Xã hội

Chuyện làm báo dấn thân của những nhà báo nổi tiếng

Những nhà báo nổi tiếng chia sẻ về cách thức tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội tác động rất lớn đến thói quen, cách tiếp cận của người đọc và cách thức tác nghiệp của phóng viên.

Tuy nhiên, dù công nghệ phát triển đến đâu, độc giả vẫn luôn đòi hỏi, chờ đợi ở báo chí những tác phẩm có giá trị.

Báo Giao thông ghi nhận chia sẻ của một số nhà báo nổi tiếng về cách thức tạo ra những tác phẩm báo chí như vậy, từ chính kinh nghiệm và sự dấn thân mà họ đã trải qua.

Nhà báo Nguyễn Như Phong, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Năng lượng mới - PetroTimes:
Nghề báo đòi hỏi sự hy sinh tự giác

img

Báo chí là một nghề đặc biệt, đòi hỏi nhà báo phải có năng khiếu. Cùng đó, nghề báo đòi hỏi sự hy sinh tự giác của các nhà báo rất lớn.

Cho nên phẩm chất cần có của người làm báo đúng nghĩa là phải yêu nghề, say nghề và phải dám dấn thân. Vì nếu không yêu, không say sẽ không thể hy sinh một cách tự nguyện như vậy.

Yếu tố nữa, tôi rút ra từ chính cuộc đời làm báo của mình, đó là nhà báo, phóng viên phải có một hậu phương vững chắc, hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện cho họ “yêu nghề”.

Ngày xưa, khi tôi làm ở Báo Công an Nhân dân, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ tôi phải bỏ nghề dược sĩ ở nhà, buôn thúng bán mẹt để kiếm tiền nuôi con, trông con, hy sinh cho chồng. Còn tôi đi công tác cũng phải tranh thủ lái xe thuê, chụp ảnh thuê để có tiền trang trải.

Bởi có những chuyến đi biền biệt cả tháng không về, con còn không nhận bố. Như chuyến tôi đi lên Ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào năm 1984, quãng đường 450 cây số phần lớn phải đi bộ, chỉ riêng thời gian vừa đi vừa về đúng gần một tháng. Mà đi một chuyến như thế, cũng chỉ viết được 3 - 4 phóng sự, nhuận bút làm sao đủ chi phí, chưa nói đủ sống.

Để có những tác phẩm báo chí giá trị, nhất là ở thể loại điều tra, nhà báo phải dũng cảm, dấn thân, thậm chí hơn một lần đứng bên “bờ vực” ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Tôi còn nhớ năm 1990, tôi đang là phóng viên của Báo Công an Nhân dân, đi viết về tiêu cực tại Công an Điện Biên trong việc nhập khẩu xe máy từ Lào.

Sau khi làm việc với Ban giám đốc Công an tỉnh này, tôi được cảnh báo “phải đi lại cẩn thận” và “có người lệnh không được để nhà báo Phong mang tài liệu về Hà Nội”. Nắm được thông tin, anh em CSGT - cũng chính là những người tố cáo tiêu cực, đã bố trí xe cho tôi nửa đêm “trốn” khỏi đó.

Sau khi bài báo đăng tải, một loạt cán bộ công an địa phương này đã bị kỷ luật.

Bên cạnh những chuyến đi để đời đó, cuộc đời làm báo của tôi cũng nếm trải không ít lần “dấn thân” khác, như khi viết bài tấn công những kẻ cơ hội chính trị và phản động lưu vong.

Khi đó, không chỉ có tôi, mà có khi cả gia đình cũng phải hứng chịu sức ép khi bị một số đối tượng đến tận nhà chửi bới, đe dọa.

Bên cạnh đó, còn có một sự “dấn thân” mà nó đòi hỏi sự chiến đấu cũng không khoan nhượng. Đó chính là chiến thắng sự mua chuộc.

Như vụ công trình 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội), tôi là một trong những nhà báo viết bài đầu tiên với tựa đề: “Về công trình nhòm xuống Lăng Bác” trên Báo Năng lượng mới.

