Hồ sơ tài liệu

Chuyện làm giàu như “tên lửa” của tỷ phú hạ tầng Ấn Độ

23/04/2022, 09:02

Ông Gautam Adani không chỉ đứng top đầu mà còn có khối tài sản cao nhất lịch sử của các tỷ phú châu Á, lọt vào nhóm 9 tỷ phú hàng đầu thế giới.

Nếu như cách đây vài năm, tỷ phú giàu nhất châu Á chỉ xoay quanh hai nhân vật Jack Ma (Trung Quốc) và Mukesh Ambani (Ấn Độ) thì nay một cái tên khác đến từ Ấn Độ vụt sáng. Gautam Adani - một “nhà tài phiệt hạ tầng”.

img

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani

2 năm, sở hữu 7 sân bay

Gautam Adani (59 tuổi) không chỉ đứng top đầu mà còn có khối tài sản cao nhất lịch sử của các tỷ phú châu Á, lọt vào nhóm 9 tỷ phú hàng đầu thế giới có khối tài sản trên 100 tỷ USD, đứng cùng những cái tên như: Elon Musk, Jeff Bezos và Bill Gates.

Ông Gautam Adani xuất thân từ một gia đình kinh doanh nhưng có khởi đầu tương tự như tỷ phú Bill Gates, đó là bỏ học đại học. Không làm việc tại cửa hàng vải của cha, Adani lên Thủ đô Mumbai từ năm 18 tuổi, mang theo vỏn vẹn vài trăm ruppe, bắt đầu với công việc sàng lọc kim cương tại doanh nghiệp Mahindra Brothers.

Chỉ trong vài năm, chàng trai trẻ đã tự gây dựng hoạt động môi giới kim cương. Ở độ tuổi 20, Adani đã trở thành triệu phú.

Sau khi tự chứng minh được năng lực của mình, Adani quay về quê nhà ở Ahmedabad và cùng anh trai quản lý một nhà máy nhựa. Đến năm 1988, ông chính thức thành lập Công ty Xuất khẩu Adani (nay là Adani Enterprises Ltd), khởi đầu với những mặt hàng nông sản, than đá…

Năm 2008 là dấu mốc Adani lần đầu tiên gia nhập hàng ngũ tỷ phú Ấn Độ khi nắm trong tay cảng biển lớn nhất Ấn Độ đặt tại Gujarat, với tổng giá trị tài sản lúc đó chỉ 9,3 tỷ USD.

Nhưng thời điểm Adani phát triển mạnh nhất phải kể đến thời gian từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong 2 năm (2020-2021), từ một đại gia nhiều năm làm về cảng biển, khai thác than… ông chuyển đổi và mở rộng rất nhanh trong ngành truyền thông, năng lượng sạch và đặc biệt là sân bay.

Hiếm có tỷ phú nào trên thế giới nắm trong tay cảng biển lớn nhất Ấn Độ, đồng phát triển một bến cảng tại Sri Lanka và chỉ trong chưa đầy 2 năm sở hữu tới 7 sân bay, bao phủ 1/4 lưu lượng hàng không Ấn Độ. Cũng từ đây, nhắc đến Gautam Adani, người ta nói ngay đến “tỷ phú hạ tầng”.

Ví dụ gần nhất là thương vụ Tập đoàn Sân bay Adani do tỷ phú Gautam Adani đứng đầu đã giành được quyền quản lý Sân bay Quốc tế Mumbai - cảng hàng không bận rộn thứ 2 Ấn Độ và trở thành doanh nghiệp hạ tầng sân bay lớn nhất đất nước.

Tập đoàn Adani cũng tiếp quản dự án xây dựng sân bay quốc tế mới Navi Mumbai. Kế hoạch xây dựng dự án này đã trì trệ, “nằm trên giấy” suốt hàng chục năm qua nhưng khi đến tay Adani, vào tháng 3 vừa rồi, tập đoàn này đã hoàn tất công tác tài chính, ký văn bản hỗ trợ tài chính với Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI).

Trong đó SBI sẽ đảm lãnh toàn bộ khoản vay 127,7 tỷ rupe cho dự án, mở đường cho dự án chuẩn bị đi vào xây dựng. Khi hoàn tất vào năm 2024, Navi Mumbai được kỳ vọng sẽ có công suất đón 60 triệu lượt khách/năm.

Theo Tạp chí Forbes, tính đến chiều 11/4/2022, tổng tài sản của ông Adani đạt ước tính 122 tỷ USD, còn ông Ambani là 99,4 tỷ USD.

