Đời sống

Chuyện phó bí thư tổ dân phố người công giáo được Thủ tướng tặng bằng khen

01/05/2019, 14:10

Vượt qua những dị nghị của những người cùng đức tin, ông Liêm bước vào hàng ngũ của Đảng và không ngừng xây dựng Đảng trong cộng đồng công giáo.

img
Ông Nguyễn Văn Liêm đang vớt rêu dưới ao tôm

Xuất thân trong gia đình nghèo khó, không được ăn học đầy đủ như bạn cùng trang lứa, nhưng với tố chất thông minh cộng thêm sự cần cù, chăm chỉ, Phê rô Nguyễn Văn Liêm đã vươn lên làm giàu và giúp người khác làm giàu ngay chính trên quê hương mình. Đặc biệt hơn, vượt qua những dị nghị của những người cùng đức tin, ông bước vào hàng ngũ của Đảng và không ngừng bồi dưỡng, giới thiệu những công dân công giáo ưu tú cho Đảng.

Tuổi thơ dữ dội

Chiều tháng Tư, nắng vàng ươm như dát hàng ngàn lá vàng lấp lánh xuống dòng sông Cày. Dưới khu vực đầm tôm gần cuối bãi bồi, ông Nguyễn Văn Liêm (SN 1952, Phó Bí thư chi bộ tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chủ 6 ao tôm đang cặm cụi vớt những cọng rêu.

Dưới nắng chiều, khuôn mặt ông càng đen sạm làm nổi lên hàm răng trắng tinh tô điểm cho nụ cười hiền hậu. Mời chúng tôi vào căn nhà nhỏ, ông Liêm nói: Lúc cao điểm, đây là nơi ăn uống, sinh hoạt của 5 - 6 công nhân. Hiện các ao đang chờ nước cạn để xử lý nuôi lứa mới nên anh em về nhà cả, chỉ còn lão già này. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, lại có dáng người cao mảnh khảnh, nhưng trông ông Liêm vẫn rất khỏe mạnh.

Mở phanh chiếc cúc áo sát cổ để thưởng thức những làn gió mát mẻ, mang theo vị mặn mòi từ biển thổi vào, ông Liêm kể, ông sinh ra trong 1 gia đình có tới 7 anh chị em ở xóm 12, xã Thạch Thượng (nay là khối 11, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1970, nhà nghèo, là con trai thứ 2 trong gia đình; lại gặp khi bố nằm viện vì bạo bệnh, anh trai đầu đi bộ đội chiến trường nên ông phải nghỉ học khi mới hết lớp 7 (tương đương lớp 9 ngày nay) mặc cho thầy cô đến tận nhà động viên vì tiếc cho một học sinh giỏi.

18 tuổi, ông Liêm đã gánh vác trọng trách thay cha và anh nuôi mẹ cùng 5 em nhỏ. Ngay khi nghỉ học, ông Liêm xin đi biển làm thuê cho người trong làng. Được một năm, ông quyết định sắm thuyền, mua ngư lưới cụ ra đi riêng. Những lúc rảnh rỗi, ông Liêm lại tự mày mò học làm thợ máy. Chính nghề tay trái này đã giúp rất nhiều xã viên có máy để đi biển khi HTX Tân Thượng, xã Thạch Thượng được thành lập.

Với bản tính thông minh, chăm chỉ cộng với vốn kiến thức được học lúc còn ngồi ở ghế nhà trường và ngoài cuộc sống, năm 1984 ông Liêm được mời vào làm thủ quỹ HTX Tân Thượng. Đến năm 1986 ông chuyển sang làm kế toán và đến năm 1989 thì giữ chức vụ Chủ nhiệm HTX Tân Thượng, đại biểu HĐND xã Thạch Thượng.

img
Ông Nguyễn Văn Liêm làm giàu và giúp bà con lối xóm làm giàu trên chính quê hương mình

Làm giàu trên chính quê nghèo

Vốn là vùng lúa, nhưng mỗi độ gặt về, người dân phải thồ đi rất xa để xay xát hoặc phải dùng cối xay tay mới có gạo ăn. Nhận thấy nhu cầu lớn, những năm 1980, ông Liêm quyết định đầu tư 1 máy về đặt trong nhà, kết hợp với chăn nuôi. Đến năm 1991, khi chuyển lên sống ở khối 9, thị trấn Thạch Hà, ông mua thêm 1 máy xay xát nữa, đặt ở xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh, đồng thời tăng đàn vật nuôi.

