Thông tin doanh nghiệp

Chuyện trả đồ để quên và thương hiệu taxi ở Gia Lai

22/03/2016, 10:48

Chia sẻ của bà Dương Thị Hằng Nga, quản lý hãng Taxi Sun tại Gia Lai.

Sun Taxi
Hãng Sun Taxi tại Gia Lai giữ một chiếc điện thoại của hành khách bỏ quên trên xe để trả lại cho hành khác. Ảnh: Đoàn Yến

Đầu tháng 3/2016, anh Bùi Quang Diễn (trú tại 349, Lê Thánh Tôn, Tp. Pleiku, Gia Lai) đã đánh rơi một chiếc điện thoại hiệu Sam Sung A5 trên xe của hãng Sun Taxi. Ngay sau đó tổng đài của hãng này đã liên hệ với chủ sở hữu để anh Diễn nhận lại điện thoại. Cũng trong tháng 3, tài xế hãng Sun Taxi sau khi chở nhóm khách từ quán cà phê Classic (đường Phan Đình Phùng) đến khách sạn Sê San (đường Hùng Vương, Tp. Pleiku) thì phát hiện trên ghế sau có một chiếc ví da bên trong có rất nhiều tiền và giấy tờ tuỳ thân của anh Ngô Trí  Vinh (Đà Nẵng). Ngay sau khi phát hiện, tài xế đã điện báo tổng đài báo cáo sự việc hành khách đánh rơi tài sản trên xe. Lúc này trực tổng đài đã xác minh qua cuộc gọi đến và cử tài xế đến tận khách sạn để trả lại cho khách.

Tại đây anh Vinh đã bày tỏ cảm ơn bằng việc rút ra tờ 500 nghìn đồng "bồi dưỡng" cho tài xế, tuy nhiên tài xế kiên quyết từ chối không nhận và nói "đó là trách nhiệm của hãng phải trả lại cho hành khách của công ty"... 

Theo thống kê của hãng Sun Taxi tại Gia Lai, riêng từ đầu năm 2016 đến nay, hãng đã trao lại cho hành khách hơn 40 hiện vật để quên trên xe. Trong đó có nhiều tài sản có giá trị như điện thoại iPphone 6, ví có giấy tờ và tiền mặt… Kể cả chiếc điện thoại “cùi” và những giấy tờ tuỳ thân, hành lý mà khách hàng đánh rơi trên xe. Khi khách hàng để quên nhân viên lái xe phối hợp với tổng đài hoặc qua liên hệ của khách để có hình thức trả lại. 

Việc làm này tuy nhỏ nhưng cũng thể hiện được phần nào trong việc định hình thương hiệu, tạo uy tín và sự hài lòng  đối với hành khách của một hãng Taxi tại địa bàn ở tỉnh Gia Lai. Liên quan đến vấn đề thương hiệu đối với loại hình kinh doanh vận tải Taxi, PV Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với bà Nhan Thị Hằng Nga- Quản lý điều hành công ty Sun Taxi tại Gia Lai. 

Sun Taxi 2
Quản lý hãng Sun Taxi tại Gia Lai bà Nhan Thị Hằng Nga đang nhắc nhở một tài xế chạy quá tốc độ. Ảnh: Đoàn Yến

Từng làm việc với chức danh Phó giám đốc sở Giáo dục tỉnh Gia Lai, Ths Nhan Thị Hằng Nga cho  biết: “Khi nghỉ hưu trở về làm quản lý tại hãng Sun Taxi nên tôi cũng áp dụng một số kinh nghiệm có được.  Đơn cử như hàng tháng tôi thường tổ chức cuộc họp nhằm “tuyên giáo” cho đội ngũ lái xe. Cuộc sống càng hiện đại, đời sống của người dân ngày một lên cao thì mỗi ngành đều phải tạo nên một thương hiệu cho mình. Theo tôi, ngành nghề lái xe cũng cần trau dồi kiến thức xã hội, kỹ năng giao tiếp giữa tài xế và hành khách". 

Bà Nga kể: "Mỗi lái xe mới khi được tuyển dụng vào tôi đều phỏng vấn họ ban đầu bằng những câu hỏi đơn giản như: “Anh có yêu nghề lái xe không?; Anh có biết du khách đến Gia Lai họ muốn đi đâu? Muốn ăn gì, quán nào ngon?... 

"Ngoài ra thông qua việc nói chuyện tôi có thể phán đoán tính cách của những tài xế để có cách “tuyên giáo” một cách hợp lý. Cái quan trọng là tôi muốn cho họ thêm yêu nghề và làm sao đó để có thể giải quyết được các mối quan hệ giữa tài xế và hành khách. Có như thế thì mới có thể giúp hành khách họ luôn nghĩ đến mình.

Bà Nga cũng cho rằng: “Bản thân tôi làm nghề giáo, làm quản lý trong giáo dục nhiều năm nên cái mà tôi truyền cho lái xe chính là niềm yêu nghề như chính tôi yêu nghề giáo vậy. Đại đa số các lái xe vẫn chưa thấy mình yêu nghề. Bởi vì họ chưa thấy hết việc đang giữ sinh mạng cho hành khách và người đi đường nên họ chưa “ngộ” ra. Khách hàng họ nhiều khi không vì giá rẻ mà vì cái sự tận tình chu đáo, cần sự nhã nhặn vì khách hàng là "thượng đế".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.