Xã hội

“Chuyện lạ” ở Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương: Nghi vấn trục lợi BHXH

24/02/2021, 10:30

Nhiều người chỉ đến khám, không nằm viện vẫn trong danh sách điều trị nội trú của bệnh viện thì số tiền từ BHYT kia chi thực tế vào đâu?

img

Trụ sở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương

Mặc dù thực tế bệnh nhân khỏe mạnh, không nằm viện ngày nào, cũng không được khám chữa bệnh nhưng sau khi ra viện, bệnh nhân vẫn được BHYT chi trả đủ chi phí điều trị nội trú mức cao nhất.

Không nằm viện vẫn tính đủ chi phí điều trị nội trú

Từ ngày 18 - 22/1/2021, hồ sơ điều trị nội trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương của tôi được thành lập, nhưng tôi không đến bệnh viện lấy thuốc, điều trị bất cứ lần nào, trừ hôm duy nhất đến là được làm thủ tục nhập viện luôn.

Thuốc duy nhất mà bác sỹ tại khoa Châm cứu, dưỡng sinh, phục hồi chức năng kê cho tôi qua tin nhắn điện thoại và tự mua ở ngoài đó là “myonal 50mg”.

Ngày 22/1/2021, khoa Châm cứu, dưỡng sinh, phục hồi chức năng làm thủ tục cho tôi xuất viện dù tôi không đến viện. Đến ngày 25/1/2021, tôi mới quay trở lại bệnh viện để hoàn tất các thủ tục và lấy thẻ bảo hiểm về.

Tại đây, tôi ngỡ ngàng khi cầm 1 bảng kê chi phí điều trị nội trú và một giấy ra viện có chữ ký của Trưởng khoa Đỗ Thành Vượng. Bảng kê có tất cả chi phí khám chữa bệnh bao gồm cả khám bệnh, ngày giường điều trị nội trú, thủ thuật phẫu thuật và thuốc dịch truyền, trong khi tôi không sử dụng bất kỳ các dịch vụ nào. Ngoài ra, giấy ra viện cũng không có dấu đỏ, chữ ký của thủ trưởng đơn vị.

Thanh toán xong BHYT ở mức được hưởng là 80% chi phí khám chữa bệnh, tức là trên 700 nghìn đồng tiền BHYT, tôi thắc mắc với một cán bộ ở đây tại sao giấy ra viện không có chữ ký và dấu của thủ trưởng đơn vị thì được hướng dẫn “về khoa mà hỏi”.

Khi tôi quay trở lại khoa Châm cứu, dưỡng sinh, phục hồi chức năng, các cán bộ, bác sỹ ở đây yêu cầu tôi phải ký toàn bộ vào hồ sơ bệnh án, các ngày điều trị, sau đó nói: “Anh không cần thanh toán với cơ quan nào hay báo với cơ quan anh công tác thì cần gì giấy ra viện. Cứ thế này là hết thủ tục rồi, thanh toán bảo hiểm hết rồi còn gì”. Và cứ thế, các cán bộ, bác sỹ trong khoa bảo tôi “đủ thủ tục rồi, về đi…”.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương, chúng tôi đã dày công tìm hiểu từ những bệnh nhân có hồ sơ nhưng thực tế không nằm viện đến những bệnh nhân “nằm viện cho có” tại đây.

Bệnh nhân P.H.H (ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), được vào khoa từ tháng 1 và cũng là bệnh nhân từng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT nhiều lần tại đây cho biết: “Sau khi đến khám bệnh, bác sỹ cho nhập viện, thành lập bệnh án nội trú, sau đó lấy thuốc và cho về nhà điều trị. Cứ 1 tuần thì lại lên lấy thuốc một lần. Bác sỹ giải thích là tiền khám chữa bệnh đã có BHYT lo, gia đình cũng không phải trả nhiều nên lấy thuốc về. Vì bệnh không thuyên giảm, nên ngày 24/1, bác sỹ đã làm giấy chuyển viện cho tôi”.

