Xã hội

Chuyển mạng giữ nguyên số, chủ thuê bao được lợi gì?

19/11/2018, 09:23

Khi chuyển mạng giữ nguyên số sẽ xóa bỏ rào cản phải thay số điện thoại mới, gây rắc rối cho chủ thuê bao.

chuyen-mang-giu-nguyen-so.

Ngày 16/11 là ngày đầu tiên áp dụng dịch vụ "chuyển mạng giữ nguyên số"

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) khi trao đổi với báo Giao thông về những vấn đề đáng lưu ý xung quanh dịch vụ "chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số".

Nhiều lợi ích cho các bên

Chuyển mạng giữ nguyên số đã được nhiều nước áp dụng, vì sao đến nay chúng ta lại đưa ra áp dụng hình thức này, thưa ông??

Dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động (MNP) được triển khai cung cấp lần đầu tiên vào năm 1997, đến nay dịch vụ này đã hiện hữu tại hơn 110 nước trên thế giới, tuy vậy tại khu vực Đông Nam Á hiện nay thì chỉ có một số ít quốc gia cung cấp như Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam là nước thứ tư trong khu vực cung cấp dịch vụ này.

Việc cung cấp dịch vụ chuyển mạng là một xu thế phát triển tất yếu của thị trường di động, đặc biệt là đối với thị trường đang bão hòa như Việt Nam thì việc triển khai dịch vụ MNP được coi là một trong những chính sách để thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp di động thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng, đa dạng hóa các dịch vụ nội dung, dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm.

Mặt khác, dịch vụ này cũng mang lại sự bảo đảm quyền và lợi ích của người sử dụng dịch vụ viễn thông Việt Nam khi cung cấp thêm một công cụ cần thiết để thuê bao có thể lựa chọn nhà mạng phù hợp, qua đó các nhà mạng buộc phải tăng cường các chính sách để giữ thuê bao cũ và thu hút thuê bao mới.

Việt Nam cũng đã có một quá trình chuẩn bị khá dài để thực hiện được việc này. Đến nay, các công việc phục vụ cho dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đã được tiến hành đến đâu, thưa ông?

Việc triển khai dịch vụ chuyển mạng đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều đơn vị có liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp di động, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và các đơn vị, doanh nghiệp đang cung cấp các dịch vụ khác trên mạng di động. Do đó, các công việc để phục vụ cho việc chuyển mạng đòi hỏi phải được thực hiện từng bước chắc chắn để đảm bảo hạn chế những tác động tiêu cực đối với thị trường viễn thông.

Về chính sách, Bộ trưởng TT&TT đã ban hành quyết định số 1178/QĐ-BTTTT phê duyệt Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam và thành lập Ban Chỉ đạo Đề án MNP để chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị có liên quan trong việc triển khai; ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BTTTT quy định về việc chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số. Đây là một hành lang pháp lý cơ bản để điều chỉnh một dịch vụ mới tại Việt Nam.

Về triển khai thực tế, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp đã đầu tư để thiết lập, nâng cấp hệ thống thiết bị đảm bảo đáp ứng được việc cung cấp dịch vụ. Sau khi quá trình này hoàn tất, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp di động đã thực hiện quá trình thử nghiệm tải thật trên toàn hệ thống MNP, kiểm tra chất lượng cuộc gọi đến tập thuê bao thử nghiệm chuyển mạng, đảm bảo các nội dung đạt chuẩn của bài kiểm tra.

Bên cạnh đó, chủ trì tổ chức nhiều buổi làm việc để doanh nghiệp di động đàm phán và thống nhất các nội dung liên quan đến qui trình chuyền mạng, đối soát... làm sở cứ để các doanh nghiệp di động ký kết hợp đồng hợp tác song phương cung cấp dịch vụ chuyển mạng.

Cục Viễn thông đã có các văn bản hướng dẫn các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hiện đang cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng khi dịch vụ được triển khai để đảm bảo việc tiếp tục cung cấp các dịch vụ này cho thuê bao chuyển mạng (nếu thuê bao có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại Nhà mạng chuyển đến).

Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, doanh nghiệp viễn thông, thuê bao di động và đáp ứng mục tiêu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Ông có thể nói rõ hơn về các lợi ích này?