Ngay sau đó, đã có người tìm đến tôi, ngã giá cho sự im lặng là cả một căn hộ nhưng tôi đã từ chối. Hay vụ việc Tân Trường Sanh, tôi cũng được “thương lượng” gần 200m2 đất ở Tây Hồ để đổi lấy sự im lặng. Tuy nhiên, tôi vẫn cho “ra lò” một seri phóng sự về vụ việc này…

Điều ngăn tôi không thỏa hiệp chính là nỗi sợ, sợ vi phạm pháp luật, rồi bị “sờ gáy”, rồi sợ một ngày tên tuổi mình xuất hiện trên báo nhưng không ở vị trí tác giả mà là nhân vật trong một vụ án nào đó…

Hoạt động nghề nghiệp của nhà báo hôm nay chịu rất nhiều sự tác động như công nghệ, mạng xã hội… Tuy nhiên, tôi cho rằng, có những giá trị cốt lõi của báo chí vẫn không thể thay đổi, đó là sự dấn thân, là phản biện, nhằm mang đến những tác phẩm có giá trị cho xã hội.

Để tạo nên những tác phẩm giá trị, có sức lan tỏa, bên cạnh những phẩm chất cần thiết của người làm báo, của phóng viên như chia sẻ ở trên, tôi cho rằng, còn một yếu tố cực kỳ quan trọng khác, đó chính là ông Tổng biên tập tờ báo.

Nếu không có một Tổng biên tập giỏi nghề, dũng cảm, dám bảo vệ phóng viên và trong sáng thì đừng bao giờ nói chuyện tờ báo có một phóng viên viết có bản sắc, cá tính, đừng bao giờ trông đợi tờ báo có những tác phẩm giá trị, lan tỏa. Tôi may mắn được làm việc ở tờ báo có những Tổng biên tập như thế, trong đó có anh Hữu Ước.

Nhà báo Lê Thọ Bình, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Điện tử VietTimes:
Phải dấn thân mới tạo nên sự khác biệt

img

Nhà báo đòi hỏi phải có năng khiếu, trong đó quan trọng nhất là phát hiện ra được vấn đề.

Bằng chứng là cùng dự một hội thảo hay cuộc họp, hàng trăm nhà báo đều nghe những thông tin như nhau nhưng mỗi người có một cách xử lý khác nhau, dẫn đến kết quả cũng rất khác biệt.

Tôi còn nhớ, khoảng năm 2000 - 2001, tôi làm Trưởng Văn phòng đại diện Báo Pháp luật TP.HCM tại Hà Nội. Trong khi đang theo dõi kỳ họp Quốc hội, một buổi sáng tôi ngồi uống cà phê với người phát ngôn của Thủ tướng Phan Văn Khải khi ấy là anh Kinh Quốc, được anh thông tin: Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Thủ tướng phê bình Chủ tịch UBND TP Hà Nội (khi ấy là ông Hoàng Văn Nghiên) đi xe Lexus quá tiêu chuẩn.

Tôi ngay lập tức trao đổi với phóng viên sang UBND TP, tìm đến chỗ đậu chiếc xe Lexus đó chụp hình (hình này sau đó được cả “làng báo” lấy lại).

Sau đó, khi vào dự phiên thảo luận của Quốc hội, tôi nghe một đại biểu ở Lào Cai phát biểu rằng, người dân tộc ở quê ông quy tất cả những tài sản về giá trị tương đương với… con trâu.

Tan họp, tôi gọi điện ngay lên Lào Cai, hỏi họ giá một con trâu thời bấy giờ là bao nhiêu tiền? Rồi tôi tính giá chiếc xe Lexus, quy đổi tương đương giá của 2.900 con trâu, sau đó viết bài: “Đồng chí Hoàng Văn Nghiên cưỡi trên 3.000 con trâu”. Bài báo đó ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Như vậy, để có một bài báo hấp dẫn, trước hết người phóng viên phải luôn quan sát. Cùng đó, phải biết cách làm mới, làm hấp dẫn thông tin đó.

Như bài báo kể trên, nếu tôi chỉ viết là “Đồng chí Hoàng Văn Nghiên bị Thủ tướng phê bình” hay “Đồng chí Hoàng Văn Nghiên đi xe quá tiêu chuẩn” thì chắc chắn không nhiều người đọc.

