Xã hội

Chuyện ly kỳ những chuyến cứu nạn giờ mới kể

02/05/2021, 06:00

Những người lính nhận nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn luôn sẵn sàng lên đường, bất kể hiểm nguy. Quá trình ấy, có những chuyện ly kỳ rất khó lý giải.

img

Lực lượng cứu hộ cứu nạn trong hành trình 29 ngày tìm kiếm máy bay CASA 212 và SU30-MK2 năm 2016. Ảnh: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam

Trong thiên tai, giữa sự cố bất thường, những người lính nhận nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn (TKCN) luôn sẵn sàng lên đường, bất kể hiểm nguy, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng. Quá trình ấy, có những chuyện ly kỳ mà nhiều khi rất khó lý giải.

Những chuyện kỳ lạ

Từ một sĩ quan hải quân dạn dày kinh nghiệm, đầu năm 1997, Đại tá Đặng Hà Trung (60 tuổi, nguyên Trưởng phòng TKCN chuyên ngành, Cục Cứu hộ cứu nạn) là 1 trong 3 người đầu tiên được triệu tập từ ngày thành lập Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.

Rít hơi thuốc thật sâu, người lính già lần lượt kể vanh vách về những sự cố mà mình nhận nhiệm vụ trực tiếp tham gia: Từ trận lũ lịch sử miền Trung 1999, cơn bão quái ác Chanchu 2006… tới truy vết máy bay mất tích MH370 năm 2014 và cuộc tìm kiếm máy bay Casa 212 năm 2016.

Dù trang thiết bị có thể chưa đáp ứng trong các tình huống nguy hiểm, song ý chí quyết tâm của người lính cứu nạn không bao giờ bị lung lay, kể cả khi có sự hy sinh. Càng nguy hiểm, càng phải minh mẫn quyết đoán để tham mưu đề xuất giải pháp, chưa bao giờ buông xuôi!.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ


Tới nay, trong đầu ông vẫn còn đau đáu bởi những tình tiết kỳ lạ, chưa có câu trả lời.

Đó là khi con tàu Vinalines Queen chở 54.400 tấn quặng nickel đi từ Indonesia về Trung Quốc, khi tới Tây Bắc Philippines bị chìm, vào rạng sáng 25/12/2011, song không một cơ quan cứu nạn nào nhận được tín hiệu SOS.

“Đây là tàu của Nhật Bản đóng theo công nghệ hiện đại, ngoài các thiết bị vô tuyến điện, thân tàu còn được gắn với phao vô tuyến tự động báo hiệu khẩn cấp khi bị chìm xuống 20m. Tuy nhiên, tất cả đều không phát tín hiệu cứu nạn lên vệ tinh khi sự cố xảy ra…”, ông Trung cho biết.

Hay vụ MH370 mất tích ngày 8/3/2014, đến giờ vẫn là bí ẩn của cả ngành hàng không thế giới.

“Chúng tôi nhận nhiệm vụ bay quần thảo vùng biển 200km tính từ tâm đảo Phú Quốc. Những ngày đầu bay liên tục, cứ hạ cánh nạp dầu lại cất cánh nhưng không mảy may tìm được dấu hiệu nào liên quan. Sau đó, phía Việt Nam và Malaysia ngồi lại với nhau, không một giả thuyết nào có hy vọng được đưa ra, do đó 2 bên quyết định giải tán đội cứu nạn, dừng tìm kiếm”, ông Trung hạ giọng trăn trở : “Gọi là hoàn thành trách nhiệm nhưng với tâm lý của người cứu nạn, vẫn cảm thấy lăn tăn, buồn vì không có kết quả…”.

Ông kể, có trong nghề TKCN mới thấy trân quý những phút giây yên bình đời thường: “Trong ca trực, không được phép để chuông điện thoại réo quá 3 hồi. Khi nhiệm vụ phát đi, bất kể ngày hay đêm, bất kể mưa bão cũng thần tốc lên đường. Bởi, chúng tôi biết, dù trong tình thế nguy nan, người bị nạn chỉ cần nhận được thông tin có người đi cứu thì niềm tin vào sự sống của họ sẽ được nhân lên rất nhiều. Đó cũng là lý do tại sao giữa bão gió, tàu cứu nạn Hải quân vẫn được điều động ra khơi dù tốc độ đi trong bão có khi chỉ 1 hải lý/giờ”.

Theo ông Trung, ngoài điều kiện cần là sức khỏe, người cứu nạn phải có tố chất bình tĩnh và kinh nghiệm để xử lý trong mọi tình huống… Lính cứu nạn trên biển 2 ngày không ăn là chuyện thường, chỉ cần uống nước và hút sữa.

“Những khi sóng đánh lắc mạnh, ngay cả người có sức khỏe cũng phải nằm bẹp trên thuyền nhưng nhân viên cứu nạn thì không được phép bởi đang làm nhiệm vụ. Đi đâu cũng phải xách theo chiếc xô để… nôn, rồi lại “chiến” tiếp”, ông Trung kể.

Nhiệm vụ dài ngày nhất cũng là chuyến cuối cùng trong nghề của Đại tá Trung lại chính là hành trình 29 ngày lênh đênh trên biển tìm máy bay CASA 212 và máy bay Su30 bị nạn ngày 16/6/2016.