Năm 1992, xóm Tân Lập (nay là khối 9, thị trấn Thạch Hà) được thành lập. 12 hộ dân đầu tiên, được chính quyền địa phương giao cho 3,3 mẫu đất bãi bồi, hoang hóa. Ngoài phần đất của gia đình, nhiều thửa đất quá xấu, người khác không sản xuất, ông Liêm xin về rồi ngày đêm cuốc đất trồng lúa, làm màu. Nhờ cần cù, chăm chỉ nên kinh tế gia đình ông Liêm ngày càng khấm khá. Uy tín của ông trong cộng đồng khu dân cư và chính quyền địa phương ngày một nâng lên. Để đến năm 2006, cuộc đời ông như chuyển sang một trang mới.

Ấy là khi ông nghe bí thư thị ủy trăn trở: là vùng dọc sông nước, tiềm năng nuôi trồng thủy sản rất lớn nhưng đến nay địa phương chưa có một mô hình nào in đậm dấu ấn. Nghe vậy, ông Liêm quyết định xin nhận 5000m2 đất hoang hóa, bãi bồi dọc sông Cày để nuôi trồng thủy sản. Nhận đất, ông hì hục đào tay thành từng hồ riêng biệt để nuôi tôm sú. Năm đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm, cộng với ao hồ không đạt tiêu chuẩn nên tôm bị chết nhiều. Mặc dù rất quyết tâm nhưng đều thất bại. “Lúc đó cả nhà mình ai cũng lo, nhất là vợ. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được bao năm đều đổ vào con tôm. Riêng mình nghĩ là cán bộ đảng viên, mình không thể thất bại”, ông Liêm cười nói.

Thế rồi, khi người nuôi trồng ở Hà Tĩnh còn chưa biết mặt con tôm thẻ chân trắng thế nào thì ông Liêm đã một mình lặn lội ra Quảng Ninh để tìm hiểu từ các nhà bán giống bên Trung Quốc đưa sang. Nhận thấy, con tôm này có thể sinh lợi ở vùng bãi bồi quê hương mình, ông Liêm quyết định nhập về nuôi trồng. Những năm sau đó, nhờ đầu tư bài bản, lại được ngành nông nghiệp hướng dẫn tiến bộ KHKT vào nuôi trồng nên ông Liêm luôn giành thắng lợi. “Thời điểm cao nhất, 1ha mặt nước thu hoạch được 15 tấn tôm thẻ chân trắng. Trừ chi phí và công người lao động, mỗi vụ lãi cả trên tỷ đồng”, ông Liêm kể.

Phát huy kết quả đạt được, ông Liêm mua lại những đầm tôm của người dân xung quanh và đầu tư lại bài bản thành 6 ao và duy trì đều đặn 2 vụ nuôi/năm. Với quan điểm, “mình làm để ăn, mình làm để người khác học theo”. Đảng viên, giáo dân Nguyễn Văn Liêm đã vận động, giúp đỡ các hộ xung quanh thực hiện phương pháp nuôi tôm bằng hình thức lót bạt và tất cả đều thành công. “Niềm vui lớn nhất của tôi là đã hướng dẫn, chuyển giao kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi tôm cho 22 hộ gia đình và giúp đỡ 9 hộ nghèo phát triển sản xuất thoát nghèo. Ngoài ra, đầm tôm của mình còn tạo công ăn việc làm cho 5 - 6 công nhân với lương từ 4 - 5 triệu/ tháng”, ông Liêm cho biết.

Bên cạnh nuôi tôm, ông Liêm còn mở đại lý cung ứng thức ăn tôm cho các hộ trong vùng. Nhờ hợp tác được với đơn vị sản xuất thức ăn có chất lượng nên tôm phát triển tốt, được các hộ nuôi tín nhiệm sử dụng trong suốt nhiều năm nay. Ngoài ra, ông còn tận dụng mặt bằng sẵn có của gia đình ngay tại nhà mình ở, thành lập một cửa hàng tự chọn, cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thường ngày cho bà con nhân dân trên địa bàn. Ông Liêm bí mật về lãi ròng nhưng vẫn “bật mí” là tổng doanh thu trung bình đạt 4,5 - 5 tỷ đồng mỗi năm.