Tương tự, bà N.T.H (ở TP Hải Dương) cũng được lập bệnh án nội trú từ tháng 12/2020, điều trị tại khoa Châm cứu, dưỡng sinh, phục hồi chức năng, nhưng trên thực tế thì chỉ đến lấy thuốc. Đến ngày 20/1/2021, bà N.T.H. được ra viện và thanh toán đầy đủ chế độ BHYT trong khi chính bản thân bà H. cũng không biết được thuốc điều trị là những gì, thủ thuật điều trị ra sao…

Bà N.T.H. và ông P.H.H đều được khám và điều trị BHYT với số tiền BHYT chi trả là trên 5 triệu đồng/người.

Quá trình điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp thực tế không hề điều trị nội trú ở bệnh viện, cũng không lấy thuốc, dịch truyền, không thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật… nhưng các bác sỹ tại bệnh viện vẫn “tính đúng, tính đủ” liệu trình điều trị để thanh toán bảo hiểm.

Tiền bảo hiểm vào túi ai?

img

Nhân viên y tế lập hồ sơ bệnh án nội trú của bệnh nhân trong tích tắc

Theo tìm hiểu, năm 2018, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương có 5.855 bệnh nhân, trong đó tổng số ngày bệnh nhân điều trị nội trú là trên 106.000 ngày. Tương ứng với con số đó, bệnh viện có tổng thu gần 41 tỷ đồng, trong đó ngân sách thu viện phí từ nhân dân đạt trên 490 triệu đồng, còn trên 32 tỷ đồng là thu viện phí BHYT.

Tương tự, năm 2019, bệnh viện có 6.170 bệnh nhân điều trị nội trú với tổng số ngày là 125.888 ngày. Tương ứng với đó bệnh viện có tổng thu là trên 56 tỷ đồng, trong đó thu viện phí nhân dân đạt trên 400 triệu đồng, còn trên 37,4 tỷ đồng là nguồn thu viện phí từ BHYT.

Đến năm 2020, số bệnh nhân điều trị nội trú đạt gần 5.100 bệnh nhân, với tổng số ngày điều trị là gần 105.000 ngày. Tổng thu của bệnh viện là trên 55 tỷ đồng, trong đó thu viện phí từ nhân dân trên 700 triệu đồng, còn lại trên 30 tỷ đồng là nguồn thu từ viện phí BHYT.

Với thực tế rất nhiều người mặc dù chỉ đến khám, không nằm viện ngày nào cũng nằm trong danh sách điều trị nội trú của bệnh viện, thì số tiền từ BHYT kia chi thực tế vào đâu?

Về vấn đề này, Giám đốc bệnh viện Phạm Văn Huấn thừa nhận, giấy ra viện khi chưa có chữ ký, con dấu của thủ trưởng đơn vị là sai quy định, đồng nghĩa chưa thể ra viện được.

Đối với các trường hợp Báo Giao thông cung cấp, thực tế không nằm viện nhưng vẫn được tính BHYT là sai. Khi lãnh đạo bệnh viện, khoa và bác sỹ phát hiện bệnh nhân không có mặt điều trị thì phải thông báo với bệnh nhân và nếu cần thì phải cho ra viện để tránh trục lợi bảo hiểm.

Ông Huấn cũng thừa nhận, bệnh viện đã từng phát hiện ra trường hợp bệnh nhân có tên điều trị nội trú nhưng không nằm tại bệnh viện và đã yêu cầu các y bác sỹ liên quan tường trình.

Theo ông Huấn, nếu có chuyện như Báo Giao thông phản ánh thì đây là lỗi của các lãnh đạo khoa, bác sỹ, “có thể vì động cơ riêng, hoặc vì bệnh nhân có những khó khăn gì đó nên lãnh đạo khoa, bác sỹ mới tạo điều kiện như vậy. Chứ bệnh viện không yêu cầu họ làm như vậy”.