“Ngày đó, nếu tôi không đi công tác thì cũng sẽ bước lên chiếc Casa 212 cùng đồng đội để tìm chiếc Su 30”, ông Trung nói và kể tiếp: “12 ngày căng mình mới tìm được Casa 212. Có một điều kỳ lạ, vị trí máy bay bị nạn có độ sâu khoảng 60m, ngoài 1 nạn nhân trôi dạt được ngư dân vớt lên, 11 nạn nhân khác và hộp đen được tìm thấy gần như một chỗ, không trôi dạt đi đâu! Từ người thứ nhất tới người thứ 11 được đưa lên trong vòng 4 ngày, duy chỉ có đồng chí Lê Đức Lam tìm mãi vẫn không thấy. Chúng tôi đành quay về, chạy tiếp 12 ngày nữa mới tìm được hộp đen của Su 30. Lúc này nhiệm vụ mới chính thức hoàn thành”.

Những nỗi trăn trở

Trong 20 năm nhận nhiệm vụ, dù chưa một lần ra quyết định sai song ông Trung vẫn không giấu được cảm xúc day dứt với những trường hợp lực bất tòng tâm.

“Mỗi quyết định ngoài ý chí của người chỉ huy, còn bị chi phối nhiều yếu tố về nhân lực, phương tiện, quy trình… gây chậm trễ trong tiếp cận hiện trường”, ông Trung nói và cho biết, có 2 điều khiến mình tới nay vẫn còn trăn trở: Dù đã được chuẩn bị nhưng hoạt động tuyên truyền về kinh nghiệm, kỹ năng thoát hiểm vẫn chưa tới được đúng đối tượng trong dân. Bên cạnh đó, trang thiết bị và phương tiện TKCN cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu, song vẫn còn thiếu phương tiện cứu nạn ngoài khơi xa và dài ngày.

Tương tự, Đại tá Trần Văn Kim, nguyên Chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN cho rằng, 12 năm thực hiện nhiệm vụ cũng là quãng thời gian có quá nhiều kỷ niệm sâu sắc. “Mỗi kỷ niệm ấy đều gắn với những niềm vui vỡ òa và nỗi buồn thắt lòng nơi trái tim của người lính Bộ đội Cụ Hồ” ông Kim chia sẻ.

Nhớ lại vụ TKCN tàu Hải Thành 26-BLC bị đâm chìm trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 28/3/2017, ông Kim kể: “Hôm đó, thời tiết tuy đã sang tháng 3 Âm lịch nhưng vẫn còn khá lạnh. Thông tin liên tục được báo về làm nóng cả Trung tâm.

Sau 4 ngày, đến ngày 1/4/2017 toàn bộ 11 thuyền viên đã được tìm thấy, nhưng chỉ có 2 người còn sống. Chúng tôi vẫn có cái bắt tay sau khi hoàn thành nhiệm vụ nhưng có lẽ trong mỗi cái bắt tay lần ấy đều nặng trĩu nỗi buồn về sự ra đi của 9 thuyền viên như chính người thân của mình vậy. Chỉ một chút may mắn, một cảnh báo sớm thì chắc chắn sự mất mát không lớn đến như thế…”.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính

img

Công tác tìm kiếm cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 vẫn đang tiếp diễn. Ảnh: Duy Lợi

Cho tới bây giờ, sau sự hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn cứu nạn sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3, vẫn còn nhiều ý kiến chất vấn trái chiều. Tuy nhiên, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN cho rằng phải là người trong cuộc, trên vai nhận trách nhiệm bảo đảm tính mạng con người, được Đảng và nhân dân giao mới thấu hiểu được.

Ông Tỵ chia sẻ, tới nay, công tác cứu nạn tại Rào Trăng 3 vẫn đang duy trì, 100 chiến sĩ vẫn căng mình cùng các phương tiện chuyên dụng tìm kiếm số công nhân mất tích.

Còn nhớ vụ giải cứu vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) tháng 12/2014, phương án mở đường cứu 12 công nhân đã phải chịu rất nhiều áp lực từ phía dư luận, ngay cả giới khoa học cũng phản đối. Khi đó, với trách nhiệm chỉ huy trực tiếp, ông Tỵ quả quyết “Tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về quyết định này!”.

Quá trình mở đường vô cùng gian nan, không thể nổ mìn phá đá, anh em phải dùng sức người đào bới, tay chân bầm dập máu me… trong khi xung quanh đất sụt lún đe dọa tính mạng của cả đoàn cứu nạn bất cứ lúc nào. Và khoảnh khắc cứu nạn thành công sau 24 tiếng thực thi đã khiến chúng tôi vỡ òa. Anh Nguyễn Xuân Tiến, khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chạy đến ôm chầm và bảo: “Các anh giỏi quá!”. Tôi chỉ biết trả lời: “Đây là trách nhiệm của quân đội vì dân. Chúng tôi dù có phải hy sinh nhưng cứu được người dân cũng cam lòng”, vị tướng chỉ huy nhớ lại.

Chia sẻ về hoạt động TKCN trong thời gian tới, ông Tỵ nhận định, để nâng cao năng lực ứng phó, trước hết phải chủ động nghiên cứu rà soát các khu vực địa hình, dự kiến các tình huống cả thiên tai và nhân tai có thể xảy ra, nhằm đưa ra kế hoạch ứng phó sát thực tiễn. Song song với đó là việc tổ chức, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng quân đội, ngoài quân đội và lực lượng tại chỗ trên địa bàn, để khi tình huống xấu xảy ra không bị động bất ngờ.

Cũng theo ông Tỵ, mặc dù những năm qua Đảng, Nhà nước, quân đội đã quan tâm đầu tư nhiều trang thiết bị TKCN nhưng so với thực tiễn, với những loại hình sự cố mới như hóa chất phóng xạ hạt nhân… đòi hỏi phải có trang thiết bị chuyên dụng, cần lực lượng chuyên trách được huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ để khi xảy ra tình huống trở thành lực lượng nòng cốt chủ lực để ứng phó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.