Những chuyến bay "mắt đỏ"
Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo thường xuyên được lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ chọn đi tháp tùng các chuyến công du nước ngoài.
Vào tháng 9/2023, chỉ một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam và cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác đến Mỹ, sau đó là Brazil. Lịch trình trải dài với nhiều múi giờ, từ bờ Tây sang bờ Đông nước Mỹ, từ bán cầu Bắc xuống bán cầu Nam.
Trong suốt hành trình từ Việt Nam sang Mỹ và Brazil, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đi bằng chuyên cơ với giờ khởi hành hầu hết đều vào ban đêm, đến nơi vào sáng của ngày kế tiếp để kịp dành thời gian cho các hoạt động dày đặc.
Dân hàng không hay những người thường đi máy bay gọi đó là những chuyến bay "mắt đỏ" vì hầu như chẳng thể ngủ được trên máy bay, dù bên ngoài có đang là ban đêm. Có những ngày, chỉ vài tiếng sau khi chuyên cơ đáp là Thủ tướng đã có hoạt động.
Chuyến công tác đó hầu như không có thời gian trống khi các hoạt động diễn ra liên tục từ sáng sớm tới tối muộn. Để tranh thủ tối đa thời gian gặp gỡ nhiều giới nhất có thể, nhiều sự kiện được tổ chức theo hình thức kết hợp ăn sáng làm việc, ăn trưa làm việc, ăn tối làm việc. Dù vậy, tất cả cuộc làm việc đều bảo đảm thực chất nhất và mang lại hiệu quả nhất.
Những người thường xuyên tháp tùng Thủ tướng đã nói rằng, đó là đặc trưng của gần như tất cả các chuyến công du nước ngoài. Dù lịch trình làm việc dày đặc, nhưng ông luôn giữ được năng lượng cao và đưa ra hàng loạt ý kiến, đề nghị với các đối tác trong mỗi cuộc làm việc, dù đó là lĩnh vực gì.
Phóng viên "ba trong một"
Trong đoàn báo chí tháp tùng chạy theo Thủ tướng như hình với bóng, vất vả nhất có lẽ là phóng viên ảnh và quay phim. Vì thông tin có thể khai thác từ nhiều nguồn sau mỗi hoạt động, nhưng không thể thiếu hình ảnh và các thước phim. Phóng viên ảnh và quay phim nhờ vậy cũng có những đặc quyền như: Tiếp cận gần Thủ tướng và lãnh đạo các nước. Họ cũng thường xuyên được bố trí ngồi trong đoàn xe hộ tống để có những hình ảnh đẹp nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn thán phục kỹ năng tường thuật của phóng viên Cổng thông tin Chính phủ và TTXVN. Thủ tướng Phạm Minh Chính thường có thói quen nói vo dù đội ngũ trợ lý đã chuẩn bị sẵn nội dung phát biểu. Thế nhưng, chỉ sau tầm 30-60 phút, phóng viên Cổng thông tin Chính phủ và TTXVN vẫn tường thuật chính xác những thông điệp của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Dù không "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" như nhóm chuyên trách, nhóm báo chí ngoài chuyên trách, trong đó có Tuổi Trẻ, cũng gánh nhiều áp lực mà chúng tôi gọi vui là "thân mình ví xẻ làm ba": Vừa viết bài, vừa chụp ảnh, vừa quay phim các hoạt động dày đặc và liên tục của Thủ tướng.
Đối với những cơ quan báo chí vừa có báo mạng và báo in, áp lực càng lớn hơn vì một phóng viên vừa viết nhanh cho báo mạng, sau đó phải tư duy tìm tòi các góc cạnh và phỏng vấn riêng để tạo sự khác biệt cho báo in. Những lúc đó, sự hỗ trợ từ hậu phương - ban nội dung, tòa soạn - là rất quan trọng, vì nhiều bộ não chắc chắn sẽ làm tốt hơn một bộ não.
Chạy marathon theo Thủ tướng
Hầu như tất cả thành viên đoàn báo chí đều phải chạy marathon… theo Thủ tướng. "Chạy" theo Thủ tướng theo nghĩa đen cũng là một bài học nghiệp vụ vì nếu không sẽ không bao giờ có hình ảnh, thông tin cạnh tranh.
