Một thuở nghèo khó nơi "sơn cùng, cốc thẳm"
Từ trung tâm TP Hạ Long (Quảng Ninh) qua cầu Tình Yêu rồi theo con đường 342 mới mở chừng gần 50 cây số với gần một giờ đi ô tô, là đến trung tâm Khe Phương, xã Kỳ Thượng.
Gần 9h sáng, anh Bàn Văn Vy, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Phương đang tất bật với việc xây sửa, mở rộng khu du lịch nghỉ dưỡng của gia đình.
"Mấy hôm nay thời tiết mưa nhiều, sương mù dày khiến đường vào khó đi hơn. Nhưng lượng khách đặt phòng, đặt ăn vẫn rất đông. Sáng nay, sau khi bố trí thực đơn cho đoàn khách mấy chục người, em tranh thủ thu dọn vật liệu đang phục vụ xây nhà gọn vào đề mưa không cuốn trôi", anh Vy nói.
Ngồi trong căn nhà rộng rãi bằng gỗ, lợp mái cọ, Trưởng thôn Khe Phương nhớ lại, Kỳ Thượng vốn là xã xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Còn Khe Phương lại là thôn khó khăn nhất của Kỳ Thượng.
Gọi là thôn cho sang, nhưng Khe Phương lúc thành lập cũng chỉ lèo tèo hơn hai chục nóc nhà, cuộc sống nhà nào cũng thiếu trước, hụt sau. Hầu hết các hộ phải sinh sống trong nhà tạm bợ, chuồng trại chăn nuôi làm cạnh nơi ăn, ở rất mất vệ sinh môi trường...
Cái khó nhất đối với Khe Phương là giao thông cách trở. Con đường từ trung tâm xã Kỳ Thượng vào thôn dài gần 10km chỉ là đường đất nhỏ, hẹp lại vắt qua nhiều núi cao, vực sâu.
Đường sá như vậy, nên sản phẩm nông, lâm nghiệp bà con làm ra không tiêu thụ được, nhà có người bệnh phải băng rừng, vượt suối ra trạm y tế xã.
Đường đến trường gian nan, lại hay bị đứt đoạn vì mưa lũ nên nhiều nhà cho con sớm nghỉ học đi làm nương rẫy. Hầu hết những vị cao niên ở thôn đều chỉ biết ký tên, không ai viết nổi một tờ đơn.
"Đường đi khó khăn, có đận, ngày nghỉ, một hộ dân trong thôn mời đại diện lãnh đạo xã đến ăn cỗ. Gần 10h, anh lãnh đạo xã chở theo cậu con trai đi xe máy vào ăn cỗ, giữa đường thì gặp trời mưa lớn.
Đường đất lầy lội, khiến anh cán bộ xã ngã xe mấy lần. Khi vào được đến nơi, tiệc đã tàn từ lâu. Nhìn bố con anh cán bộ xã bùn đất lấm lem, vừa thương vừa buồn cười", anh Vy nhớ lại.
Rừng hoang thành điểm du lịch hút khách chốn đại ngàn
Đứng trên sườn đồi, chỉ vào những ruộng lúa chín vàng nơi có nhiều du khách đang say sưa chụp ảnh và những căn nhà mái Thái của người dân mới xây dựng, anh Vy tự hào khoe: Chỉ trong một thời gian ngắn, Khe Phương như "lột xác" với đời sống no đủ, hàng chục hộ xây dựng được nhà mới trị giá hàng tỷ đồng.
Theo anh Vy, góp phần lớn vào sự đổi thay của Khe Phương chính là nhờ những tuyến đường kết nối.
Điển hình là con đường từ trung tâm xã Kỳ Thượng vào thôn dài gần 10km được triển khai từ cuối tháng 4/2018, hoàn thành vào cuối tháng 1/2020 với số vốn gần 40 tỷ đồng từ ngân sách huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long). Dự án được bà con Khe Phương ủng hộ nhiệt tình, nhiều hộ sẵn sàng hiến hàng ngàn mét vuông đất.
"Trước đây, gỗ keo thu hoạch chỉ bán được 20-30 triệu đồng/ha, nhưng giờ giao thông thuận tiện có thể lên tới 150 triệu đồng/ha", anh Vy khoe.
