Chuyện khách cơ nhỡ và những tin nhắn, email không người nhận

21/07/2014, 13:21

Anh P. cùng một nhóm hành khách 6 người ra đến sân bay thì té ngửa, chuyến bay của anh đã cất cánh từ một tiếng trước...


Bộ phận chăm sóc khách hàng của hãng hoạt động hết công suất, báo cáo về cho biết: Chuyến bay đã điều chỉnh giờ, cất cánh sớm so với kế hoạch cũ, lịch bay mới đã được điện thoại, nhắn tin, gửi email tới tất cả khách hàng.


Toàn bộ hơn 100 hành khách trên chuyến bay đó đã nắm được lịch và khởi hành đúng giờ. Duy nhất nhóm 6 người khách trong đó có anh P. bị rớt lại.


Vấn đề ở đây là anh P. khẳng định hoàn toàn không nhận được thông báo. Còn hãng thì khẳng định họ không nắm được số điện thoại của anh P. Số điện thoại của khách hàng trong đăng ký mua vé là một số khác. Theo như anh P. giải thích với phóng viên, đó là số điện thoại chị trưởng đoàn, nhưng chị này cũng không nhận được tin nhắn.


Vậy là khách đổ cho hãng, hãng khăng khăng nói đã thông báo đổi lịch bay đúng số điện thoại đăng ký, còn số đó của khách đúng hay sai, họ không thể nắm được.


Câu chuyện của anh P. không phải là hiếm, thực tế có rất nhiều đại lý bán vé thiếu trách nhiệm, chỉ chăm chăm bán hàng mà không lưu ý tới quyền lợi của khách, không lưu lại số điện thoại, email của người có vé nên xảy ra tình trạng hãng đổi chuyến muốn báo tin cho khách cũng không biết làm thế nào.


Còn có tình trạng khách nhờ người mua vé hộ, cho đại lý số điện thoại của mình, khi nhận được tin báo đổi chuyến cũng quên không thông báo cho người đi, dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười.


Những chuyện nêu trên không phải là cá biệt, để sớm chấm dứt tình trạng này, các hãng cần có ngay giải pháp khắc phục. Yêu cầu tất cả các đại lý  phòng vé phải có số điện thoại, email của khách hàng, tuyên truyền tại phòng vé, trên trang web của hãng về quyền lợi và nghĩa vụ của khách.


Ngoài ra, từ phía hành khách, để không lỡ công, lỡ việc, cần lưu ý tới các điều kiện của hãng vận chuyển, không chỉ bỏ tiền ra mua một tấm vé rồi đi mà không quan tâm tới nghĩa vụ cũng như quyền lợi chính đáng của mình. Ví như chuyện để lại số điện thoại, email để liên hệ khi hãng cần thông báo, rồi chuyện tuân thủ quy định an ninh, an toàn hàng không, không mang chất lỏng, các vật nhọn có thể gây nguy hiểm trong hành lý xách tay...


Được vậy, thì cả hãng vận chuyển và người đi tàu bay đều “khoẻ” hơn rất nhiều.

Linh Vũ
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.