Chính trị

Chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng

03/05/2019, 06:16

Năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bà con nhân dân vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng - nơi ông có nhiều kỷ niệm gắn bó với bà con nơi đây.

img
Cụ Lù Thị Đôi (giữa) chụp ảnh kỷ niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 19/4/2004
trong chuyến thăm Mường Phăng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tháng 4, trái ngược với vùng lòng chảo Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ) nóng như rang bởi những cơn gió Lào thì ở Mường Phăng (huyện Điện Biên), khí hậu vẫn trong lành, mát mẻ. Những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và làn hơi nước kì ảo từ hồ Pá Khoang làm cho vùng đất thiêng này trở nên dịu dàng và thơ mộng ngay giữa thời điểm khắc nghiệt nhất của Tây Bắc.

Chuyện về người dẫn đường cho Đại tướng

QL279 uốn lượn, ẩn mình dưới những tán cây hoa ban trắng, men theo lòng hồ Pá Khoang dẫn lối đưa chúng tôi đến Mường Phăng. Đường lên Mường Phăng giờ đã nhựa hóa, mặt đường rộng rãi, những ngôi nhà sàn mái ngói đỏ nằm san sát nhau hai bên đường.

Đối diện Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ là căn nhà sàn đã được cải tiến thành nhà hàng ăn uống của gia đình cụ Lù Thị Đôi, em gái kết nghĩa với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Cụ Đôi đã mất cách đây 3 năm ở tuổi 103, giờ chỉ còn con cháu của cụ sinh sống tại đây.

Anh Lường Văn Xuyên (SN 1979, cháu nội cụ Đôi) là một trong số ít người biết nói tiếng Kinh của dòng họ. Bởi vậy, để tìm hiểu và ghi chép lại câu chuyện lịch sử của cụ Đôi trong những năm tháng gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở núi rừng Mường Phăng, chúng tôi đều nhờ anh Xuyên phiên dịch thông qua lời kể của bà Lù Thị Thanh (60 tuổi, mẹ của anh Xuyên).

Bà Thanh cho biết, khi tuổi tròn 40, cụ Đôi mới sinh người con thứ ba hơn 1 tháng thì nghe tin bộ đội Việt Minh về giải phóng lòng chảo Điện Biên Phủ, bà mừng lắm vì chồng bà cũng là bộ đội Việt Minh đang chiến đấu ở Yên Bái. Bà tự nhủ phải làm việc gì đó để đánh đuổi quân thù. Bởi vậy, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn quân lên Mường Phăng để xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch, bà xung phong theo giúp bộ đội.

Bà là một trong số ít người may mắn được gặp và dẫn đường cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông mới đến Mường Phăng. Bởi xưa kia, Mường Phăng còn được gọi theo tiếng Thái là “Phiềng Mà Lùng” tức “Chó còn lạc đường”, rừng núi trùng điệp, bản làng heo hút, có nhiều hổ, báo, rắn rết… Những con đường mòn qua núi chỉ ít người dân bản địa nắm rõ, nếu sơ sẩy ắt lạc đường. Bởi vậy, khi bộ đội về với Mường Phăng, phải có người làm tiền tiêu như cụ Đôi.

“Cụ Đôi từng kể lại rằng, đầu năm 1954, cụ được Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình để chuẩn bị xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ và vận động dân ủng hộ lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Hàng ngày, cụ Đôi địu con nhỏ sau lưng dẫn bộ đội băng rừng, lội suối đi tìm địa điểm để đào hầm chỉ huy đi khắp bản làng và lặn lội vào từng nhà ở khắp các xó rừng, góc bản để vận động đồng bào ủng hộ, góp sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch”, bà Thanh kể.

Sau 5 tháng vận động, nhân dân xã Mường Phăng đã ủng hộ cho chiến dịch được 9 tấn lúa và 5 con trâu, trong đó gia đình cụ Đôi còn ủng hộ thêm nhiều trâu, bò, rau xanh. Cụ Đôi còn là người liên lạc trực tiếp, kịp thời đáp ứng những nhu cầu cần thiết của Sở chỉ huy chiến dịch.

