Xã hội

Chuyển từ "hành chính cai trị" sang kiến tạo, phục vụ thế nào?

08/08/2016, 07:10

Báo Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia Diệp Văn Sơn nguyên Phó vụ trưởng-Bộ Nội vụ về vấn đề này.

6

Chuyên gia Diệp Văn Sơn

Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 xác định là Chính phủ kiến tạo, phục vụ và liêm chính. Hiện, các cơ quan thuộc Chính phủ cũng đang rà soát, sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ. Vậy, Chính phủ khóa mới cần làm gì để chuyển từ nền "hành chính cai trị" sang nền hành chính kiến tạo và phục vụ? Báo Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia Diệp Văn Sơn nguyên Phó vụ trưởng - Bộ Nội vụ về vấn đề này.

Phải cải cách bộ máy, thể chế

Ông Diệp Văn Sơn cho biết: Trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Muốn như vậy, yêu cầu thiết yếu đặt ra phải cải cách bộ máy, thể chế.

Trước hết phải dự báo được sự thay đổi. Theo dự báo có 6 xu hướng thay đổi trong tương lai tác động đến sự điều hành của các Chính phủ đối với nền công vụ. Muốn thực hiện xu thế Chính phủ kiến tạo, để điều hành tốt nền công vụ có nhiều thay đổi, Chính phủ phải thay đổi chức năng. Việc chuyển biến chức năng của Chính phủ và việc cải cách bộ máy Chính phủ là hai mặt không thể tách rời nhau.

6 xu hướng như ông vừa đề cập là những xu hướng nào?

Thứ nhất là hoạt động của các cơ quan Chính phủ như một doanh nghiệp. Khi tách chức năng quản lý của Chính phủ ra khỏi chức năng cung cấp dịch vụ, Chính phủ chỉ còn nhiệm vụ chính là hoạch định chính sách, giám sát, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, khống chế sự bóc lột, điều tiết giải quyết công bằng xã hội... Chức năng cung cấp dịch vụ công chuyển giao cho các thành phần khác tham gia đặt dưới sự giám sát kiểm tra, định hướng của Chính phủ.

"Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực, chúng ta không thiếu hiền tài. Nhưng phải tạo cơ hội bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài, làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai”. Tôi cho rằng, muốn thực hiện tham vọng lớn lao, khó khăn này thì cần có kế hoạch căn cơ, chi tiết khoa học. Cá nhân tôi cũng cảm thấy tin tưởng, ủng hộ và hy vọng”.

Chuyên gia Diệp Văn Sơn

Thứ hai là nhất thể hóa theo chiều ngang. Xu hướng này chống lại xu hướng đang tồn tại hiện nay là hành động riêng rẽ của các Bộ, ngành trong Chính phủ. Trong thực tế, có nhiều việc phải phối hợp nhiều cơ quan của Chính phủ. Hơn nữa, các công việc này ngày càng phức tạp, đụng chạm nhiều lĩnh vực rất khác nhau.

Thứ ba là cải tiến các dịch vụ, hướng dịch vụ vào công dân. Cuộc sống càng cải thiện thì nhu cầu của công dân đòi hỏi phải được cung cấp những dịch vụ tốt nhất. Vì thế, Chính phủ phải luôn luôn cải tiến các dịch vụ và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức cung cấp cạnh tranh về chất lượng dịch vụ theo chiều hướng có lợi cho khách hàng (công dân). Chính phủ phải thiết kế các kênh cung cấp dịch vụ theo quan điểm tạo thuận lợi cho người nhận dịch vụ thay vì dành thuận lợi cho các cơ quan của Chính phủ.

Thứ tư là ủy quyền và phân quyền. Những nhu cầu của xã hội ngày càng đa dạng, phong phú và luôn thay đổi. Vì thế, Chính phủ khó nắm bắt và thường không đáp ứng kịp thời những nhu cầu của người dân. Cho nên, các cấp địa phương chính là cấp xử lý công việc và cung cấp dịch vụ hiệu quả và kịp thời nhất.

Thứ năm là phải luôn luôn thay đổi các quy định theo chiều hướng giải phóng mọi tiềm lực của xã hội; đơn giản hóa các quy định, chú trọng nhiều hơn vào kết quả, khuyến khích mọi thành phần luôn luôn cải tiến nhằm đóng góp năng lực nhiều hơn cho cộng đồng.

Cuối cùng là quan hệ đối tác, hợp tác. Chính phủ của mỗi nước phải đương đầu với những vấn đề lớn lao và không phải là vấn đề của riêng ai, cho nên hợp tác và xu thế đối tác là tất yếu nhằm động viên mọi nguồn lực, phát huy hết mọi thế mạnh của từng khu vực, từng thành phần trong xã hội.

Để hướng tới những điều ông vừa đề cập, việc cải cách bộ máy phải được thực hiện thế nào?

Khi xác định chức năng chính là “cầm lái”, đòi hỏi Chính phủ phải tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt vì không có lý gì bộ phận "cầm lái" nhiều hơn bộ phận "bơi chèo". Tức là theo nguyên tắc “Chính phủ nhỏ - xã hội lớn”.

Lâu nay, công việc này không đạt hiệu quả có nhiều nguyên nhân nhưng nổi cộm nhất là do chúng ta duy trì quá lâu một nền hành chính thiếu kỷ cương, sự chỉ đạo thiếu cương quyết, quyết liệt, thiếu vắng sự giám sát của cộng đồng đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước. Thanh tra công vụ làm việc chưa hiệu quả; Còn thiếu vắng trách nhiệm người đứng đầu và nhất là chưa thật sự chuyển đổi từ “hành chính cai trị” sang “hành chính phục vụ, kiến tạo”.

7

Cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. (Trong ảnh: Người dân tra cứu thông tin tại bộ phận một cửa ở TP Biên Hòa)

Phân định rõ trách nhiệm

Có ý kiến cho rằng, bộ máy hành chính muốn phục vụ dân tốt nhưng lại không đo được phục vụ dân tốt ở mức nào thì không bao giờ đạt được mục tiêu. Từng có đề xuất để người dân chấm điểm cán bộ công chức, quan điểm của ông thế nào?

Lâu nay, việc đánh giá, tổng kết đều thực hiện bằng những công cụ định tính, cảm tính, thiếu định lượng. Chấm điểm cán bộ công chức là một cách định lượng, tuy nhiên chỉ là phần ngọn. Phải chủ động đưa vào các công cụ một cách bài bản như “chế độ cam kết phục vụ nhân dân”. Như ở Anh gọi là Hiến chương công dân… Chế độ cam kết phục vụ nhân dân không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi, nhắc nhở, động viên, thậm chí chỉ thị, mệnh lệnh mà phải thiết kế thành một quy trình, một công nghệ nhiều công đoạn như, cam kết trách nhiệm, cơ chế thực hiện cam kết, bao gồm cơ chế giám sát từ bên ngoài, cơ chế quản lý nội bộ, sự bảo đảm về mặt kỹ thuật, thiết lập và hoàn thiện cơ chế giám sát của xã hội. Việc giám sát, đánh giá cán bộ công chức sẽ dựa vào kết quả đầu ra của việc thực hiện cam kết.

Liên quan đến cải cách bộ máy hành chính, lâu nay có tình trạng rất ít “công chức cắp ô” bị đưa ra khỏi bộ máy, cũng như một số bộ, ngành cứ sau khi được sáp nhập lại phình to ra. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Đó là do tính cục bộ, bản vị. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sau tinh giản biên chế không giảm mà còn tăng đã được chỉ ra, đó là việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Đây cũng là điều mà dư luận lo ngại. Vì muốn phình to cơ quan, tăng sự bề thế, lại có chỗ để đưa con em, người nhà, mối thân quen vào biên chế, người ta đề xuất đủ mọi lý do cần thiết thêm phòng này, ban nọ, bộ phận kia… Từ đó, sinh ra bộ máy cồng kềnh, số lượng vào biên chế ngày càng đông.

Một nguyên nhân nữa, khiến biên chế phình ra không ngừng là do thiết kế mô hình tổ chức không khoa học, thêm bớt cơ quan, bộ máy tùy tiện. Thêm cơ quan, biên chế phải tăng. Thực tế này đã làm phát sinh tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức có cùng chức năng giữa Đảng và Nhà nước, do đó cũng làm cho người hưởng chế độ từ ngân sách ngày càng tăng lên.

Theo ông, trong từng Bộ, ngành hiện nay cần tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ như thế nào để tránh chồng chéo?

Trước mắt phải quán triệt tư tưởng “Chính phủ và bộ máy công quyền nói chung phải thay đổi chức năng”. Từ đấy giảm nội dung quản lý, đặt nền công vụ trước trách nhiệm lớn hơn, đáp ứng tốt hơn và rõ ràng hơn bắt đầu từ những quy định của Chính phủ. Có sự cộng tác nhiều hơn nữa vì các cấp không thể và không nên đơn phương làm mọi việc. Khi giảm nội dung quản lý do giao cho các thành phần khác trong xã hội như các hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội thì chức năng quản lý của các Bộ, ngành ít đi, lại giúp dễ nhận thấy những chức năng chồng chéo để xử lý.

Nền công vụ của ta lâu nay là một nền công vụ khó quy trách nhiệm. Bộ máy hành chính nói riêng và cơ quan Nhà nước nói chung hiện nay còn hạn chế vì có sự chồng chéo, đối lập về thẩm quyền, mối quan hệ phức tạp, ngang dọc chưa có sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan với nhau… Tất cả những yếu tố trên tổng hợp lại đã gây nhiều khó khăn trong việc xác định trách nhiệm thuộc về ai. Do đó, Nhà nước cần phân định trách nhiệm giữa cá nhân, tập thể và cơ quan để việc xác định trách nhiệm được thực hiện công minh, rõ ràng hơn.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.