Ngoài tài năng, để có những tác phẩm báo chí chất lượng, giá trị, đòi hỏi nhà báo phải có đam mê. Một kỷ niệm nghề nghiệp khác mà tôi vẫn nhớ cuộc phỏng vấn Thủ tướng Phan Văn Khải khi ông vừa nhậm chức.

Tôi khi ấy làm Trưởng Văn phòng đại diện của Báo Tuổi trẻ TP.HCM tại Hà Nội, cùng một đồng nghiệp đến cổng số 1 Chùa Một Cột từ 6h để chờ phỏng vấn Thủ tướng.

Tuy nhiên, do vừa kết thúc kỳ họp Quốc hội nên Thủ tướng phải tiếp hết đoàn ĐBQH này đến đoàn kia. Chúng tôi vẫn chờ, đến 23h đêm, trời mưa lất phất.

Khi ấy, một trợ lý của Thủ tướng mới báo cáo ông là có “hai thằng” Báo Tuổi trẻ vẫn đứng chờ. Thủ tướng nghe vậy thương tình mới cho gọi chúng tôi vào.

Thủ tướng khi ấy còn chưa ăn cơm tối. Ông tiếp tục lùi bữa tối, dành cho chúng tôi 30 phút và đấy là bài phỏng vấn Thủ tướng đầu tiên ở nhiệm kỳ mới của ông.

Mà chuyện chờ từ sáng tới đêm để “săn” tin, bài đâu chỉ một lần. Năm 1995, tôi cùng một phóng viên Báo Tuổi trẻ cũng chờ ông Trần Xuân Giá trước cửa nhà ông ấy đến 23h đêm để phỏng vấn.

Nhiều đồng nghiệp của tôi ở Báo Tuổi trẻ cũng chung niềm đam mê như thế. Tôi còn nhớ, năm 1997, ông Đỗ Kim Tuyến, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội phụ trách khám phá nhanh nhiều chuyên án lớn, nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ông Tuyến rất bận và không phóng viên nào có thể liên hệ phỏng vấn được. Biết được thói quen tập thể dục buổi sáng sớm của ông Tuyến, tôi đã cử hai nữ phóng viên 5h sáng phải đứng đợi ở cổng nhà, chờ ông đi tập thể dục. Và đó đã trở thành bài phỏng vấn độc quyền.

Tuy nhiên, từ tác nghiệp của phóng viên đến một tác phẩm hoàn thiện trên báo, không thể thiếu được vai trò của tòa soạn, từ người ra quyết định duyệt đăng, đến sự điều phối giữa các ban; sự hỗ trợ, đóng góp của những người không có tên trong danh sách tác giả, thậm chí không có cả nhuận bút như đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật…

Bây giờ đòi hỏi người làm báo dấn thân, tận tâm, cống hiến vô điều kiện như chúng tôi thời xưa rất khó bởi sự tác động rất lớn của công nghệ, của mạng xã hội... Tuy nhiên, tôi cho rằng, có một điều báo chí làm được mà mạng xã hội không làm được chính là sự dấn thân, sự hy sinh dũng cảm...

Nhà báo Hoàng Tư Giang, Trưởng Ban Tuần Việt Nam, Vietnamnet:
Không nhanh và chính xác, sẽ thua mạng xã hội

img

Đầu tháng 8/2021, khi Thủ đô đã phong tỏa hơn 10 ngày để chống dịch, tôi viết liền mấy bài về việc cần khẩn cấp cung cấp vaccine cho Hà Nội.

Lúc đó, tìm hiểu ở một số phường nội thành, tôi thấy việc vaccine phòng, chống Covid-19 rất nhỏ giọt, tình trạng “vaccine ông ngoại” diễn ra khá phổ biến.

Cũng thời điểm đó, Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế cho biết, đã phân bổ gần 3 triệu liều vaccine cho Hà Nội, nhưng các quan chức có trách nhiệm của Thủ đô lại thông tin với tôi, họ chỉ nhận được hơn 1,6 triệu liều.

Trong khi đó, số ca nhiễm ở Hà Nội đã bùng phát, dịch đã nhiễm sâu vào cộng đồng và Hà Nội đã phải phong tỏa khắc nghiệt.