Trước những thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, năm 2017 ông Liêm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

img
Ông Nguyễn Văn Liêm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen

Không ngừng phát triển đảng viên công giáo

Từ chuyện làm ăn kinh tế, tôi hỏi sang chuyện công tác đảng với vẻ e dè khi biết ông là người công giáo. Trái ngược với sự e ngại của tôi, ông Liêm không một chút đắn đo. “Đến nay mình đã có hơn 20 năm tuổi đảng. Dù từ khi mới bước vào hàng ngũ của đảng hay cho đến bây giờ thì vẫn có người xì xào đã là người công giáo thì đừng vào đảng. Ngược lại, đã vào đảng thì đừng đi nhà thờ. Thế nhưng mình chưa bao giờ hối hận khi đứng vào hàng ngũ của đảng. Mình cảm ơn đảng ủy và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để mình có được như ngày hôm nay”, ông Liêm quả quyết.

Nhấp ngụm trà như để lấy giọng, ông Liêm kể tiếp: Từ ngày nhỏ thấy nhiều cha chú trong giáo xứ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tòng quân đi đánh giặc. Chính anh trai mình cũng đi bộ đội và bị địch bắt đày ra đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Nhiều người sau này được vinh dự đứng trong hàng ngũ của đảng. Chính vì thế, ngay từ thời còn trẻ, chàng trai Phê rô Nguyễn Văn Liêm đã không ngừng phấn đấu, với mong muốn 1 ngày nào đó cũng sẽ vinh dự đứng tuyên thệ dưới lá cờ đảng.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh đã được tổ chức ghi nhận. Năm 1995, ông Liêm được kết nạp đảng viên dự bị và một năm sau (1996), ông chính thức là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. “Lúc mới được kết nạp, cha xứ đến nhà yêu cầu mình ra khỏi đảng. Mình không bằng lòng và hỏi lại cha Các mác và Ăngghen có phải là người công giáo không? Rồi mình phân tích, có rất nhiều công việc của giáo xứ, giáo họ cần phải giải quyết. Đáng ra cha phải động viên những công dân ưu tú công giáo phấn đấu vào đảng để khi có công việc của nhà thờ những đảng viên đi đầu, xắn tay vào làm. Đằng này, cha bắt con bỏ đảng là sao”, ông Liêm kể. Trước những lập luận sắc bén, hợp tình hợp lý cha xứ đã không “ép” được ông Liêm ra khỏi đảng. Ông Liêm khảng khái: “Mình luôn giữ đức tin của người công giáo trong trái tim mình. Nhưng việc mình theo đảng thì không ai có thể thay đổi được”.

Là một đảng viên xuất sắc, luôn được các đảng viên và tổ chức cấp trên tin tưởng. Hơn 10 năm liền, ông Liêm được bầu giữ chức vụ phó bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà. Bên cạnh tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối của đảng và Nhà nước. Phó bí thư Nguyễn Văn Liêm còn không ngừng bồi dưỡng và giới thiệu công dân ưu tú người công giáo vào đảng. Điển hình, mới đây chi bộ tổ dân phố 9 đã kết nạp đảng viên mới Phan Thị Hồng Minh là người công giáo. “Trước đây, ở địa phương đảng viên công giáo nhiều lắm nhưng sau đó họ xin ra hết cả. Hiện tại, cả Đảng bộ thị trấn Thạch Hà chỉ còn 3 Đảng viên người Công giáo. Mình muốn về sinh hoạt ở chi bộ khối 11 (xóm 12, xã Thạch Thượng trước đây) để xây dựng lại công tác đảng của người công giáo ở chính nơi chôn nhau cắt rốn”, ông Liêm trăn trở.

Ông Nguyễn Văn Hợi - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh: “Ông Liêm là người hiền lành, sống chân chất, tình cảm và nuôi dạy con cái thành đạt nên được người dân yêu quý và tổ chức ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, điều trân quý nhất ở ông là từ nghèo khó, ông đã vươn lên làm giàu chính đáng và giúp bà con lối xóm làm giàu ngay trên chính quê hương. Trong công tác đảng, ông Liêm luôn năng, nổ nhiệt tình thực hiện các chủ trương của Đảng ủy cấp trên; luôn có tinh thần xây dựng khối đại đoàn kết trong tổ chức”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.