Xã hội

Chuyện những người “đếm mưa, đo nước”

14/12/2020, 07:01

Mỗi khi bão lũ tràn về, cán bộ Trạm Thủy văn Sơn Diệm (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) lại lao ra sông “đếm mưa, đo nước”.

img

Chị Lê Thị Hà trạm trưởng Trạm Thủy văn Sơn Diệm kể lại trận lũ lịch sử năm 2002

Thầm lặng cống hiến

Chia sẻ với PV, chị Lê Thị Hà, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Sơn Diệm tếu táo: “Trạm hiện có 4 người, 2 nam 2 nữ. Người ở gần nhất là tôi, ngay trên địa bàn xã Quang Diệm, người xa nhất ở Thanh Hóa. Người công tác lâu nhất cũng là tôi - đã 23 năm, người mới nhất cũng đã 11 tháng. Ba người đã có gia đình, còn mỗi o em út Linh Chi đang… ế”.

Nói về công việc, chị Hà cho biết: Người làm thủy văn có một quy tắc bất di bất dịch là 1 - 7 - 13 - 19. Đó chính là thời gian quan trắc trong một ngày của một trạm thủy văn cấp 1 như Sơn Diệm.

Bất kể ngày nào, đúng chính xác các giờ trên, không hơn cũng không kém, các nhân viên của trạm phải thực hiện các quan trắc như: Đo mực nước, nhiệt độ nước, nhiệt độ không khí, lượng mưa, phù sa… Tất cả đều được thực hiện ngoài trời, trên sông nước và bằng các dụng cụ thủ công chuyên biệt.

Đó là những ngày nắng ráo, còn ngày mưa lũ thì công việc của cán bộ thủy văn cực hơn rất nhiều. Cứ một tiếng đồng hồ, thậm chí là 30 phút lại phải ra sông để thực hiện quan trắc một lần.

Ngoài đo đạc, quan trắc, mọi người còn phải ghi, nhập số liệu, tính toán các con số chính xác về tình hình lũ trên sông để nhanh chóng gửi về Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ. Đồng thời, gửi cho Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đóng trên địa bàn để triển khai các phương án phòng, chống lũ kịp thời.

Theo nữ trạm trưởng có 23 năm hành nghề “bắt mạch” ông trời, lúc ra sông quan trắc, các thao tác của quan trắc viên phải thật chính xác nhưng đòi phải thật nhanh.

“Trong tất cả các quan trắc thì khó nhất là đo tốc độ dòng chảy để tính lưu lượng nước. Bình thường thì dưới 15 ngày đo 1 lần, nhưng những ngày mưa lũ thì theo biên độ của mực nước để đo liên tục.

Sông Ngàn Phố có độ dốc lớn, lũ lên nhanh xuống nhanh, nước lũ thường cuốn theo bùn đất, rác, xác cây… nên chèo xuồng giữa sông để quan trắc rất nguy hiểm, có thể đánh đổi cả tính mạng”, chị Hà chia sẻ.

Thêm vào câu chuyện, anh Nguyễn Đình Tuấn, quan trắc viên phù sa cho hay: “Công việc hàng ngày cứ lặp đi lặp lại y chang, nếu không kiên trì thì không thể bám trụ được. Còn tỉ mỉ và quyết đoán là để xác định, bố trí điểm đo phù hợp để cho số liệu chính xác nhất”.

Người ngoài hầu hết đều cho rằng, nghề thủy văn chỉ quan trọng lúc mưa lũ nhưng ít ai biết rằng những số liệu chị Hà, anh Tuấn quan trắc hôm nay được lưu trữ và sử dụng cho tận 20 - 30 năm sau.

Đó là cơ sở khoa học để các cấp chính quyền, ngành chức năng căn cứ, đánh giá trước khi quyết định xây dựng các công trình như hạ tầng, thủy lợi, bố trí các khu dân cư…

Rình rập rủi ro

img

Tính mạng của những cán bộ Trạm Thủy văn Sơn Diệm chỉ được ''treo'' bằng sợi cáp bắc qua sông

Sông Ngàn Phố bắt nguồn từ hàng trăm khe suối nhỏ trên dãy Giăng Màn ở độ cao 700m, vùng biên giới Việt - Lào. Sông có chiều dài 72km, với diện tích lưu vực, hứng nước trên 1.100km2. Những ngày thường, nước sông trong xanh, hiền hòa nhưng ngày lũ lại trở nên đặc biệt hung bạo.

Trong 23 năm trở lại đây, cán bộ Trạm Thủy văn Sơn Diệm đã từng đo được tốc độ dòng chảy của nước lũ qua trạm lên đến 260m/s. Chưa kể, nước sông ngày lũ còn kéo theo vô số đất đá, rác, cây cối…

Vậy mà, con thuyền chở cán bộ trạm ra sông quan trắc chỉ được neo bằng một sợi cáp nhỏ và được chống bằng cây tre già chặt bên kia bãi bồi.

Dù đã 18 năm trôi qua, nhưng trạm trưởng Lê Thị Hà vẫn nhớ như in trận lũ lịch sử ngày 20/9/2002. Nước lũ từ thượng nguồn tràn về ầm ầm như thác đổ, nước tràn qua QL8, ngập gần nửa phòng làm việc.

Những khúc gỗ khổng lồ theo nước lao như những chiếc búa tạ đang chực phá nát trụ sở làm việc. Lúc bấy giờ chưa có gác 2, cán bộ trạm phải căng bạt làm lán trên trần nhà để chuyển toàn bộ hồ sơ, sổ sách lên trên rồi tiếp tục làm việc.

“Cứ 30 phút một lần, tôi cùng 3 anh em chèo thuyền ra sông thực hiện các quan trắc. Giữa dòng nước chảy ầm ầm, hàng ngàn khúc gỗ như từng đàn trâu mộng theo nước lao vào mạn thuyền.

Con thuyền nhỏ bé cứ chòng chành, chống đỡ hết đợt này đến đợt khác, mãi một lúc lâu mới qua được bờ bên kia. Cả nhóm lại nín thở quay về, mới được nửa đường thì một con sóng lớn chồm lên, con thuyền chao đảo, nước vào nửa phần. Tôi chỉ biết hét lên rồi ôm chầm lấy anh Nguyễn Ngọc Trường (đã nghỉ hưu).

Lúc lên bờ mới biết mình còn sống và nghe các anh kể lại lúc đó may sao con thuyền tự cân bằng lại nên mọi người không sao”, chị Hà kể lại.

Bên cạnh nguy hiểm rình rập, cán bộ Trạm Thủy văn Sơn Diệm còn chịu nhiều thiệt thòi. Trừ chị Hà làm dâu ở xã Quang Diệm thì cả 3 người còn lại đều ở nơi khác đến làm việc. Công việc quy định giờ giấc cố định, lặp đi lặp lại hàng ngày nên ngày thường muốn tranh thủ về nhà đã khó, ngày mưa lũ càng khó hơn.

“Vợ mình sinh con hồi tháng 9 năm nay, nhưng riêng tháng 10 đã có 3 cơn bão nên phải trực cả tháng dưới này. Nhiều hôm nhớ con, gọi về nhìn con qua điện thoại một tí, dặn vợ đôi câu lại lao ra sông”, anh Nguyễn Đình Tuấn cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.