Dịch vụ chuyển mạng được triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, doanh nghiệp viễn thông, thuê bao di động và cho cả cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với thuê bao di động: Đem lại khả năng lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình trong khi vẫn giữ được số điện thoại, xóa bỏ rào cản phải thay số điện thoại mới, gây rắc rối trong công việc và sinh hoạt của thuê bao di động.

Đối với doanh nghiệp viễn thông: doanh nghiệp có thêm động lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, cách thức chăm sóc khách hàng, năng lực cạnh tranh, phát triển các dịch vụ mới nhằm thu hút thuê bao trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa.

Đối với thị trường viễn thông: Tạo ra xu hướng cá thể hóa số điện thoại qua đó góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ ứng dụng viễn thông, giá trị gia tăng đi kèm.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước: việc triển khai MNP giúp cơ quan quản lý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ, thúc đẩy thị trường cạnh tranh và có thêm nguồn số liệu thống kê để đánh giá về chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

ong_nha__cuc_vien_thong

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT)

Người dùng cần cân nhắc nhu cầu để lựa chọn nhà mạng

Vậy người dùng có cần lưu ý gì về việc sử dụng dịch vụ sau khi chuyển mạng giữ nguyên số hay không, thưa ông?

Khi đăng ký dịch vụ chuyển mạng,thuê bao cần kiểm tra lại thông tin thuê bao và phải đảm bảo thông tin chính xác trước khi đăng ký dịch vụ chuyển mạng.

Đặc biệt, cân nhắc và lựa chọn các điều kiện cung cấp dịch vụ của nhà mạng chuyển đến để đáp ứng nhu cầu sử dụng của mình vì nếu không cần nhắc kỹ thì khi chuyển sang nhà mạng mới các dịch vụ giá trị gia tăng sẽ phải đăng ký lại và nếu muốn chuyển tiếp đến một nhà mạng mới hoặc chuyển về nhà mạng cũ thuê bao phải chờ 90 ngày mới tiếp tục có thể đăng ký chuyển mạng.

Thuê bao kiểm tra thật kỹ các điều khoản sử dụng dịch vụ chuyển mạng trước khi đăng ký để đảm bảo đủ điều kiện chuyển mạng, thuê bao có thể đến các điểm giao dịch của nhà mạng để yêu cầu nhân viên cung cấp thông tin.

Các Giấy tờ cần chuẩn bị để đăng ký dịch vụ chuyển mạng đối với thuê bao cá nhân: Giấy tờ tùy thân của cá nhân đề nghị chuyển mạng và Hợp đồng với Doanh nghiệp chuyển đi (nếu là trả sau)

Đối với thuê bao là tổ chức cần Giấy giới thiệu (hoặc Giấy ủy quyền) của người đại diện theo pháp luật của tổ chức đề nghị đăng ký dịch vụ chuyển mạng; Giấy tờ tùy thân của người được ủy quyền; Giấy chứng nhận pháp nhân của tổ chức; Danh sách số điện thoại thuộc tổ chức đăng ký dịch vụ chuyển mạng; Hợp đồng với Doanh nghiệp chuyển đi

Khi đăng ký dịch vụ chuyển mạng, thuê bao sẽ nhận được 1 SIM trắng từ Mạng chuyển đến, SIM này sẽ được dùng để thay thế SIM đang sử dụng khi hệ thống thực hiện mở dịch vụ tại Mạng chuyển đến.

Thuê bao sẽ thực hiện việc nhắn tin xác nhận đăng ký dịch vụ chuyển mạng và nhận tin nhắn phản hồi từ số 1441, nhận tin nhắn "lịch chuyển mạng" để hạn chế việc gián đoạn dịch vụ trong quá trình chuyển mạng. Ngoài ra thuê bao còn có quyền hủy dịch vụ chuyển mạng trước khi thực hiện cắt dịch vụ tại Mạng chuyển đi theo "lịch chuyển mạng"      

Thuê bao trả sau có khoảng thời gian để thanh lý hợp đồng và thực hiện các nghĩa vụ các với Mạng chuyển đi kể từ thời điểm kích hoạt dịch vụ tại Mạng chuyển đến. Sau khi thanh lý hợp đồng, thuê bao giao kết hợp đồng mới với Mạng chuyển đến. Trường hợp quá thời gian quy định mà thuê bao chưa hoàn tất việc thanh lý hợp đồng với Mạng chuyển đi thì thuê bao đó sẽ được trả về Mạng chuyển đi.

