Chị Ánh và anh Dũng luôn quấn quýt bên nhau |
Năm 21 tuổi, anh Dũng bị TNGT cụt cả đôi chân. Một năm sau, cũng đúng ở tuổi 21, chị Ánh mất một chân sau một vụ TNGT. Rồi số phận đưa đẩy họ đến với nhau, cùng tạo dựng tổ ấm hạnh phúc ngỡ như một giấc mơ.
Hành trình nhọc nhằn trở thành nữ vận động viên
Về xã Cái Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội hỏi thăm từ đầu đê vào nhà anh Dũng - chị Ánh, người dân ai cũng chỉ dẫn tận tình. Câu chuyện về cặp vợ chồng chỉ còn một chân trái vẫn vươn lên sống có ích của anh chị khiến người dân nơi đây rất yêu mến, cảm phục.
Lúc chúng tôi tới, chị Nguyễn Thị Xuân Ánh (SN 1972) vừa từ CLB Thể thao người khuyết tật Khúc Hạo trở về. Thoáng thấy bóng vợ ngoài cửa, anh Nguyễn Tiến Dũng (SN 1971) vội đẩy xe ba bánh ra đón, ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Chống nạng bước xuống khỏi chiếc xe ba bánh, chị Ánh cho hay, dù nắng hay mưa, dù đông hay hè, mỗi ngày chị đều chạy xe trên quãng đường gần 20km để đến câu lạc bộ luyện tập. “Tháng 6 tới, dự kiến tôi sẽ tham gia giải thi đấu marathon trên xe lăn cho người khuyết tật ở Malaysia, nên phải nỗ lực luyện tập”, chị Ánh cho hay.
Nhìn chị Ánh, không ai nghĩ người phụ nữ này đã bước sang tuổi 45, bởi làn da trắng mịn, đôi mắt sáng và nụ cười thật tươi. Trìu mến nhìn chồng, chị bảo: “Chị được như thế này là nhờ anh ấy”. Nhưng anh Dũng thì cương quyết bảo: “Chính cô ấy là người thắp lửa, là động lực để tôi phấn đấu, vươn lên”. |
Vụ TNGT định mệnh đã xô đẩy chị đến với thể thao, lĩnh vực chị hoàn toàn chưa biết ngày còn mạnh khỏe. Học hết cấp III, chị Ánh tảo tần buôn bán với mong muốn xây căn nhà khang trang cho bố mẹ. Nhưng ước muốn chưa thành, thì năm 1993, khi 21 tuổi, một sáng sớm đi lấy hàng về bán, chị Ánh bị một xe khách tông phải, cán đứt một chân.
Trải qua nhiều đợt phẫu thuật, điều trị, chị Ánh không bi lụy, gục ngã như nhiều nạn nhân TNGT khác. Tâm niệm “cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra”, chị tìm kiếm thông tin, liên hệ với các đơn vị liên quan đến người khuyết tật để xin tham gia làm người mẫu cho một công ty chuyên sản xuất khuôn chân giả. Nhờ đó, chị tự xin được một chân giả cho mình, xin được một xe lăn ba bánh để di chuyển. Với mong muốn được luyện tập trau dồi sức khỏe, có thể gặp gỡ và chia sẻ với bạn đồng cảnh ngộ, chị tìm đến CLB Thể thao người khuyết tật Khúc Hạo. Và chị “mê” luôn bộ môn marathon trên xe lăn.
“Tập chạy trên xe ba bánh khó lắm. Những ngày đầu ngồi lên xe, chỉ ngồi ra trước một tý, ra sau một tý, chạy nhanh là xe đổ. Xe đang chạy nhanh, vấp phải hòn sỏi cũng đổ do mình không kìm được tay lái, chưa biết cách giữ thăng bằng. Lên dốc rồi thả dốc, mỗi ngày tập đều 40 - 50km, đôi tay về mỏi nhừ, đau nhức, tóe máu. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc nhưng lại tự nhủ mình phải tập, vì danh dự của mình, của đất nước mình, vì miếng cơm manh áo nên lại cố”, chị Ánh tâm sự.