Về việc lãnh đạo bệnh viện có phát hiện ra dấu hiệu trục lợi bảo hiểm có từ nhiều năm nay không, ông Huấn cho biết, sẽ cho kiểm tra, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm.

Sẽ kiểm tra, làm rõ

Theo đại diện BHXH tỉnh Hải Dương, sau khi kiểm tra thông tin, đơn vị xác nhận PV Báo Giao thông dù đã ra viện nhiều hôm nhưng không có tên trong danh sách thanh toán của BHXH tỉnh. “Việc này có thể do lỗi hệ thống nên chưa cập nhật được”, vị này nói và giải thích, tất cả bệnh nhân làm thủ tục vào viện, điều trị nội trú bằng BHYT nhưng không trực tiếp có mặt tại bệnh viện là sai quy định.

“Nếu như PV Báo Giao thông phản ánh, sau khi ra viện vẫn được BHYT thanh toán tiền giường và các dịch vụ khác đã sử dụng có dấu hiệu trục lợi BHXH, chúng tôi sẽ kiểm tra lại toàn bộ”, đại diện BHXH tỉnh Hải Dương nói.

Đối với việc tỷ lệ bệnh nhân điều trị BHYT của bệnh viện cao đột biến trong 3 năm gần đây, vị này cho rằng, con số báo cáo đúng là cao. BHXH tỉnh Hải Dương cũng đã phát hiện ra một số trường hợp trục lợi BHYT tại bệnh viện này, chính vì vậy năm 2019, BHXH tỉnh vẫn chưa duyệt khoản tiền vài tỷ đồng điều trị BHYT của bệnh nhân ở Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương.

“Một cá nhânkhông thể trục lợi, mà phải cả hệ thống”

Theo một lãnh đạo BHXH Việt Nam, quy trình thanh toán BHYT được thực hiện hết sức chặt chẽ. Bệnh nhân vào viện theo diện BHYT phải có quá trình thực tế khám chữa bệnh tại bệnh viện, sau khi ra viện có giấy ra viện và hồ sơ bệnh án, bảng kê chi phí điều trị nội trú…

Hồ sơ bệnh án phải thể hiện ngày ra viện và có bản tổng kết điều trị, bao gồm bệnh nhân vào viện vì lý do gì, quá trình điều trị bệnh, lý do cho ra viện. Sau đó, bác sỹ điều trị sẽ viết giấy ra viện kẹp vào hồ sơ bệnh án, người điều dưỡng có trách nhiệm tổng hợp thuốc men, giường bệnh, sau đó đẩy hồ sơ lên cho Trưởng khoa hoặc Phó khoa ký đồng ý ra viện.

Sau đó hồ sơ tiếp tục được đẩy lên cho phòng Kế hoạch tổng hợp kiểm soát một lần nữa, nếu đầy đủ thủ tục theo quy định thì Giám đốc hoặc Phó giám đốc được ủy quyền sẽ ký giấy ra viện cho bệnh nhân.

Tiếp đó, hồ sơ được chuyển xuống cho BHYT kiểm soát một lần nữa. Sau khi đầy đủ thủ tục, phơi thanh toán được tách ra, phía bảo hiểm sẽ kiểm soát phôi thanh toán, còn Phòng Kế toán kiểm soát. Sau khi xong, tiền thanh toán viện phí, những gì thuộc BHYT thanh toán thì BHXH thanh toán, còn lại là bệnh nhân thanh toán.

“Sau khi làm đầy đủ các thủ tục đó, bệnh nhân lấy giấy ra viện và thanh toán viện phí. Ở đây, để xem xét cụ thể, nếu trục lợi bảo hiểm thì phải là cơ sở y tế trục lợi, việc trục lợi phải có hệ thống chứ không một cá nhân nào có thể trục lợi được”, vị này khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.