Và rồi, nhận thấy, khí hậu của địa phương mát mẻ, quanh năm mây mù bao phủ lại có hệ thống rừng tự nhiên đại ngàn với những con suối trong vắt, cá tôm từng đàn bơi lội là cơ hội lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm... những thanh niên trẻ ở Khe Phương mà đứng đầu là Bàn Văn Vy đã nhanh chóng nhập cuộc.
Nghĩ là làm, vài năm trước, Bàn Văn Vy và 5 người bạn khác trong thôn đã mạnh dạn vay mượn trên 15 tỷ đồng để làm mô hình nhà sàn lưu trú cộng đồng được thiết kế theo văn hóa người Dao, dựng ngay trên mảnh đất của gia đình anh Vy lấy tên là Am Váp Farm Khe Phương.
Mô hình được thiết kế rất độc đáo gồm khu nhà nghỉ, nhà tắm lá thuốc người Dao, khu ăn uống... Đặc biệt, tại đây còn được thiết kế một khoảng sân rộng để tổ chức đốt lửa trại liên hoan có sức chứa được cả trăm người tham gia...
Cùng với xây dựng khu ăn nghỉ, lưu trú, những chàng trai trẻ người Dao ở Khe Phương đã tận dụng những đoạn suối nhỏ để thiết kế khu vực cho du khách chèo thuyền, ngắm cảnh.
Đặc biệt, nhằm quảng bá và lưu giữ nét văn hóa thờ cúng tổ tiên truyền thống của cha, ông, Bàn Văn Vỹ đã bàn với trưởng tộc của mình giữ nguyên căn nhà tổ để du khách đến chụp ảnh lưu niệm...
Bà Triệu Thị Năm, gần 70 tuổi, người cai quản nhà tổ của họ Bàn, phấn khởi khoe: "Từ khi mô hình du lịch mở ra, khách đến thăm nhà, chụp ảnh ngày càng đông. Tuy không thu phí, nhưng nhiều khách vẫn cho chủ nhà ít tiền ăn quà. Nhiều đoàn khách Tây đến lắm, thấy họ ngắm nghía, trầm trồ những vật dụng trong nhà tổ của mình tỏ vẻ thích thú, tôi thấy vui lắm", bà Năm khoe.
Theo anh Bàn Văn Vy, Am Váp Farm hiện đang tạo công việc toàn thời gian cho 6 lao động với mức lương từ 7-8 triệu đồng/người/tháng, tất cả đều được đóng bảo hiểm.
Ngoài ra, vào mùa cao điểm du lịch như mùa hè, anh Vy cũng thuê người dân trong thôn làm việc bán thời gian, làm thời vụ với mức lương 300-400 nghìn đồng/ngày. Những hộ gia đình tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng cũng được anh Vy và các cộng sự sẵn sàng hỗ trợ thiết kế, hỗ trợ vốn...
Khe Phương hiện có 45 hộ dân, 186 nhân khẩu, 100% là đồng bào Dao Thanh Phán. Do chuyển đổi nhanh chóng sang mô hình dịch vụ, du lịch, hiện ở thôn đã có 4 hộ mua được ô tô con, 6 hộ có xe vận tải và số hộ giàu lên tới trên 50%.
"Hiện, tuyến tỉnh lộ 342 từ trung tâm TP Hạ Long lên Kỳ Thượng qua huyện Ba Chẽ và sang tỉnh Lạng Sơn đang được thi công. Dự kiến, tuyến tỉnh lộ 343 từ trung tâm xã qua Khe Phương sang huyện Ba Chẽ sắp được thi công. Đây là thời cơ để bà con ở Khe Phương vươn phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương mình", anh Vy tin tưởng.
Theo anh Vy, địa phương đang phối hợp để kết nối đưa khách du lịch tàu biển từ trung tâm TP Hạ Long đến với Khe Phương.
Tới đây, khi các tuyến giao thông được hoàn thành, những mô hình du lịch trải nghiệm mới được khám phá, hình thành thêm và các tour du lịch kết nối đưa khách từ biển lên rừng thành công, chắc chắn sẽ là "công viên rừng", là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
"Và khi ấy, Khe Phương sẽ là vùng đất giàu có", anh Vy kỳ vọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận