Thi viết về GTVT

Chuyện làm đường nối hai cảng ở xứ Thanh

17/05/2023, 06:46

Lâu nay, người dân vẫn quen gọi tuyến đường nối Cảng hàng không Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa là “đường nối hai cảng”.

Tuyến đường từ khi đưa vào khai thác đã giúp việc đi lại, giao thương của người dân thuận lợi hơn rất nhiều so với trước.

Niềm vui khi có đường mới

img

Tuyến đường là một trong những động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa

Vừa bon bon chở hàng đi Nghi Sơn, anh Nguyễn Văn Nam (37, tuổi, quê ở Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá) vừa hào hứng chia sẻ: “Đường đẹp, xe chạy rất êm. Tôi chuyên chở hàng hoá chặng Thọ Xuân - Khu kinh tế Nghi Sơn.

Trước kia, khi chưa có tuyến đường Nghi Sơn - Sao Vàng hay còn gọi là “đường nối hai cảng” này, để vào Khu kinh tế Nghi Sơn, tôi hoặc phải đi từ Thọ Xuân theo QL47 xuống QL1A đi Nghi Sơn, hoặc theo đường Hồ Chí Minh về đến Như Xuân rồi đi tiếp theo Tỉnh lộ 513 (TL). Cả hai cung đường này mất hơn 2 tiếng”.

Tuy nhiên, từ năm 2018, khi tuyến đường mới được đưa vào khai thác, cánh tài xế như anh Nam nhàn hơn hẳn. Đường đẹp, thông thoáng và chỉ mất chưa đầy 1 tiếng xong một chuyến hàng.

Ông Vũ Đức Toàn, chủ một doanh nghiệp vận tải ở thị xã Nghi Sơn cho biết, trước muốn lấy mặt hàng gỗ dăm, keo từ các huyện miền núi hay chở vật liệu xây dựng, chỉ có 2 tuyến đường là QL1A và đường Hồ Chí Minh.

Nhưng do khoảng cách quá xa nên giá cước cao. Khi tuyến Nghi Sơn - Sao Vàng được đầu tư xây dựng, đi lại thuận tiện hơn nhiều.

“Mỗi lần muốn đi công tác hay đi du lịch ở TP.HCM, giờ tôi không phải mất công ra Hà Nội hay vào Vinh để bay nữa. Chỉ cần một tiếng chạy xe là tới sân bay Thọ Xuân”, anh Toàn nói thêm.

Nối 2 cực tăng trưởng

Dự án xây dựng tuyến đường nối Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn được UBND tỉnh Thanh Hoá đầu tư theo hợp đồng BT bằng hình thức trả tiền. Đây là dự án BT lĩnh vực hạ tầng giao thông đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lý Đình Sỹ, Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, Thọ Xuân cùng với Nghi Sơn là 2 cực tăng trưởng của Thanh Hoá. Tuyến đường Nghi Sơn - Sao Vàng được đầu tư nhằm mục đích nối thông 2 cực tăng trưởng này.

Theo ông Sỹ, trước kia khi đi vào Khu kinh tế Nghi Sơn mất 120km, nhưng từ khi tuyến đường được xây dựng, khoảng cách chỉ còn 65km. Hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hoá qua cảng biển Nghi Sơn và Cảng hàng không Thọ Xuân nhờ vậy sôi động hơn rất nhiều.

“Người dân và doanh nghiệp ở hai bên tuyến đường được hưởng lợi nhiều. Đặc biệt, đối với khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh, chúng tôi đã định hướng xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp sạch... Tuyến đường này được xem là một trục đối ngoại quan trọng”, ông Sỹ nói.

Theo ông Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá, đây là tuyến đường chiến lược, mở ra nhiều cơ hội cho địa phương.

“Các chuyên gia người nước ngoài làm việc tại Thanh Hoá muốn đi công tác phía Nam thậm chí có thể đi về trong ngày. Mặt khác, tuyến đường cũng giúp kết nối các vùng, khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Hiệu nói.

