Bạn cần biết

Chuyện ông Lương “gàn” nuôi lợn rừng ở... biển

06/12/2017, 07:36

Mô hình “Đưa lợn rừng xuống nuôi ở… biển” của ông Lương “gàn” đang được nhiều người dân trong vùng nhân rộng.

15

Ông Lương ‘’gàn’’ bên đàn lợn rừng của mình

Ông cán bộ nông trường “gàn”

Chiều 18/11, PV Báo Giao thông có mặt tại khu trang trại của ông Trương Tiến Lương (51 tuổi, ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Đập vào mắt chúng tôi là một trang trại rộng hàng nghìn mét vuông, được bố trí bài bản.

Giữa những gò cát trắng, duy chỉ có cây tràm ngập mặn mới “chịu được nhiệt” là hàng trăm con lợn rừng to nhỏ các loại núc ních đi tìm thức ăn. Lợn rừng ở đây được chăn nuôi theo phương thức bán hoang dã. Phần lớn thời gian, lợn đi đào bới tìm kiếm thức ăn dưới đất và các gốc tràm rồi ngủ nghỉ giữa rừng. Ngoài thức ăn tự nhiên, lợn còn được cho ăn thêm những thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, như vỏ đậu, lạc…; đến mùa sinh sản, lợn mẹ cũng làm tổ luôn giữa rừng rồi sinh sản và nuôi con.

"Ở Thạch Hà có nhiều mô hình trang trại nuôi lợn rừng, nhưng đưa lợn rừng xuống gần biển nuôi với số lượng lớn thì chưa ai làm. Với tính chất khí hậu, môi trường khác hoàn toàn với đặc tính thích nghi của lợn rừng, nhưng trang trại của anh Lương đã đem lại những hiệu quả bước đầu rất tốt. Huyện rất đồng tình, ủng hộ sự quyết tâm, sáng tạo của anh Lương. Tuy nhiên, vùng đất này đang nằm trong quy hoạch của mỏ sắt Thạch Khê nên cũng có những khó khăn nhất định trong việc mở rộng quy mô đầu tư của người dân”.

Ông Nguyễn Văn Sáu
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh

Để có được “cơ ngơi” như ngày hôm nay, ông Lương phải mất 4 năm ấp ủ và chịu nhiều “dị nghị” của người dân và bạn bè. Người ta lý giải, nuôi lợn rừng thì nhiều người đã làm và đạt hiệu quả cao, nhưng đưa lợn rừng xuống vùng ven biển ngập mặn để nuôi chưa có ai làm. Đặc biệt, giống lợn rừng mà ông Lương nuôi lại có nguồn gốc từ tỉnh Hải Dương. “Trước khi làm, mình có đem chuyện ra hỏi 10 người bạn duy chỉ 1 người đồng ý. Khi mua lợn rừng ngoài Bắc về nuôi, nhiều người đến xem rồi cười nói “gàn”, “dở hơi. Ngoài bắc khí hậu mát mẻ, ít biến động về quê mình thời tiết khắc nghiệt “chưa nắng đã khô, mưa mãi không thấm”; lại thay đổi thất thường “đang nóng như thiêu như đốt” đùng cái “lạnh cắt da cắt thịt”. Chưa kể, dưới vùng đất đó, chỉ có cát và và rừng tràm ngập mặn thì lấy gì cho lợn ăn mà đòi nuôi thả rông…”, ông Lương nhớ lại.

Khó khăn, áp lực là vậy nhưng đầu năm 2017, ông Lương vẫn quyết định mươn 4ha đất và vay mượn hơn 400 triệu đồng mua 70 con lợn rừng về nuôi. Lý giải quyết định mạo hiểm của mình, ông Lương phân tích: “Từng là cán bộ kỹ thuật nông trường nên tôi có chút ít kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi. Từ năm 2012, tôi thường xuyên mạng tìm hiểu về các loài cây, con hợp với vùng đất cát quê mình. Và loài lợn rừng đã thu hút tôi bởi khả năng kháng bệnh và chất lượng thịt cao”.

Đang được nhân rộng

Dù đã chuẩn bị rất kỹ về kỹ thuật cũng như tinh thần nhưng công việc chăn nuôi của ông Lương cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn thức ăn. “Lợn của mình là lợn sạch, nên thức ăn cũng phải sạch. Ở Hải Dương có nhiều công ty làm bánh đậu xanh nên phụ phẩm từ đậu rất nhiều còn ở Hà Tĩnh thì thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp rất hiếm”, ông Lương chia sẻ.

Thế rồi, ông Lương “gàn” lại lọ mọ chạy xe máy ra huyện Can Lộc, lên huyện miền núi Hương Sơn hỏi mua phụ phẩm từ đậu xanh, lạc về cho lợn. Sự quyết tâm không biết mệt mỏi của ông cán bộ nông trường năm xưa đã được đền đáp. Sau hơn 2 tháng, 4 con lợn mẹ bắt đầu đẻ lứa đầu tiên, trung bình mỗi mẹ đẻ từ 6-10 con/lứa; đàn lợn thịt cũng cứ thế mà lớn dần, khỏe mạnh… xuất chuồng. Với chất lượng thịt cao và sạch, đàn lợn giống, lợn thịt của ông Lương luôn cao hơn giá lợn thị trường nhiều lần. “Đến nay, trại đã xuất 30 con lợn giống với giá 180.000 đồng/kg và 10 con lợn thịt giá 160.000 đồng/kg; 70 con lợn thịt khác cũng được người dân đặt hàng cho dịp Tết 2018”, ông Lương phấn khởi.

Không dừng lại ở lợn rừng, hiện ông Lương vay mượn để đầu tư nuôi gà cỏ ri, bò lai lùn, dê… và trồng thêm các loại cây. Giờ đây, trang trại của ông Lương đã cho nguồn thu ổn định chục triệu đồng mỗi tháng; tạo việc làm 2 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức 7 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Trung Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải phấn khởi: Nhiều năm qua chính quyền đã kêu gọi nhiều người dân và doanh nghiệp về đầu tư cho địa phương. Thế nhưng khi nhìn vào những gò cát và rừng tràm ngập mặn, nhiều doanh nghiệp lớn cũng lắc đầu. Khi ông Lương mượn đất làm trang trại, lãnh đạo địa phương ai cũng lo, vì đưa lợn rừng xuống biển nuôi là điều xưa nay chưa thấy ai làm. Nhưng với những hiệu quả bước đầu, nhiều người dân địa phương cũng có nguyện vọng thuê đất để làm theo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.