Hồ sơ tài liệu

Chuyện phi hành gia dùng độc chiêu mang trộm rượu lên trạm ISS

12/02/2021, 09:00

Không ít phi hành gia đã tìm đủ mọi cách, thậm chí giảm cân cấp tốc để có chỗ nhét đầy những túi rượu trong quần áo, đem theo lên vũ trụ.

img

Bức ảnh ghi dấu ấn lịch sử khi phi hành gia Mỹ, Nga gặp nhau năm 1975. Tuýp nước hai phi hành gia cầm trong tay được cho là rượu vodka, món quà của phi công vũ trụ Nga tặng đồng nghiệp Mỹ. Ảnh: NASA

Tàng trữ và sử dụng rượu, bia là hành vi bị cấm trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS). Với nhiều phi hành gia, nhất là những người đến từ quốc gia “yêu rượu” như Nga, quy định này thực sự là cực hình. Không ít phi hành gia đã tìm đủ mọi cách, từ giấu trong quần áo, thay đổi nhãn mác rượu, bia thành nước hoa quả, thậm chí giảm cân cấp tốc để có chỗ nhét đầy những túi rượu trong quần áo, đem theo lên vũ trụ.

Tại sao cấm sử dụng rượu, bia trên tàu vũ trụ?

Quy định cấm phi hành gia uống rượu, bia, thậm chí sử dụng những sản phẩm có chứa cồn như nước súc miệng, nước diệt khuẩn tay và nước hoa trên trạm ISS được đưa ra cách đây gần nửa thế kỷ. Bởi thành phần chính trong rượu và các sản phẩm này là ethanol - một chất dễ bay hơi, có thể làm hư hại các thiết bị trên trạm vũ trụ.

Người phát ngôn Trung tâm Vũ trụ Johnson thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) Daniel G. Huot cho biết: “ISS kiểm soát việc sử dụng các chất có cồn, những hợp chất dễ bay hơi vì chúng có tác động đến hệ thống nước thải trên trạm”.

Nói cách khác, nước tiểu có chứa cồn sẽ gây hại tới hệ thống tái chế nước thải thành nước uống trên trạm vũ trụ. Ngoài ra, bọt khí trong các thức uống có ga như sâm-panh hay bia có thể khiến phi hành gia khó chịu, đầy hơi, nấc… Vì khi không có lực hút, các chất lỏng, khí trong bụng phi hành gia bị xáo trộn.

Tuy nhiên, ở thời đầu của Kỷ nguyên Vũ trụ, những hạn chế về rượu không quá ngặt nghèo. “Thậm chí, trong những nhiệm vụ khám phá vũ trụ dài ngày, chúng tôi còn được thêm rượu trong khẩu phần ăn”, cựu phi hành gia Alexander Lazutkin từng chia sẻ với hãng tin Interfax. Theo ông, một số bác sĩ còn khuyên phi hành gia dùng một chút rượu cô-nhắc để kích thích hệ miễn dịch và duy trì nhịp làm việc của cơ quan nội tạng.

Sau đó, vì nhiều lý do, trong đó có những nguyên nhân kể trên, các cơ quan vũ trụ trên thế giới bắt đầu cấm sử dụng rượu và các chế phẩm liên quan. Thậm chí Mỹ còn tuyên bố không khoan nhượng với bất cứ hành vi tàng trữ, sử dụng nào nếu bị phát hiện.

Khổ sở giảm cân để giấu rượu

img

Ông Valery Ryimin (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng các đồng nghiệp trong một nhiệm vụ ngoài vũ trụ. Ông là một trong những nhân chứng sống kể lại việc giấu giếm uống rượu ngoài Trái Đất

Nhưng với nhiều phi hành gia, sự thay đổi môi trường khắc nghiệt và những khó khăn trong công việc trên vũ trụ, nhất là thói quen sử dụng rượu lâu năm đã khiến họ không thể chịu đựng.

Phi hành gia Aleksandr Lazutkin chia sẻ: “Cũng giống như bao người trên Trái Đất có ngày cuối tuần, ngày nghỉ, chúng tôi cũng cần được thư giãn nên cho phép mình nhấp vài giọt cô-nhắc”.

Thậm chí, ở những năm 90 của thế kỷ trước, bất chấp lệnh cấm, các phi hành gia còn mở tiệc rượu cô-nhắc trên trạm vũ trụ tầm thấp Mir. Những hình ảnh này được một phi hành gia NASA ghi lại, đăng tải và gây bão dư luận một thời.

Vậy mới có chuyện, nhiều phi hành gia Nga - đất nước nổi tiếng “yêu rượu”, nhất là dòng vodka, đã giấu giếm, nhét rượu cô-nhắc vào bên trong bộ đồ phi hành, cố tình thay nhãn chai rượu thành nước hoa quả. Một phi hành gia còn giấu rượu trong vòng đeo tay của thiết bị chuyên dùng đo huyết áp.