Lần đầu làm dự án BT

img

“Đường nối hai cảng” từ khi đưa vào khai thác đã giúp việc đi lại, giao thương của người dân thuận lợi hơn

Là một trong những người tham gia dự án từ những ngày đầu, ông Lê Bá Hùng, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư công trình giao thông Thanh Hoá kể, thời điểm đó, ông đang làm Phó giám đốc Ban QLDA giao thông 1, trực thuộc Sở GTVT Thanh Hoá.

“Đây là dự án BT đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá và cũng là cuối cùng của cả nước sau khi Chính phủ ban hành Nghị Quyết 01/2014/NQ-CP chấm dứt việc đầu tư dự án theo hình thức BT.

Vì là lần đầu làm theo hợp đồng BT nên còn rất nhiều bỡ ngỡ, các cá nhân tham gia dự án ngoài nghiên cứu các quy định pháp luật, phải tham vấn ý kiến chuyên gia của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và các cơ quan Trung ương khác để học hỏi cách thức triển khai”, ông Hùng kể.

Cũng theo ông Hùng, sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án, phải mất thêm 2 tháng mới thương thảo xong hợp đồng BT.

“Sau rất nhiều vòng đàm phán, nhà đầu tư mới chấp thuận để Ban QLDA Giao thông 1 tham gia quản lý với doanh nghiệp dự án. Với các nhà thầu khác, nhà đầu tư phải báo cáo Sở GTVT Thanh Hoá thẩm tra năng lực trước khi lựa chọn.

Xong khâu đàm phán lại gặp khó khăn về vốn, dự án phải huy động gần 4.000 tỷ đồng. Khởi công từ tháng 12/2014 nhưng phải đến tháng 7/2015 nhà đầu tư mới ký được hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Vietcombank do thủ tục rà soát lại năng lực trả nợ kéo quá dài”, ông Hùng nhớ lại.

Chưa hết, thông được vốn rồi lại tắc vật liệu. Dự án cần tới 2,1 triệu m3 đất đắp; 1,4 triệu m3 cát và 0,9 triệu m3 đá. Trong khi các mỏ trên địa bàn chưa đáp ứng trữ lượng khai thác cho dự án.

“Xoay xở khắp nơi rồi cũng xong. Nói ra thì đơn giản, nhưng thời điểm đó, đi khảo sát thêm mỏ, kiểm định chất lượng không đơn giản. Cũng may, tắc nhiều ngả nhưng khâu mặt bằng lại thông do chủ yếu đi qua đồi, núi và đất trồng cây của người dân.

Dự án khởi công xây dựng từ tháng 12/2014 đến tháng 4/2018 hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Giá trị quyết toán của công trình là hơn 3.948 tỷ đồng”, ông Hùng cho hay.

Rất tâm đắc với tuyến đường này, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nhận định: “Tuyến đường không đơn thuần nối sân bay Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn mà còn là trục Bắc - Nam để nối các trục hướng Đông - Tây”.

Ông Liêm thông tin, tuyến đường sau khi hoàn thành đã tạo ra không gian phát triển và quỹ đất khai thác hai bên. Dọc tuyến, Thanh Hoá đã quy hoạch phát triển các khu chức năng, bao gồm các khu đô thị, khu dịch vụ thương mại, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Điển hình là các khu đô thị Lam Sơn - Sao Vàng; Đô thị Sim; Đô thị Nưa; Đô thị cầu Quan, tập trung vào phát triển công nghệ cao, thương mại dịch vụ và phát huy các thế mạnh của nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa.

Theo hồ sơ thiết kế, tuyến đường Nghi Sơn - Sao Vàng dài 66km đi qua địa bàn 5 huyện: Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh, Nông Cống, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) và Khu kinh tế Nghi Sơn.

Đường được thiết kế với vận tốc 80km/h, ở nút giao đầu với QL47 thuộc địa phận huyện Thọ Xuân - nơi có sân bay quốc tế Thọ Xuân. Đoạn cuối tuyến thuộc địa phận thị xã Nghi Sơn - nơi có Khu kinh tế Nghi Sơn với nhiều hệ thống cảng biển, nhà máy lọc hoá dầu.

Dự án do liên danh Tổng công ty 319 - Công ty CP Tập đoàn ĐTXD Cường Thịnh Thi - Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung là nhà đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.