Bình luận

Chuyện những chiếc áo đấu

25/01/2021, 16:47

Xung quanh những chiếc áo đấu của đội tuyển Việt Nam hay các CLB V-League là một câu chuyện buồn.

img

Mẫu áo đấu của đội tuyển nam Việt Nam năm 2021. Ảnh: Hoài Thu

Đầu tuần trước, nhãn hàng thời trang thể thao tới từ Thái Lan Grand Sport đã ra mắt mẫu áo đấu năm 2021 của các đội tuyển Việt Nam. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Grand Sport đồng hành cùng các đội tuyển Việt Nam và cũng là lần thứ 6 họ công bố mẫu trang phục mới.

Sẽ không có nhiều điều để nói về sự kiện này nếu đại đa số ý kiến đánh giá đều cho rằng mức giá 845 nghìn đồng cho một sản phẩm áo thi đấu của đội tuyển Việt Nam là hơi đắt.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bày tỏ sự thông cảm với Grand Sport bởi dù đã tài trợ trang phục cho tuyển Việt Nam gần 1 thập kỷ nhưng sự phát triển của hãng thời trang này tại Việt Nam khá hạn chế.

Tính ra, Grand Sport chỉ có hai cửa hàng chính thức tại Việt Nam (không kể các đại lý phân phối). Tổng sản phẩm bán ra theo năm tuy chưa bao giờ được công bố nhưng con số chắc chắn không lớn.

Dựa vào đâu để người viết đánh giá chủ quan như vậy? Hãy nhìn các khán đài sân Mỹ Đình mỗi lần đội tuyển thi đấu, liệu có bao nhiêu người khoác trên mình chiếc áo chính hãng? Người hâm mộ Việt Nam vốn tự hào rằng mình yêu bóng đá, yêu đội tuyển nhưng không nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua một chiếc áo đội tuyển chính hãng.

Tình yêu nghe thì mơ hồ vậy thôi nhưng nó cũng nhỏ nhắn, thực tế có lẽ vừa đúng bằng chiếc áo đấu. Nói thế không đồng nghĩa không mua áo đấu là không yêu đội tuyển nhưng hành động nhỏ sẽ giúp hình ảnh đoàn quân áo đỏ trở nên lung linh hơn, chuyên nghiệp hơn.

Tôi có biết một nhãn hàng thể thao khác do một doanh nhân Việt Nam sáng lập. Nhãn hàng này tài trợ áo thi đấu cho ba đội bóng tại V-League nhưng lạ một điều là họ không bán áo đấu.

Hỏi ra mới hay, dù giá thành rất rẻ nhưng nhãn hàng trên không thể đua với hàng tá áo nhái trên thị trường cùng giá trị thấp hơn rất nhiều. Người sáng lập nhãn hàng trên vì thế vẫn thường nói đùa rằng “Tôi tài trợ áo để rửa tiền”.

Nhưng rồi mới đây, vị doanh nhân vừa đề cập quyết định tạo ra những sản phẩm chuyên nghiệp, trang trọng để phục vụ nhu cầu người hâm mộ ba đội bóng V-League kia. Tín hiệu bước đầu khả quan nhưng hiệu ứng chưa thực sự mạnh mẽ.

Thế đấy, câu chuyện những chiếc áo đấu tại Việt Nam khiến chúng ta không thể nghĩ rằng nền bóng đá này đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Sự chuyên nghiệp trong việc thể hiện tình yêu bóng đá vẫn là thứ gì đó xa xỉ với người hâm mộ nơi đây.

Ngay cả việc bán áo đấu còn không thể thì đến bao giờ các CLB mới tự nuôi sống được mình? Đến bao giờ đội tuyển Việt Nam mới trở thành cục nam châm hút chặt những nhãn hàng tài trợ?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.