Thực tế đó đặt Thủ đô Hà Nội với hơn 8 triệu dân và hàng triệu người lao động nhập cư vào tình thế cực kỳ rủi ro. Để Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế không bùng dịch và kiệt quệ về kinh tế phải được cung cấp vaccine nhiều hơn và ngay lập tức.

Những bài báo đó được những người có trách nhiệm đọc, họ họp bàn, gây áp lực, và rồi vaccine đã bắt đầu đổ về Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định, hạn chế tối đa tác động của các làn sóng trào dịch bệnh ở Hà Nội trước và đặc biệt là sau Tết vừa rồi.

Câu chuyện trên đây có vẻ khá đơn giản nhưng chuyện tác nghiệp phía sau đó lại không hề, ví dụ như lấy được số liệu vaccine mà Hà Nội được cấp trên thực tế để chứng minh nó vênh rất xa so với số liệu công bố chính thức.

Điều này đòi hỏi nhiều thứ như óc phản biện, sự nhạy bén nghề nghiệp (để phát hiện ra các số liệu vênh nhau) và lòng tin (để lấy được số liệu).

Kể từ khi các ca dương tính đầu tiên được phát hiện ở Hạ Lôi, tôi bắt đầu tìm đọc các tài liệu ở EU, Mỹ và trao đổi, phỏng vấn các nhà chuyên môn ở Việt Nam để hiểu biết về dịch bệnh.

Không ít vấn đề tôi nêu là gây tranh cãi như miễn dịch cộng đồng, cho phép người nhiễm điều trị bệnh ở nhà bên cạnh duy trì các trại thu dung, không thể duy trì “Zero Covid”…

Tôi vốn là một nhà báo theo thiên hướng phản biện trong các vấn đề vĩ mô, thể chế, luật pháp, hội nhập hơn là một nhà báo về y tế.

Để phản ánh những vấn đề khó đọc, kén chọn độc giả như thế, tôi luôn cần phải đọc các nguồn tài liệu, ghi nhớ, so sánh và phỏng vấn, trao đổi với các nhà kinh tế, các nhà chuyên môn.

Tôi vẫn cho rằng, báo chí cần phản biện và cần cho báo chí không gian đủ lớn để phản biện. Phản biện mới là xây dựng chứ không phải bôi đen.

Viết báo cần nhanh, chính xác và hấp dẫn vì nếu không thì chả ai đọc, thậm chí còn bị bêu trên mạng xã hội hay nặng hơn là bị phạt.

Trong khi đó, mạng xã hội đã trở nên cực kỳ phổ biến ở Việt Nam ngày nay, cho phép hàng chục triệu người có thể trở thành phóng viên đưa tin, cho phép không ít người đăng những bài phân tích sắc sảo, uyên thâm, hấp dẫn hơn báo chí nhiều lần. Nghề báo có lẽ chưa bao giờ bị thách thức như hiện nay.

Nhà báo Viết Đoàn, Báo Nhân Dân:
Chỉ dấn thân, nhiệt huyết là chưa đủ...

img

Phóng sự điều tra nhiều năm trước thường tập trung vào các vấn đề thiên về câu chuyện xã hội như: Băng nhóm tội phạm, thực trạng “mãi lộ”, bảo kê... Nhưng những năm gần đây, các vấn đề liên quan kinh tế mới là “xương sống” để triển khai.

Ngoài nhiệt huyết, kỹ năng ghi nhận thực tế, phỏng vấn nguồn tin, nhà báo còn phải “nâng cấp” liên tục để có trình độ phân tích được các dữ liệu về báo cáo tài chính doanh nghiệp, hồ sơ phát hành trái phiếu, hay các hoạt động mua bán sáp nhập “có vấn đề”, việc “sở hữu chéo”, thao túng thị trường của một số công ty hoặc tập đoàn… từ đó đối chiếu thực tế xem các hoạt động này có gây ra hệ lụy xấu cho xã hội, Nhà nước hay không.

Trong những loạt bài điều tra đã từng thực hiện, có lẽ loạt bài “Làm giàu trên lưng người trồng lúa” là kỷ niệm tôi và các đồng nghiệp khó quên nhất.

