Tài chính

Chuyện lạ có một không hai ngành ngân hàng về nhân sự cao cấp ở Eximbank

17/04/2021, 07:07

Thay đổi nhân sự cấp cao tại Eximbank trở thành chuyện lạ có một không hai trong ngành ngân hàng.

img

Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank trong 3 năm qua từ trái sang: Ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh và bà Lương Thị Cẩm Tú

Chủ tịch Eximbank bị miễn nhiệm vỏn vẹn gần 1 giờ

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa ban hành hai nghị quyết liên quan tới nhân sự Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Yasuhiro Saitoh.

Theo đó, Nghị quyết 156 ngày 13/4 của Hội đồng quản trị Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị đối với ông Yasuhiro Saitoh sau khi ông này có đơn từ nhiệm ngày 6/4/2021.

Đáng nói, chưa đầy 1 giờ đồng hồ sau đó, Nghị quyết 157 cùng ngày 13/4 của Hội đồng quản trị ngân hàng này lại bầu lại chính ông Yasuhiro Saitoh vào chính vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị với đa số phiếu.

Ông Yasuhiro Saitoh được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank thay ông Cao Xuân Ninh từ ngày 25/6/2020, sau khi ông Ninh từ nhiệm. Sự kiện này đánh dấu Eximbank lần đầu tiên có chủ tịch Hội đồng quản trị là người nước ngoài.

Diễn biến này tại Eximbank khiến các cổ đông không khỏi thấy kỳ lạ dù việc thay đổi nhân sự tại ngân hàng diễn ra như cơm bữa.

Liên quan tới nhân sự cấp cao tại Eximbank, chưa đầy một tuần trước đó (ngày 9/4) Eximbank thông báo Hội đồng quản trị ngân hàng này đã ban hành quyết định thôi chức danh Phó tổng giám đốc đối với bà Văn Thái Bảo Nhi và điều bà Nhi về giữ chức Giám đốc cao cấp phụ trách công tác xử lý nợ.

Lùm xùm về nhân sự tại Eximbank diễn ra gay gắt kể từ tháng 3/2019 khi các nhóm cổ đông nội bộ không thống nhất được vấn đề nhân sự.

Trong khoảng thời gian này, ghế "nóng" của Eximbank liên tục chuyển từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, sau đó về ông Lê Minh Quốc rồi sang ông Cao Xuân Ninh, và mới nhất là ông Yasuhiro Saitoh.

Thời điểm cách đây 2 năm, lùm xùm tranh chấp ghế chủ tịch Hội đồng quản trị giữa ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú giữa mùa đại hội cổ đông tốn không ít giấy mực của báo chí và gây xôn xao dự luận.

Tranh chấp giữa các nhóm cổ đông này đã khiến đại hội cổ đông của ngân hàng liên tục trì hoãn do không đủ số phiếu có quyền biểu quyết tham dự, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của những cổ đông thiểu số.

5 lần thất hẹn họp đại hội cổ đông

Năm 2019, trong bối cảnh mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông nội bộ, đại hội cổ đông của ngân hàng này liên tục tổ chức không thành do không đủ tỷ lệ tham dự theo quy định.

Đến năm 2020, Eximbank cũng nhiều lần tổ chức đại hội cổ đông bất thành cũng do không đủ tỷ lệ tham dự hoặc do dịch bệnh Covid-19.

Năm nay, Eximbank sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020 lần thứ 3 , đồng thời tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 trong hai ngày liên tiếp là 26 và 27/4 tới.

Lần này, phòng trường hợp đại hội bất thành, Eximbank muốn giảm tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội cổ đông từ 65% xuống 50%.

Trường hợp cuộc họp lần thứ 1 không đủ điều kiện tiến hành, tỷ lệ số cổ đông dự tiếp tục giảm còn 33%, đồng thời gửi thông báo họp lần hai trong 30 ngày sau đó.

Trong trường hợp cuộc họp lần thứ 2 cũng không đủ điều kiện tổ chức, cuộc họp lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp.

Dù lùm xùm nhân sự liên tục “nổi sóng” và tới nay vẫn chưa có hồi kết nhưng kết quả hoạt động của ngân hàng này vẫn rất khả quan: Năm 2019 Eximbank báo lãi trước thuế 1.095 tỷ đồng, tăng 32,4% so với năm 2018 và đạt 102% kế hoạch năm. Lãi sau thuế là 866 tỷ đồng, tăng 31%.

Năm 2020, dù cả huy động và cho vay đều tăng trưởng âm nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 1.399 tỷ đồng, tăng 22,3% so với 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 1.070 tỷ đồng. Năm 2021, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.150 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.