Showbiz

Chuyện lạ vở diễn thực cảnh 500 tỷ của chúa đảo Tuần Châu

05/11/2017, 08:54
image

Vở diễn thực cảnh đầu tiên đình đám nhưng chúa đảo Tuần Châu, đạo diễn Việt Tú đều nói mình là "cha đẻ".

xứ đoài

Trên thế giới, bản quyền của một vở diễn thường thuộc về nhà sản xuất (hay chủ đầu tư)

Luật sư: Đúng sai phải căn cứ hợp đồng 

Vụ việc tranh cãi giữa đạo diễn Việt Tú và ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu liên quan tới vấn đề bản quyền của vở thực cảnh "Thuở ấy xứ Đoài" đang trở thành câu chuyện được nhiều người quan tâm. Bởi việc nhà đầu tư bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để có được sản phẩm mình ưng ý là chuyện không hề phổ biến nếu không nói là rất hiếm trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt.

Để rộng đường dư luận về câu chuyện bản quyền giữa nhà đầu tư và người sáng tạo, trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc hãng luật SB LAW cho biết, trong Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam có quy định rõ ràng về chủ thể gồm Chủ sở hữu quyền tác giả và Tác giả.

Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả và tác giả đều là những chủ thể được bảo hộ quyền tác giả theo quy định pháp luật. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản theo quy định pháp luật. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật.

"Để xác định đúng, sai thế nào phải căn cứ vào hợp đồng giữa chủ đầu tư và bên đạo diễn mới có thể rõ ràng. Nếu trường hợp trong hợp đồng thỏa thuận Tập đoàn Tuần Châu nắm giữ bản quyền những sáng tạo về vật chất như: bối cảnh, trường quay... thì Tuần Châu là chủ sở hữu, đạo diễn chỉ có quyền tác giả. Chủ sở hữu có toàn quyền về tài sản như cho thuê lại, khai thác giá trị thương mại… Tác giả chỉ có quyền nhân thân, nghĩa là quyền đứng tên trên tác phẩm và bảo vệ toàn vẹn tác phẩm. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì thông thường, ai là người bỏ tài sản để đầu tư sẽ là chủ sở hữu", luật sư Hà giải thích. 

xứ đoài

Vở diễn "Thuở ấy xứ Đoài" bị dừng diễn trong âm thầm

Ở Việt Nam chuyện gì cũng có thể xảy ra

Trong khi đó, một nhà sản xuất (xin phép giấu tên) cho biết, vụ ồn ào trên là vấn đề rất phức tạp, nhất là trong bối cảnh hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam chưa chuyên nghiệp như hiện nay. Theo nhà sản xuất này, quy trình chuẩn trên thế giới là nhà sản xuất trả tiền để êkip sáng tạo thực hiện đơn đặt hàng từ nhà sản xuất, bằng chi phí của nhà sản xuất. Sản phẩm được nghiệm thu khi được công diễn và đáp ứng được những kỳ vọng ban đầu của nhà sản xuất. Sau đó, vở được bàn giao để nhà sản xuất vận hành, khai thác, kinh doanh, phát triển... Tuy nhiên, nhà sản xuất trả tiền như thế nào, bao giờ và trả bằng gì là câu chuyện thỏa thuận giữa 2 bên, tuỳ từng trường hợp. Hợp đồng của nhà sản xuất và người sáng tạo sẽ quyết định ai là người giữ tác quyền.

“Trên thế giới, chưa có trường hợp nào người đạo diễn (phim, kịch, sân khấu) lại giữ tác quyền. Tất cả đều thuộc về nhà sản xuất. Ở Việt Nam thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, chúng ta không phải người trong cuộc nên không nhận định được gì. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, Tuần Châu là một tập đoàn lớn. Họ đã từng sản xuất show nhạc nước, show cá heo ở Tuần Châu, hiếm có khả năng họ hợp đồng không chặt chẽ về điều khoản tác quyền. Phải căn cứ vào thoả thuận ban đầu của các bên được văn bản hoá thành hợp đồng hoặc bản ghi nhớ mới là cơ sở chính xác nhất để đánh giá”, vị này nói.

74567

Đạo diễn Việt Tú và ông Đào Hồng Tuyển đều khẳng định ý tưởng thực hiện chương trình thực cảnh là của mình

Ông chủ Đào Hồng Tuyển: Việt Tú tài hoa nhưng chưa có duyên với sân khấu thực cảnh

Tháng 6/2017, đạo diễn Việt Tú đã công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Thuở ấy xứ Đoài” tại Sài Sơn - Chùa Thầy. Đây là vở diễn do Tập đoàn Tuần Châu là chủ đầu tư. Vở diễn lấy bối cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, diễn viên là 140 người nông dân tại Sài Sơn. Tuy nhiên, sau 10 buổi công diễn, “Thuở ấy xứ Đoài” bị dừng diễn trong âm thầm.

Ngày 28/10, Tập đoàn Tuần Châu công bố vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”, diễn ra trên không gian sân khấu thực cảnh của vở diễn”Thuở ấy xứ Đoài” trước đó. Vở diễn được BTC giới thiệu là “sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam” và có mức đầu tư khủng, lên tới 500 tỷ đồng. Theo ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu, “Tinh hoa Bắc Bộ” là ý tưởng mà ông ấp ủ từ 6 năm trước. Trong buổi họp báo ra mắt vở diễn mới, ông Tuyển lý giải: “Thuở ấy xứ Đoài” phải dừng lại là vì “không chạm được vào trái tim khán giả”.

tinhhoabacbo (3)

Vở diễn Tinh Hoa Bắc Bộ được diễn trên không gian sân khấu thực cảnh trước đó của Thuở ấy xứ Đoài

“Ý tưởng của vở thực cảnh là của tôi. Tôi đã đưa các đạo diễn đi nước ngoài xem thực cảnh, trong đó có Việt Tú. Cậu ấy là người rất tài hoa, nhưng có lẽ không có duyên với sân khấu thực cảnh. Chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc, nhưng vở diễn chưa chạm được đến trái tim khán giả, chúng tôi bắt buộc phải thay kịch bản”, ông Đào Hồng Tuyển nói. Ngoài ra, ông Tuyển cũng nhấn mạnh, kịch bản vở Tinh Hoa Bắc Bộ hoàn toàn mới, không có liên quan gì so với vở “Thuở ấy xứ Đoài”.

Đáng nói là, trong khi ông Tuyển khẳng định ý tưởng của vở diễn cũ là của mình thì đạo diễn Việt Tú cũng khăng khăng ý tưởng về vở diễn sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam là của mình. Anh cũng cho biết, nhà đầu tư đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có một lời giải thích nào với anh. Thậm chí, anh cũng tố đến giờ, nhà đầu tư vẫn nợ anh và nhiều nghệ sĩ khác tiền.

Chia sẻ trên Dân trí, đạo diễn Việt Tú giải thích: "Vở diễn của tôi được ra mắt vào tháng 6 năm 2017, được cấp bản quyền từ tháng 8 năm 2016. Điểm đặc sắc nhất của vở diễn là tôi lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, khung cảnh làng quê Bắc Bộ tái tạo nguyên gốc, 140 nông dân biểu diễn trên mặt nước, nhà thuỷ đình 10 tấn nhô lên từ mặt hồ, vở diễn là sự kết hợp giữa chất liệu dân tộc với hiệu ứng âm thanh ánh sáng hiện đại".

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.