Chủ đề này tôi đã theo đuổi từ rất nhiều năm khi nhận thấy giá lúa gạo không tăng, thậm chí còn giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật không ngừng lớn mạnh khi “lách” vào khe cửa chính sách của các địa phương để bán hàng cho người nông dân dưới danh nghĩa “tư vấn kỹ thuật”.

Sau nhiều tháng thu thập, đối chiếu số liệu tài chính, hóa đơn mua vào của nhiều bà con nông dân miền Tây, tôi đã đi thực tế tại các ruộng lúa ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… để thực tế nghe người nông dân kể về thực trạng trồng lúa ngày càng lỗ. Loạt bài sau đó được duyệt đăng 2 kỳ, nhận giải B - Giải báo chí quốc gia năm 2017.

Nhà báo Phan Công, Tạp chí ZingNews:
Tận dụng công nghệ để tạo sự lan tỏa

img

Hiện nay, bức tranh toàn cảnh về nghiệp vụ báo chí đang xuất hiện một số vấn đề mâu thuẫn. Cụ thể, một số sản phẩm báo chí chất lượng lại không có sự lan tỏa trong xã hội.

Trong khi đó, có những sản phẩm không đủ các yếu tố để gọi là một tác phẩm báo chí lại đạt được sự lan tỏa khá tốt do xuất hiện đúng thời điểm, được cộng hưởng thêm sự lan tỏa của mạng xã hội.

Do vậy, nhà báo bây giờ phải sử dụng nhiều thiết bị hơn, đa nhiệm hơn để đáp ứng cho nội dung đa nền tảng thay vì chỉ một chiếc máy ảnh như thập kỷ trước.

Ngoài kiến thức chuyên ngành báo chí, bản thân nhà báo trong bối cảnh hiện nay còn cần phải có kiến thức về phân tích cơ sở dữ liệu, triển khai đồ họa, đồ thị để nêu tổng quan vấn đề, giúp bạn đọc nhìn vào vấn đề trực quan nhất.

Tuy nhiên, theo tôi, mỗi tòa soạn cần phân vai các nhà báo theo năng lực, sở trường và đam mê của họ. Với những người triển khai loạt bài chuyên đề, phóng sự điều tra, ngoài đòi hỏi năng lực, sự kiên trì còn cả điều kiện sẵn sàng dấn thân, hy sinh thời gian.

Dĩ nhiên, các tòa soạn cần phải tạo ra một cơ chế mở để hỗ trợ, động viên những nhân sự này. Thực tế, tôi đã thấy rất nhiều trường hợp nhà báo viết chuyên đề, điều tra có mức thu nhập thấp hơn các nhà báo phụ trách tin tức thời sự. Chưa kể, có rất nhiều vấn đề điều tra bị đứt gãy trong quá trình theo đuổi.

Nhà báo Thái Phương, Báo Người Lao Động TP.HCM:
Cần cơ chế kích thích người sáng tạo

img

Theo tôi, yếu tố dấn thân của người làm báo rất quan trọng đối với thể loại phóng sự, nhất là những phóng sự điều tra mà cần sự tìm tòi, có bằng chứng rõ ràng, thuyết phục.

Với yêu cầu như vậy, nhiều phóng viên, người làm báo hiện tại không dễ thực hiện trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội ngày càng nhanh chóng, phổ biến. Để làm phóng sự đòi hỏi bản lĩnh, sự dấn thân của người làm báo, nhưng khi phóng sự vừa đăng bài, chỉ trong thời gian ngắn có thể bị “xào nấu”, sao chép, đánh cắp từ các tờ tạp chí, báo lá cải, báo mạng khác...

Các báo cũng có cơ chế khuyến khích người làm báo thực hiện phóng sự, nhưng đến giờ không nhiều những loạt bài chuyên đề gây tiếng vang ra đời thường xuyên.

Để đầu tư cho tuyến bài phóng sự, phóng viên nhiều khi mất hàng tháng trời, nếu không có cơ chế trả lương, nhuận bút, thưởng xứng đáng... thu nhập sẽ không bằng việc làm tin, bài thời sự hàng ngày, sẽ không kích thích được sự sáng tạo, sự dấn thân của phóng viên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.