Văn hóa - Giải Trí

Chuyện tình thánh nữ tình ca Việt

01/02/2017, 06:58
image

Lê Uyên Phương thực chất là tên một ban nhạc hai thành viên với Lê Văn Lộc sáng tác và Lâm Phúc Anh hát.

Le Uyen 2

Lê Uyên.

Gọi Lê Uyên là thánh nữ không chỉ vì bà dám chết cho tình yêu mà sau khi sống hết mình với tình yêu, bà có một vài xác tín chúng ta có thể lắng nghe. Mỗi người yêu theo cách riêng. Nhưng trong cái cách để tình yêu sản sinh được tình ca, Lê Uyên Phương là bậc thày.

Chuyện tình đẹp

Chuyện tình Lê Uyên và Phương đẹp trong cả âm nhạc và đời sống đã đi vào huyền thoại. Vì thế, nhiều chi tiết đôi khi được thêu dệt thêm. Trong lần đầu tiên về Hà Nội biểu diễn, tôi đã có dịp nghe chính người trong cuộc trải lòng.

Lê Uyên Phương thực chất là tên một ban nhạc hai thành viên với Lê Văn Lộc sáng tác và Lâm Phúc Anh hát. Nghệ danh ban đầu vốn của riêng Lộc, sau này anh sẻ cho người bạn hát hai chữ Lê Uyên. Trước khi gặp thày giáo Lê Văn Lộc, cô nữ sinh 15 tuổi Lâm Phúc Anh không hề có ý định sẽ trở thành ca sĩ. Khi hai người đã lấy nhau và con đầu lòng được độ ba tháng, họ làm một đêm nhạc và kéo dài thành 19 đêm. Những bản tình ca như: Dạ khúc cho tình nhân, Vũng lầy của chúng ta, Lời gọi chân mây, Tình khúc cho em… đầy nồng nàn và đam mê của tình yêu.

Gia tài Phương để lại gồm hơn 100 bài hát. Trong đó, phần chưa công bố ngoài tập nhạc kể trên còn chùm ca khúc viết từ 1975 đến 1979 tên gọi Con người - một sinh vật nhân tạo.

Lê Uyên chưa có lúc nào hát những bài này vì đang bận viết hồi ký để kịp ra mắt vào đầu năm 2017 và làm phim về chồng. Cuốn hồi ký chưa in đã được một thư viện đặt mua 1 vạn bản.

Suốt 19 đêm đó, Lê Uyên chỉ diện đúng một chiếc áo dài. Do hiệu ứng quá mạnh, quá nhiều nơi mời đi hát, họ khởi nghiệp cầm ca. Lúc đó, Lê Uyên cũng chỉ mới 18 tuổi. Việc sớm có con cũng là một cách để buộc gia đình phải chấp nhận mối tình của hai người.

Không có chuyện hai người chia tay rồi lại tái hợp, Lê Uyên khẳng định: “Không chia tay bao giờ. Tại tôi bị tai nạn đạn bắn vào người 4 năm mới hát lại được. Bốn năm đó nhiều chuyện thêu dệt này kia, nhưng anh không muốn tôi lên tiếng”. Bi kịch xảy ra năm 1985, khi hai người vô tình lạc vào một cuộc đấu súng giữa hai băng xã hội đen.

Lê Uyên dính đạn, nằm mê man 19 ngày tưởng không chết thì cũng liệt. “Đấy là biến cố rất lớn trong đời. Nên anh đã viết một tập nhạc cho biến cố đó. Sẽ có lúc tôi đưa ra để mọi người thấy không hề có chuyện chia tay. Đã tranh đấu gay go vô cùng để đến với nhau thì làm sao lại có chuyện chia tay nhau?!”

Có nhau là sức mạnh lớn lao vô cùng

Le Uyen Phuong 2

Cặp tình nhân Lê Uyên Phương trong những năm 1970Ảnh tư liệu.

Cuộc đời của hai người từ khi sống với nhau, theo Lê Uyên, không giai đoạn nào có nước mắt, chỉ toàn tiếng cười. “Vì có nhau là sức mạnh lớn lao vô cùng. Những người yêu nhau thực sự trong mọi hoàn cảnh, tình yêu là trên hết,” Lê Uyên cho hay. “Qua Mỹ có chút buồn vì anh không sáng tác được. Vì bên đó không lãng mạn, thơ mộng như Đà Lạt”.

Đó là khoảng thời gian Phương cứ việc ngồi còn Lê Uyên mở tiệm may rồi cà phê Lục Huyền Cầm và đi hát để sinh sống. Ai đó nói rằng vợ chồng còn cãi nhau là còn yêu nhau. Riêng Lê Uyên khẳng định chưa từng cãi nhau với chồng. “Vì tôi với anh lúc nào cũng nghĩ mình là tình nhân. Chưa bao giờ nghĩ đây là vợ tôi, chồng tôi. Nghĩa tình nhân hay lắm, lúc nào cũng mới mẻ như ngày đầu. Tôi muốn gì, anh không bao giờ nói không. Cũng như tôi luôn biết anh thích gì và làm theo. Cho nên hạnh phúc lắm”. Đang sống “hai trong một” như vậy, nên khi Phương qua đời vì ung thư năm 1999, Lê Uyên “sập nguồn”. Chị suốt ngày khóc lóc, không thiết đi hát và quyết chí theo chồng.