Nhu cầu dùng rượu với lượng vừa phải còn khiến một số phi hành gia ăn kiêng, ép cân cấp tốc trước chuyến bay để có thể nhét rượu trong quần áo mà không vượt quá cân nặng cho phép.

Kể lại câu chuyện ép cân hòng giấu rượu, phi hành gia Igor Volk cho biết, đã cùng một số bạn đồng hành cố giảm cân khoảng 1 tuần trước chuyến bay bằng cách không ăn gì ngoài bánh mỳ và trà, nhờ đó giảm được gần 2kg. “Sau đó, chúng tôi đựng rượu vào trong túi bóng rồi nhét vào bên trong bộ đồ phi hành”, ông Volk chia sẻ.

Volk còn chọn những cuốn sách thật dày, khoét lỗ bên trong, bỏ bìa và nhét những túi rượu cô-nhắc vào giữa.

Một nhà du hành vũ trụ khác của Nga là Valery Ryimin cũng tiết lộ, trước mỗi nhiệm vụ, anh thường đổ vài chai cô-nhắc Armenian vào túi bóng có nẹp, sau đó nhét vào trong bộ đồ phi hành. “Giữa vũ trụ lạnh vắng, chỉ cần uống 1 giọt nhỏ xíu rượu cũng đủ làm cho bản thân cảm thấy bình tâm và giảm bớt căng thẳng. Rượu giúp tôi dễ ngủ và thức dậy tươi tỉnh hơn”, anh Ryimin kể lại trải nghiệm với tờ Russia Beyond.

Những hành vi và tâm lý tương tự cũng được bắt gặp ở nhiều phi hành gia của NASA. Để thỏa mãn nhu cầu có thật và giải tỏa căng thẳng, một vài phi hành gia Mỹ tìm đủ mọi cách để mang “lậu” một vài chai rượu vào vũ trụ.

Thậm chí, có lần, phi hành gia của NASA sẵn sàng làm vài nhấp rượu với những đồng nghiệp người Nga khi tham gia nhiệm vụ chung, bất chấp những mâu thuẫn giữa hai nước ở Trái Đất.

Trong cuốn tự truyện của phi hành gia người Mỹ Wally Schirra, ông hé lộ việc một bạn đồng hành đã lén giấu bao thuốc lá và một chai rượu nhỏ loại Cutty Sark vào trong buồng lái trước khi cất cánh.

Hay như tâm sự của thuyền trưởng Frank Borman trên tàu Apollo 8, một thành viên trong đội cũng lén nhét rượu Brandi mạnh vào suất ăn đêm Giáng sinh trước khi thực hiện nhiệm vụ năm 1968.

Thậm chí, theo quy định của NASA, các phi hành gia không được phép uống rượu trong 12 tiếng trước khi thực hiện nhiệm vụ nhưng báo cáo năm 2007 từ Ủy ban Đánh giá Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Phi hành gia NASA cho thấy, vẫn có nhiều phi hành gia uống quá mức quy định trước chuyến bay. Ủy ban này từng dẫn ra 2 trường hợp phi hành đoàn bị nhiễm độc rượu trước khi bay vào vũ trụ, nhưng sau đó họ vẫn được phép lên đường.

Theo ông Chris Carberry, tác giả cuốn “Rượu trong Vũ trụ”, đôi khi các cơ quan hàng không vũ trụ như Roscosmos của Nga cũng phải “nhắm mắt làm ngơ” khi phát hiện những bịch rượu được mang từ Trái Đất.

“Trong quỹ đạo, con người có thể chịu những cảm xúc không tốt nên nếu trước khi ngủ, họ được uống khoảng ¼ thìa cafe rượu cô-nhắc thì cũng không phải quá xấu và tôi ủng hộ điều đó”, một quan chức Bộ Y tế Nga giấu tên chia sẻ trên tờ Supercluster.

Với NASA có lẽ cũng vậy. “Họ luôn khẳng định không được phép mang rượu lên ISS nhưng là một người đã sống trên ISS tới 5 tháng, tôi có thể khẳng định thực tế không được như thế”, phi hành gia Clayton Anderson nhận định.

Theo cựu phi hành gia của NASA Clayton Anderson, thời điểm trước khi kênh NBC News đăng tải bức hình về cuộc nhậu của các phi hành gia trên tàu Mir năm 1997, NASA đã tìm cách chặn thông tin này nhưng không thành công. Bức ảnh vẫn được công bố cho thấy phi hành gia Lazutkin cùng nhiều đồng nghiệp khác hút rượu đựng trong túi bóng. “Việc NASA giấu giếm có lẽ là sợ dư luận đánh giá hình ảnh phi hành gia uống rượu trên tàu vũ trụ gây nguy hiểm hoặc cho rằng họ ăn chơi, lãng phí tiền thuế của dân”, phi hành gia người Mỹ nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.