“Cụ Đôi kể, muốn mang thực phẩm vào cho Sở chỉ huy, phải lựa thời điểm đêm muộn, tuyệt đối không được thắp đuốc dẫn đường mà phải dò theo ánh đèn đom đóm để địch không phát hiện cơ sở bí mật. Ban ngày, cụ đi đường rừng đến các bản, các xã vận động gom góp thức ăn. Tối về, cụ lại vận động chị em trong bản ngồi đan rổ rá, thúng mủng, coóng khẩu đựng cơm, đan cót cho bộ đội nằm. Mỗi lần đem đồ ăn, thức uống cũng phải chờ có lệnh mới được di chuyển”, bà Thanh cho hay.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Đôi tiếp tục tham gia phong trào dân vận, phụ nữ xã. Cụ vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời về Hà Nội gặp mặt. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên khi được Đại tướng nhận là em gái nuôi và cũng không quên nhắc lại những ký ức về Mường Phăng, về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm bà con nhân dân vùng căn cứ cách mạng. Gặp lại người em gái kết nghĩa, Đại tướng còn dặn dò bà động viên con cháu chăm lo xây dựng Mường Phăng. Đại tướng cùng cụ đã chụp chung bức ảnh kỷ niệm trong tâm trạng bồi hồi, xúc động. Đó là lần cuối cùng bà gặp lại vị tướng huyền thoại.

“Hoa ban” giữa đại ngàn

Trở lại Mường Phăng những ngày tháng 5 lịch sử, nhiều nhà sàn, cửa hàng mọc lên, nhộn nhịp người mua sắm. Chợ Trung tâm xã Mường Phăng đã được nâng cấp khang trang đầy ắp những sản vật núi rừng như quần áo thổ cẩm, mật ong rừng, lợn “cắp nách”, gà “chạy bộ”, các loại rau củ quả, dao, cuốc... Từ đường trục chính thảm nhựa của xã Mường Phăng chạy vào các bản làng đều đã được trải bê tông dài, uốn lượn, thấp thoáng qua những cánh đồng, đồi núi.

Chị Thẳm Thị Hiên, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết, cách đây ít năm, 1.138 hộ với 5.446 nhân khẩu ở Mường Phăng còn phải lo từng bữa cơm, nhiều gia đình còn phải trộn cơm với ngô sắn để ăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Được sự quan tâm của các cấp các ngành, cùng với sự nỗ lực, chung tay phấn đấu của chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc trên địa bàn lao động sản xuất, đến nay, số hộ nghèo của xã chỉ còn 129 hộ, đã giảm xuống còn hơn 10%, người dân đã thoát khỏi nghèo đói.

Hiện nay, Mường Phăng đã trồng được hai vụ lúa/năm; cùng đó là gieo trồng các loại cây hoa màu khác như rong giềng, ngô, cây ăn quả; chăn nuôi hơn 6 nghìn con gia súc, khoảng 35 nghìn con gia cầm. Đặc biệt, Mường Phăng đang xây dựng, mở rộng nhiều mô hình kinh tế như mô hình nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng các loại cây ăn quả như hồng, mắc coọc, mận… để khai thác, phát huy hết tiềm năng sẵn có ở địa bàn. Cơ sở vật chất, giao thông của xã đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, những con đường chính đều được bê tông hóa. Hệ thống trường học phát triển từ cấp mầm non đến THCS. “Hiện, Mường Phăng đã đạt được 19/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới”, chị Hiên vui vẻ.

Bản Che Căn là bản duy nhất có hơn 10 ngôi nhà theo kiến trúc của người Thái đen được tôn tạo, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn… và những lễ hội truyền thống. Hiện bản Che Căn được chính quyền xã Mường Phăng chọn lựa, nhân rộng để phát triển thành bản du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm và thăm quan khi đến với Mường Phăng. Tương lai, các bản khác sẽ được quy hoạch, phát triển theo mô hình này để hoạt động du lịch homestay giúp du khách có những trải nghiệm thú vị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.