Khi áp dụng dịch vụ này, phía cơ quan quản lý và các nhà mạng có gặp khó khăn, thách thức gì không, thưa ông? Để triển khai thuận lợi, các bên như người dùng, nhà mạng và cơ quan quản lý cần có sự phối hợp như thế nào?

Khó khăn thứ nhất là do đặc tính kết nối của mạng viễn thông nên khi triển khai dịch vụ MNP thì các mạng viễn thông khác cũng có sự tác động nhất định trong việc định tuyến cuộc gọi - nhắn tin đến các thuê bao chuyển mạng như: Mạng điện thoại cố định,... do đó việc đảm bảo thông tin liên lạc đến các thuê bao chuyển mạng cần thiết phải có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sở hữu mạng viễn thông nêu trên với các doanh nghiệp di động. Vì vậy, Cục Viễn thông đã đứng ra chủ trì, hướng dẫn các bên đàm phán để thông tin liên lạc đến các thuê bao chuyển mạng được suy trì trạng thái thông suốt.

Thứ hai, việc cung cấp các dịch vụ ứng dụng viễn thông, dịch vụ GTGT đến các thuê bao chuyển mạng. Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, Thông tư 35/2017/TT-BTTTT quy định việc chuyển mạng không bao gồm việc chuyển các dịch vụ đang cung cấp cho thuê bao đi kèm, ngoại trừ dịch vụ thoại và nhắn tin. Do đó, để tiếp tục cung cấp dịch vụ cho thuê bao chuyển mạng khi thuê bao đó đăng ký tại Mạng chuyển đến thì cũng cần có phương án kỹ thuật, kinh tế giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, dịch vụ giá trị gia tăng với các doanh nghiệp di động. Về vấn đề này, Cục Viễn thông cũng đã có các văn bản hướng dẫn và chủ trì các cuộc họp đa phương để các bên đàm phán và đưa ra phương án giải quyết phù hợp.

Thứ ba, bản thân dịch vụ chuyển mạng được cung cấp dựa trên sự phối hợp giữa các doanh nghiệp di động về nhiều mặt cả về kỹ thuật và kinh tế. Do đó, để triển khai đồng bộ trên tất cả các mạng di động thì các bên phải thống nhất rất nhiều nội dung như: điều kiện sử dụng dịch vụ, bộ đếm thời gian chuyển mạng, quy trình hậu kiểm đối với thuê bao trả sau... Để đi đến thống nhất các nội dung nêu trên, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp đã trải qua rất nhiều buổi làm việc để cân nhắc, cùng các doanh nghiệp xem xét nhằm đảm bảo lợi ích của các bên tham gia cung cấp dịch vụ và thuê bao di động.

Thứ tư, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết bị cũng như phần mềm MNP của các doanh nghiệp và Cục Viễn thông đều do các đơn vị chủ động triển khai nên có nhiều điểm chưa được đồng bộ nên dẫn đến việc xây dựng Quy trình nghiệp vụ chuyển mạng chuyển mạng cũng gặp không ít những khó khăn. Tuy nhiên, đến nay bộ Quy trình này cũng đã được Cục Viễn thông thay mặt các doanh nghiệp ban hành trên cơ sở đồng thuận của tất cả các nhà mạng, kể cả các doanh nghiệp chưa triển khai cung cấp dịch vụ MNP.

Qua ngày đầu triển khai dịch vụ đã có 266 thuê bao ở cả 3 mạng đăng ký chuyển sang mạng khác, cụ thể viettel có 63 thuê bao đăng ký chuyển đi, và 113 thuê bao đăng ký chuyển đến. Mobifone có 83 thuê bao đăng ký chuyển đi và đến là 77, vinaphone có 120 thuê bao đăng ký chuyển đi và 78 thuê bao đăng ký chuyển đến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.