họ lấy tiền hương khói cho người đã khuất, ông chia sẻ.

Tự hào về gia đình có 4 đời theo nghề vớt xác dù nó chả nuôi nổi cho mấy miệng ăn trong nhà, mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 70, nhưng hàng ngày ông Bộ vẫn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sáu vẫn mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Thời gian rảnh rỗi ông Bộ kèm cặp, truyền nghề vớt xác cho người con trai cả.

Nhìn khuôn mặt suy tư của chồng, bà Nguyễn Thị Sáu nói:  “Cái nghề chả nuôi nổi mình nhưng như là cái nghiệp, đeo bám không rời. Cả hai vợ chồng vẫn muốn tiếp tục truyền nghề cho thế hệ sau”.

Lê Minh

 

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.