Lôi từ trên gác xuống một túi to đầy huân, huy chương, chị Ánh bảo, đến giờ chị cũng không nhớ mình đoạt được bao nhiêu giải trong nước, quốc tế nữa. “Tôi chỉ nhớ tháng 5/1996, tôi giành giải Nhì toàn quốc môn xe lăn nữ 3km, đó là giải thưởng đầu tiên. Đến tháng 10/1996, tôi giành giải Nhất toàn quốc môn xe lăn nữ 10km. Các năm sau đó, tôi đều về nhất môn xe lăn nữ các cuộc thi trong nước tại Đại hội Thể thao toàn quốc người khuyết tật. Năm 1999, tôi bắt đầu ra nước ngoài, giành được Huy chương Bạc cuộc thi châu Á - Thái Bình Dương môn xe lăn nữ. Riêng năm 2000, tôi đoạt giải Nhất bán marathon xe lăn nữ tại Hàn Quốc, giải Ba cuộc thi Đông Nam Á (tại Malaysia), giải Nhất marathon New York. Năm 2016, tôi đoạt giải Nhì cuộc thi xe lăn nữ quốc tế tại Malaysia…”, chị Ánh nhớ lại.
Sự trùng hợp của số phận
Những giải thưởng liên tiếp đã giúp chị Ánh hoàn thành ước mơ xây ngôi nhà cho bố mẹ. Nhiều người lành lặn đến với chị, nhưng chị luôn cảm thấy e ngại: “Mình lấy người lành lặn liệu họ có thông cảm, yêu thương mình suốt đời”. Rồi một ngày, anh trai chị bỗng nhiên bảo: “Xã dưới có người hoàn cảnh cũng như em, nhưng đang khổ lắm, xe lăn cũng không có mà đi, em xem giúp được gì cho họ thì giúp”. Chị Ánh bèn theo anh trai vào nhà anh Dũng.
Như một sự trùng hợp của số phận, anh Dũng cũng gặp TNGT khi ở tuổi 21. Năm 1992, anh Dũng trong một lần đi lấy hoa quả ở chợ huyện về bán đã bị xe tải tông vào, cán nát đôi chân. Gia cảnh vốn nghèo, lại chỉ có một mẹ một con, nên mẹ anh bán tất cả gia tài, vay mượn khắp nơi mới giữ được mạng sống cho anh, nhưng đôi chân anh đã bị cắt cụt. Suốt hai năm, anh đã đi khắp các bệnh viện điều trị, rồi nỗ lực tập đi bằng hai cánh tay. Đến năm 1994, được hợp tác xã chia cho miếng đất 24m2, mẹ con anh Dũng mới cất được căn nhà tạm để ở. Mẹ anh Dũng do quá thương con, nên sau vụ tai nạn, bà đổ bệnh, sức khỏe ngày càng giảm sút.
“Gia cảnh anh Dũng lúc đấy ngặt nghèo, thấy thương lắm. Anh Dũng hai tay chống lên hai cái ghế gỗ lê từng bước trong nhà. Tôi chẳng biết nói chuyện gì, chỉ động viên hôm nào lên câu lạc bộ, em tìm giúp cái xe cũ cho anh”, chị Ánh nhớ lại.
Từ đó, chị thường nhờ anh trai chở vào thăm, trò chuyện động viên anh Dũng. Anh Dũng cho biết, bản thân anh lúc đó đang bi quan, mặc cảm, nhưng nhờ sự động viên, chia sẻ của chị Ánh, anh trở nên tự tin, yêu đời hơn, không còn nhốt mình trong bốn bức tường chật hẹp. Sau đó, chị Ánh xin được các tổ chức tài trợ cho anh Dũng chiếc xe lăn. Có xe lăn, anh Dũng trở thành người đi thăm chị. Hai người từ sự đồng cảm, quý mến đã yêu nhau lúc nào không hay.