Trong chuyến thăm Mỹ tháng 9/2023, Thủ tướng đã "ngẫu hứng" ghé sang một gian phòng trưng bày các công nghệ mới của doanh nghiệp. Hoạt động này không có trong chương trình ban đầu nên hầu hết phóng viên khác đều đã lên xe, chuẩn bị đến sự kiện kế tiếp.
Chỉ còn phóng viên Tuổi Trẻ và một quay phim thường trú của VTV ở Mỹ ở lại. Vậy là từ phóng viên viết, phóng viên Tuổi Trẻ nhanh chóng được phiên thành phóng viên ảnh "độc quyền", ghi lại những khoảnh khắc của Thủ tướng suốt buổi tham quan.
Những chuyến công du nước ngoài là những chuyến đi cho thấy những nỗ lực làm việc không mệt mỏi của lãnh đạo cấp cao Việt Nam vì mục tiêu mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước, cho người dân. Do đó, cánh phóng viên chúng tôi cũng có thêm động lực góp phần truyền tải những thông tin và kết quả chuyến thăm đến bạn đọc và người dân.
Những câu chuyện hậu trường
Mặc dù bận rộn với công việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn luôn dành sự quan tâm đến đoàn phóng viên tháp tùng và những người khác.
Một lần, trong chuyến công tác Trung Quốc, dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) tháng 9/2023, lúc này đã quá giờ trưa nhưng nhóm phóng viên vẫn có mặt đầy đủ trong phòng Thủ tướng tiếp lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong lúc chờ đại diện một doanh nghiệp đến, Thủ tướng quay sang nhóm phóng viên và ân cần hỏi xem việc ăn uống ra sao. Sự quan tâm của ông đã làm nhiều phóng viên bất ngờ và có thêm năng lượng làm việc.
Một lần khác, ngay trên chuyên cơ khi đang bay từ Melbourne đến thủ đô Canberra của Úc trong chuyến thăm tháng 3/2024, Thủ tướng đã dành những món quà bất ngờ cho các chị em phụ nữ nhân ngày 8/3.
Món quà nhỏ, gồm một thanh chocolate, một tấm thiệp chúc mừng có chữ ký của Thủ tướng và không thể thiếu một nhánh hoa hồng được ông tận tay trao cho các thành viên nữ, từ đầu đến cuối máy bay.
Là thành viên trong đoàn báo chí tháp tùng Thủ tướng nên chuyện đi đứng, ăn mặc cũng được cánh phóng viên chú trọng. Thế nhưng, đôi khi mặc lịch sự, trang trọng thôi là chưa đủ.
Trong chuyến thăm một quốc gia có chế độ quân chủ, một phóng viên suýt không được vào phòng hội đàm để tác nghiệp vì chiếc quần âu không đúng với màu nước chủ nhà quy định. Nghiên cứu kỹ quốc gia sắp đến, các quy định trang phục và cả ẩm thực của họ không bao giờ là thừa với phóng viên.
Tất nhiên, không phải tất cả các sự kiện phóng viên đều được có mặt hoặc tác nghiệp từ đầu đến cuối. Có những sự kiện chúng tôi phải rời đi sớm để đến địa điểm diễn ra hoạt động tiếp theo do đoàn xe báo chí không nằm trong đoàn xe hộ tống. Và chúng tôi cũng cần đến trước để chuẩn bị thiết bị tác nghiệp.
Những lúc chờ "nhân vật chính" đến là thời gian để phóng viên quay thêm các thước phim bối cảnh, dẫn hiện trường để đa dạng loại hình truyền tải thông tin. Thời gian sau sự kiện cũng đem lại nhiều cơ hội cho phóng viên tác nghiệp, đặc biệt tại các hoạt động như tọa đàm, xúc tiến đầu tư hay các cuộc gặp kiều bào, đại diện trí thức.
Đó là lúc có thể lắng nghe những chia sẻ, cảm xúc của họ sau cuộc gặp với Thủ tướng hoặc làm rõ hơn, đi sâu hơn những vấn đề được nêu ra tại cuộc gặp để lan tỏa thông điệp hơn nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận