Xem - ăn - chơi

Chuyện lạ về đào tạo diễn viên xiếc

12/07/2016, 16:16

Với LĐXVN, ít ai biết đặt hàng thực tế lại là việc buộc phải làm để… cứu vãn tình trạng thiếu diễn viên trẻ.

Tiết mục Hồ thiên nga do LĐXVN đặt hàng

Tiết mục “Hồ thiên nga” do Liên đoàn Xiếc Việt Nam đặt hàng

Trong khi các đơn vị nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, cải lương được tự chủ việc tuyển sinh và đào tạo diễn viên, Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐXVN) phải đặt hàng đào tạo tiết mục tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Cơ chế đặt hàng tiết mục của trường vẫn bộc lộ nhiều khúc mắc.

Đặt hàng một tiết mục đến… 2 tỉ đồng

Mới đây, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam vừa bàn giao hai tiết mục là Hồ thiên nga (lắc vòng) và Thiếu nữ bên trăng (Đu tiên) cho LĐXVN. Đây là hai tiết mục mà LĐXVN đặt hàng trường xiếc theo cơ chế đặt hàng tác phẩm của Bộ VH,TT&DL dành cho các đơn vị tự chủ về ngân sách. Được biết, để có thể nhận được tiết mục này, LĐXVN đã phải đặt hàng trước hai năm với kinh phí hơn 100 triệu đồng/tiết mục. Ngoài ra, còn một tiết mục đặt hàng nữa chưa được trường xiếc bàn giao là đu bay với kinh phí 2 tỷ đồng.

TS. Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, việc đặt hàng đào tạo tiết mục không chỉ quản lý được đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, mà còn quản lý được cả chất lượng và sự sống còn của các đơn vị.

Trước đây, những tiết mục được dàn dựng của trường xiếc cho các học viên tốt nghiệp không ai kiểm tra, đánh giá. Nhưng với cơ chế đặt hàng, một tiết mục bàn giao sẽ có hội đồng thẩm định đánh giá. Khi đó, các tiết mục buộc phải dàn dựng tốt hơn, đổi mới và sáng tạo hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị đặt hàng. Ngoài ra, cơ chế đặt hàng còn giúp trường có thêm kinh phí hỗ trợ giảng dạy, vừa giúp các học viên ra trường không lo thất nghiệp, lại vừa phải đổi mới và nâng cao trình độ lao động của các giáo viên trong trường.

“Tiền mất tật mang” và mua hàng “phế”?

Thế nhưng, với LĐXVN, ít ai biết đặt hàng thực tế lại là việc buộc phải làm để… cứu vãn tình trạng thiếu diễn viên trẻ. Ông Phạm Xuân Quang, Phó giám đốc LĐXVN cho biết, nhiều năm nay, LĐXVN không nhận được diễn viên. Do đó, đặt hàng tiết mục như một cách để có thể… lấy được diễn viên về Liên đoàn.

Ông Quang bức xúc, nếu như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam được liên kết với Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội để tự chủ trong tuyển sinh và đào tạo diễn viên của mình thì LĐXVN lại không được. “Năm 2014, được sự đồng ý của Vụ Đào tạo, LĐXVN đã gửi hai công văn tới Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam để liên kết đào tạo, nhưng đến nay không nhận được trường hồi âm. Vì thế, năm 2015, sau khi cắt giảm 30% ngân sách, LĐXVN đã phải đặt hàng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam 2 tiết mục”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, theo ông Quang, trường xiếc đã được Nhà nước cấp kinh phí đào tạo diễn viên để cung cấp diễn viên cho các LĐX. Thế nhưng, trường lại giữ những diễn viên giỏi ở lại để phục vụ cho trường. Những diễn viên còn lại thì đẩy cho các LĐX, mà số này lại rất ít vì chỉ có vài em tốt nghiệp một khóa. “Chúng tôi là đơn vị mua hàng, nhưng không có sự lựa chọn nào cả”, ông Quang ngao ngán

Đi ngược tiêu chuẩn quy định?

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Quang chỉ ra những sai phạm của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam: Trường này vốn được Nhà nước cấp kinh phí để đào tạo diễn viên, đó là nhiệm vụ của trường. Kinh phí đặt hàng tiết mục cũng do Nhà nước cấp và trường vẫn nhận kinh phí ấy, trong khi trường lại sử dụng học viên của mình để dựng tiết mục, như vậy là đi ngược lại tiêu chuẩn quy định. Ông đưa ra lý lẽ cụ thể: Giả sử chúng tôi gửi diễn viên của mình sang “đặt hàng” trường đào tạo và dựng tiết mục thì chúng tôi phải trả kinh phí đã đành. Đằng này, trường vẫn dùng học viên của họ để đào tạo mà vẫn nhận kinh phí.

Bên cạnh đó, ông Quang cho hay việc LĐXVN đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đặt hàng nhưng chất lượng tiết mục của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam vẫn còn phải đáng bàn. Cụ thể, khi nghiệm thu hai tiết mục Hồ thiên nga (lắc vòng) và Thiếu nữ bên trăng (đu tiên), LĐXVN vẫn phải chỉnh sửa lại tiết mục và đào tạo lại diễn viên từ đầu, từ bài vở, bố cục, vũ đạo, quần áo trang phục, tác phong chào khán giả.

Hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nên vẫn còn nhiều mơ hồ trong cách thực hiện. Đặt hàng là một mô hình tốt, nhưng đi vào hoạt động còn rất nhiều phức tạp. Áp dụng cơ chế đặt hàng thì nên cởi trói cho các đơn vị, chứ chờ một thủ tục vô cùng vất vả, nhiều khó khăn. Bản thân LĐXVN đã hơn một năm trôi qua, họ vẫn chưa nhận được đồng kinh phí nào từ Bộ VH,TT&DL, hầu hết các tiết mục, Liên đoàn đều phải móc tiền túi ứng trước.

Trước ý kiến của ông Phạm Xuân Quang về việc Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam giữ lại những diễn viên giỏi, Báo Giao thông đã trao đổi với TS. Hoàng Minh Khánh về việc này. Ông Khánh cho hay: “Từ năm 2006 tới nay, chúng tôi đã cung cấp cho LĐXVN 70 diễn viên.

Hiện tại, trường chỉ giữ lại 5 diễn viên, không thể nói là họ giỏi nhất được và đương nhiên chúng tôi phải tiếp nhận 5 em này để làm giáo viên, nhưng với điều kiện các em thực sự muốn ở lại trường. Nếu các em không muốn thì chúng tôi không thể giữ lại được, vì trường chỉ có chức năng đào tạo rồi sau đó trả các em cho các đơn vị biểu diễn”, ông Khánh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.