Hồi 15 tuổi uống thuốc ngủ để dọa bố mẹ là chính thì nay khi chồng ra đi mãi mãi Lê Uyên cũng muốn theo chồng về bên kia thế giới. Lần thứ nhất, chị uống trước khi đi ngủ. Sáng con gái hôn mẹ để đi học, không thấy mẹ nói năng gì, bèn gọi cấp cứu. Lần nhì, rút kinh nghiệm uống sớm hơn. Ai dè nhằm 5h sáng, bà cụ thân sinh bị ngã. Con gái lại kêu mẹ dậy lo cho bà… Biết mẹ trầm cảm, hai con gái luôn ở bên an ủi. Nhưng chị khẳng định “có mười đứa cũng chẳng làm được gì” khi trong đầu mẹ nó coi như đã xong rồi. Lần thứ ba, chọn thời điểm chắc cú rồi thì có cú điện thoại của một cô bạn gọi tới nhưng Lê Uyên cho rằng đó là “lời của anh”.

“Trong tâm tôi, anh Phương vẫn sống”

Năm 2001, Lê Uyên trở lại sân khấu. “Đương nhiên tôi đi hát thật, nhưng vẫn buồn lắm,” chị kể. “Hát để cho mọi người nhớ anh thôi, mê say đắm đuối thì không. Ảnh linh thiêng lắm, thấy vậy mới xui khiến cho người kia tới…”. Đó là Mẫn, nguyên chiến sĩ phi công lái trực thăng. Tuy là hàng xóm với gia đình Lê Uyên Phương nhưng mãi 7 năm sau khi chồng qua đời, Lê Uyên mới tình cờ gặp khi nhận lời rủ của người bạn tới một đại hội của không quân. Tại đây, Lê Uyên và Mẫn được xếp ngồi cùng bàn. Và anh cũng yêu chị ngay từ phút đầu. Một năm sau, Lê Uyên chấp nhận hôn thú. Vợ của Mẫn là bà chánh án hạt Orange chấp nhận hủy bỏ cuộc hôn nhân 23 năm cho chồng đi tìm hạnh phúc mới bên người vợ nói cùng ngôn ngữ. Tất nhiên Lê Uyên cũng phải hỏi ý kiến Phương trước khi tái giá.

Lê Uyên tâm sự: “Trong tâm tôi, anh Phương vẫn sống. Đêm nào tôi cũng thắp nhang cho anh, việc gì tôi cũng hỏi. Ví dụ, em có nên về Việt Nam không (lần đầu tiên ấy) thì anh cũng trả lời cho tôi: Nên về chứ đó là ước nguyện của anh mà… OK, vậy thì về. Bên Mỹ người ta có chửi có mắng, tôi vẫn về. Vì làm theo ý anh. Cuốn hồi ký phải bắt đầu từ đâu, phim phải làm thế nào… anh đều cho tôi gợi ý. Câu trả lời hiện ngay trong đầu tôi, dù trước đó tôi không biết”.

Theo chị, chính Phương đã kêu Mẫn tới để săn sóc chị, giúp chị có thêm sức mạnh, có sự hồ hởi, vui sướng để tiếp tục truyền bá nhạc tình Lê Uyên Phương. Chị càng tin hơn khi Mẫn không nề hà làm mọi việc cho người tiền nhiệm. Và đó cũng là điều kiện để chị chấp nhận kết hôn lần hai. Nhưng chị vẫn khẳng định chỉ coi Phương là chồng, còn Mẫn là “bạn cuối đời”.

Chỉ có một câu nói anh nói “Xin chào cô” khi anh đang ngồi đợi trước cửa nhà tôi ở Đà Lạt là chúng tôi yêu nhau. Tim tôi như muốn rớt ra ngoài. Trong ánh mắt anh, sự dạt dào yêu thương tôi cảm được ngay. Anh không cần nói gì thêm.

Buổi đầu tiên đi cà phê, quán không có từng bàn nhỏ, mà chỉ có dãy bàn ở giữa, băng ghế dài hai bên. Anh đi vào, bắt tay từ đầu băng ghế này đến hết đầu kia rồi mới dắt tôi tới chỗ ngồi. Mà người nào gặp ảnh cũng bắt hai tay hết. Thì tôi thấy, người này ngon lành dữ vậy. Quen hết tất cả mọi người. Tự nhiên mình hãnh diện.

Lúc đầu tiên, tôi nghĩ thầm sao ông này xấu trai quá mà tôi có nhiều người theo, đẹp trai cao lớn lắm. Khi yêu rồi thấy anh cái gì cũng đẹp. Ai cũng thua anh hết, anh là đẹp nhất. Mới nói tình yêu là nơi an toàn nhất để chúng ta sống. Bởi có tình yêu, chúng ta có tất cả. Không có tình yêu, không có gì hết, tiền bạc hay gì cũng thế thôi, đời sống đâu vui. Khi có tình yêu thì vui từng phút một, vui hoài thôi.

Lê Uyên

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.