Có thể thấy, nếu như ông Adani phải mất tới 33 năm (từ 1988-2021) mới đạt được lượng tài sản 50,5 tỷ USD, với sự thay đổi chiến lược ngoạn mục, ông chỉ mất 1 năm (2021-2022) để kiếm thêm 71,5 tỷ USD.

Đặc biệt, riêng trong 2 tháng (từ tháng 2/2022 - 4/2022), vị tài phiệt về hạ tầng đã nhanh chóng vượt qua và bỏ xa tỷ phú đồng hương vốn đứng số 1 châu Á Mukesh Ambani từ cách biệt tài sản chỉ 700 triệu USD lên đến khoảng cách 22,6 tỷ USD.

Luồng ý kiến trái chiều

img

Chủ tịch Tập đoàn Adani - Gautam Adani (trái) bắt tay với ông Narenda Modi lúc bấy giờ là Thống đốc bang Gujarat năm 2011. Ảnh: Getty Image

Tuy nhiên, sự thành công quá nhanh của ông Adani cũng kéo theo những luồng ý kiến ngờ vực, trái chiều.

Theo trang NDTV (Ấn Độ), tỷ phú Gautam Adani thành công nhờ bước ngoặt chuyển đổi đầu tư rất mạnh mẽ từ ngành than, nhà máy điện, cảng trong suốt 20 năm sang lĩnh vực sân bay, trung tâm dữ liệu, quốc phòng và đặc biệt là năng lượng tái tạo… chỉ trong 2 năm. Bởi đây là những lĩnh vực mà Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đương nhiệm rất chú trọng để đạt được mục tiêu kinh tế.

Riêng năng lượng tái tạo, ông Adani công bố kế hoạch thúc đẩy công suất sản xuất năng lượng tái tạo lên gần 8 lần tính đến năm 2025. Do đó, ông hoàn toàn có thể tận dụng được lợi thế khi chính phủ đặt mục tiêu tham vọng - cắt giảm hoàn toàn khí thải nhà kính tính đến giữa thập kỷ này.

NDTV dẫn lời ông Tim Buckley, Giám đốc về tài chính năng lượng ở Australia và Nam Á tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA) đánh giá, ông Adani là người có hiểu biết về chính trị, dám đầu tư vào các dự án hạ tầng “đắp chiếu” lâu năm và nhạy cảm nhưng đều nằm trong các chủ trương lớn của Chính phủ. Chừng nào Ấn Độ còn duy trì tăng trưởng mạnh, tập đoàn này sẽ còn thịnh vượng.

Tuy nhiên, theo NDTV, một bộ phận các chính trị gia, nhà quan sát đối lập với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cho rằng, thành công của ông Adani phần lớn là vì ông có quan hệ mật thiết với Thủ tướng Modi từ cách đây hàng chục năm, dù ông Adani cực lực bác bỏ.

NDTV dẫn lời nhiều nhà phê bình cho rằng, chính quyền liên bang Ấn Độ dưới thời ông Modi đã nới lỏng quy định đấu thầu sân bay, giúp tập đoàn của ông Adani đạt chuẩn dù doanh nghiệp này không có nhiều kinh nghiệm về điều hành sân bay.

Đáng chú ý, tập đoàn của ông Adani bị chính quyền bang Kerala kiện khi Cơ quan Sân bay Ấn Độ quyết định cho tập đoàn này thuê sân bay quốc tế Thiruvananthapuram.

Tập đoàn của ông Adani bác bỏ cáo buộc khẳng định họ thắng thầu qua một quy trình cạnh tranh sòng phẳng.

Trong thông báo ngày 21/1/2021, chính quyền Ấn Độ cũng cho biết, Adani là tập đoàn đấu thầu hàng đầu trong số 86 doanh nghiệp đăng ký; đồng thời khẳng định quy trình diễn ra rất minh bạch.

Phản ứng trước phe đối lập, Thủ tướng Modi khẳng định, vai trò của doanh nghiệp tư nhân quan trọng ngang với doanh nghiệp công và cần phải có những người biết cách tạo ra tài sản.

Theo ước tính của Tạp chí Forbes, trung tuần tháng 4 vừa qua, sau khi thị trường chứng khoán ngày 11/4 đóng cửa, ông Adani đã trở thành tỷ phú giàu nhất châu Á từ trước tới nay, là người châu Á duy nhất lọt vào top 9 tỷ phú thế giới có khối tài sản trên 100 tỷ USD.

Tính đến chiều 11/4, tổng tài sản của ông Adani đạt ước tính 122 tỷ USD, đứng đầu châu Á và thứ 6 thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.