Nhưng khi hai bên gia đình biết anh chị yêu nhau, thì quyết liệt phản đối. Lý do duy nhất là hai người đều khuyết tật, cả hai chỉ còn một chân thì sống thế nào, lấy người khỏe mạnh còn nương tựa được. Bất chấp sự ngăn cản của gia đình, anh chị vẫn ngày càng gắn bó. Từ nhà anh Dũng sang nhà chị Ánh 8km, phải đi qua một con đê cao, trơn, nên nhiều lần anh Dũng té ngã giữa đêm khuya, người trầy xước.
“Thấy anh Dũng cứ lăn xe ba bánh đi gần chục cây số ngày đêm, tôi thưa với bố: “Con lo cho anh Dũng quá, nhà một mẹ một con đi qua đê nhỡ làm sao thì chết, thôi bố để chúng con về với nhau, khổ bọn con chịu được. Bố mẹ tôi đành phải cho cưới. Tôi lại bảo anh Dũng, anh phải cố học một nghề; Sau này, khi em sinh con còn nuôi mẹ, nuôi con. Anh Dũng lập tức đi học nghề điện tử. Một năm sau, đúng mùng 8 Tết năm 2001, anh đem xe ba bánh đến rước tôi về một nhà”, chị Ánh kể.
Hạnh phúc tròn đầy
Chị Ánh vẫn nhớ như in ngày cưới chị về, trong căn nhà xập xệ, tiếng mẹ chồng thở dài khiến tim chị như quặn thắt. “Nhà đã có một người khuyết tật, một bà già đau ốm, giờ lại một người khuyết tật nữa, sống làm sao?”, lời than của bà văng vẳng trong tai chị.
Chị Ánh miệt mài, nỗ lực trở lại đường đua, nhiều lúc như quên đi bản thân mình. Ngay cả khi mang thai bé gái đầu lòng, chị vẫn đang trên đường đua để giành giải bên Mỹ. Những cơn khó thở, nôn ọe do mang thai, chị cứ nghĩ do say xe, thay đổi múi giờ, khí hậu. May mắn, bé gái sinh ra khỏe mạnh, xinh đẹp như nhân đôi niềm hạnh phúc cho gia đình anh chị. Hai năm sau, anh chị tiếp tục chào đón bé trai ra đời, hạnh phúc ngập tràn nhưng lo toan càng thêm gánh nặng.
Trong lúc vợ miệt mài với các giải đấu, anh Dũng ở nhà mở cửa hàng game, nhưng rồi vài năm sau, kinh doanh không hiệu quả, anh mày mò học sửa chữa điện dân dụng. Vẫn không mấy hiệu quả vì ngôi nhà nằm tít trong xóm nhỏ, anh được bạn bè cho vay mượn tiền mua một chiếc xe ba gác, thiết kế dành riêng cho người khuyết tật, chở thuê hàng hóa, vật liệu xây dựng trong thôn, xóm. “Mình khuyết tật không bê vác được, thì chỉ lấy công chở rẻ bằng nửa người ta thôi, lại chấp nhận đi sớm về trễ, nhiều hôm chạy xe từ 3h sáng đến 24h đêm. Vậy nên, lâu dần các mối hàng, người dân biết đến, thương tình, cũng tạo điều kiện cho chở hàng để có thu nhập ổn định nuôi con”, anh Dũng bộc bạch.
Nhờ bàn tay tháo vát của anh, những giải thưởng từ các đợt thi đấu của chị, năm 2008, anh chị bán thêm sào ruộng, cất được ngôi nhà khang trang hơn cho mẹ già và các con ở. Nay con gái đầu đã học lớp 10, con trai học lớp 8, cuộc sống không còn cảnh thiếu đói khi xưa.
Không chỉ thu vén hạnh phúc cho riêng mình, anh Dũng - chị Ánh còn là điểm tựa, nơi tìm đến của nhiều mảnh đời bất hạnh. “Nhiều người tật nguyền sống khép kín, mặc cảm, chán nản được chúng tôi động viên, giới thiệu việc làm, giúp đỡ học nghề đã thành nghề, kiếm sống được. Có một cặp cùng bị khuyết tật ở huyện này, nhờ chúng tôi góp sức đã không chỉ tìm được việc làm, niềm vui sống, mà còn nên duyên vợ chồng”, chị Ánh vui vẻ kể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận