Đường sắt

Chuyển tuyến, nắn thẳng đoạn đường sắt qua sông Bồ

26/05/2015, 13:29

Việc chuyển tuyến sang cầu Sông Bồ mới đã nắn thẳng đoạn đường sắt qua sông Bồ, tăng tốc độ tàu qua cầu.

Song Bo
Đoàn tàu cuối cùng qua đường sắt Sông Bồ cũ lúc 10h 30 phút sáng nay

10h50 sáng nay (26 /5), Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) thực hiện chuyển tuyến đường sắt sang khai thác trên tuyến cầu đường sắt Sông Bồ mới.

Cầu Sông Bồ cũ bắc qua sông Bồ thuộc thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, có lý trình Km 671 + 400 trên đường sắt Bắc – Nam được xây dựng từ thời Pháp đã được gia cố sửa chữa nhiều lần có kết cấu mố đá hộc xây, trụ bằng bê tông, 3 nhịp dầm dàn thép 3 x 46,5m.

Với việc chuyển tuyến sang cầu Sông Bồ mới này đã nắn thẳng đoạn đường sắt qua sông Bồ, nhờ đó tăng tốc độ tàu thông qua trên cầu. Quan trọng hơn, cầu sông Bồ mới đã xóa được 2 đường ngang giao cắt với đường sắt cũ tại hai đầu phía Bắc và phía Nam nhờ có hai hầm chui trên đường sắt mới, xóa triệt để nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt cho người dân địa phương.

Đồng thời, thiết kế 2 lề bộ hành với chiều rộng mỗi bên 1.5m giúp việc lưu thông của người dân qua sông Bồ được thuận tiện và an toàn.

Cầu sông Bồ mới được xây dựng gồm 3 nhịp dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực giản đơn chiều dài 32m và nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục nhiệt với sơ đồ nhịp là 31,5m + 62m + 31,5m.

SAM_5279
Cẩu đoạn ray cũ ngoài để ghép nối hai đầu đường ray khớp nối vào cầu đường sắt mới

Đây là cây cầu có nhịp bằng bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục đầu tiên trên tuyến đường sắt Bắc - Nam thay vì kết cấu nhịp dầm giàn thép truyền thống của các cầu đường sắt. Đường sắt trên cầu và 2 đầu cầu cũng được áp dụng công nghệ tiên tiến, liên kết với tà vẹt bê tông dự ứng lực đặt trực tiếp với bản bê tông của dầm cầu (không ba lát), giúp cho việc chạy tàu được êm thuận, không xóc lắc.

Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, việc lắp đặt, điểu chỉnh ray liên kết dễ dàng, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn của dự án. Khi thay thế xong cầu mới, tốc độ thiết kế có thể đạt 120km/h cho tầu khách, 80km/h cho tầu hàng góp phần nâng tốc độ, tải trọng đoàn tầu trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam.

SAM_5302
Căn chỉnh vị trí ray và tà vẹt ổn định theo đúng thiết kế

Đơn vị thi công trực tiếp là Xí nghiệp Cầu 17 và Công ty Cổ phần 120 (CIENCO1) xây dựng cầu Sông Bồ mới cách cầu cũ 50m về phía hạ lưu và đoạn đường sắt cải tuyến thay thế cho đường sắt cũ. Sau đó sẽ tiến hành cắt đường sắt cũ, giật đường nối thông với đường sắt mới trong thời gian phong tỏa.

Đến 12h30" trưa nay, việc chuyển tuyến sang khai thác trên cầu mới và tuyến đường sắt mới này đã hoàn thành theo đúng kế hoạch và đón đoàn tàu đầu tiên thông qua vào lúc 14h50".

Cầu Sông Bồ mới được khởi công xây dựng từ tháng 2/2013, rút ngắn tiến độ thi công được 5,5 tháng so với hợp đồng.

Cầu sông Bồ thuộc Dự án Nâng cao An toàn các cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh do Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, có giá trị hợp đồng khoảng 1,34 tỷ Yên.

Ông Vũ Trung Thắng, Phó Giám đốc Dự án của Liên danh MES - DPS - CIENCO 1 cho biết, cái khó khăn nhất khi thi công cầu Sông Bồ là khí hậu khắc nghiệt nắng gay gắt và mưa nhiều ảnh hưởng tiến độ thi công. Để rút ngắn được tiến độ, các đơn vị đã quyết định thay đổi thiết kế kỹ thuật từ móng nông thành móng cọc khoan nhồi tại trụ P4 và P5. Phải tranh thủ thời tiết những ngày nắng ráo để thi công, thay đổi thời gian làm việc phù hợp khí hậu, khi cần thiết anh em phải tăng ca làm đêm.

"Sau khoảng 1 tháng nữa, tàu có thể chạy bình thường trên tuyến với tốc độ khoảng 70km/h. Hiện tại chúng tôi phải tiếp tục đánh giá độ ổn định, căn chỉnh đường và hoàn thiện đường dẫn lên lề bộ hành phía Bắc và Nam" - ông Thắng nói.

Bo
Chuyến tàu đầu tiên qua cầu đường sắt sông Bồ mới an toàn lúc 14h50 phút đúng theo kế hoạch.

Trải qua hơn một trăm năm, đến nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống mố trụ yếu, dầm thép han rỉ xuống cấp, tà vẹt gỗ đã mục... Tốc độ tàu chạy qua đạt thấp, chỉ khoảng 30km/h. Đường hai đầu cầu có bán kính đường cong nhỏ che khuất tầm nhìn. Tại đầu cầu phía Bắc cũ có một đường ngang có người gác và đầu cầu phía Nam có một đường ngang dân sinh tiểm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.