70 năm truyền thống ngành GTVT

Chuyện về người tay không phá bom nổ chậm

05/11/2014, 16:53

Trực tiếp tham gia mở đường tiếp viện cho chiến dịch Tây Bắc, ông đã dũng cảm và mưu trí hóa giải những quả bom nổ chậm trên "tọa độ lửa" - ngã ba Cò Nòi bảo đảm giao thông...

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Nguyễn Tiến Thụ (người ngoài cùng bên trái) và đồng đội của ông
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Nguyễn Tiến Thụ (người ngoài cùng bên trái) và đồng đội của ông

Mở đường lên Điện Biên

Đã sang tuổi 80, song những ký ức về những ngày phá bom, mở đường lên Điện Biên trong tâm trí ông Nguyễn Tiến Thụ (Tổ 30, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn vẹn nguyên. Năm 1948, khi đang còn là một cậu bé độ cắp sách đến trường, Nguyễn Tiến Thụ đã gác lại chuyện học hành tham gia các hoạt động của Việt Minh. Hết làm liên lạc cho huyện bộ Tiên Du (Bắc Ninh) rồi lại tham gia đào hầm che giấu cán bộ. Sau khi vượt qua nhiều thử thách, người chiến sỹ trẻ đã được cấp trên tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Đấy là năm 1951, huyện cử ông tham gia đội thanh niên xung phong (TNXP). Ông được cử làm Phân đội phó và tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Sau đó, chàng thanh niên chưa tròn 20 tuổi đã được giao một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng tại chiến dịch Tây Bắc, là cùng 500 chiến sỹ công binh và TNXP khôi phục lại đường 13 lên Điện Biên Phủ. Đây là con đường huyết mạch, mang ý nghĩa chiến lược đưa hàng hóa, vũ khí, lương thực từ hậu phương lên chiến trường Điện Biên Phủ. Nhận mệnh lệnh từ cấp trên: “Bằng mọi cách phải đảm bảo con đường thông suốt”, ông Thụ cùng 500 đồng đội hừng hực khí thế lên đường. Dù biết rằng đấy là một nhiệm vụ vinh quang nhưng những chiến sĩ “lòng đang phơi phới dậy tương lai” ấy không thể hình dung hết sự ác liệt của nơi này.

Do mấy chục năm không có người qua lại nên hàng trăm cây số đường đã bị rừng cây phủ kín. Để khôi phục lại tuyến đường, các chiến sĩ phải vạch rừng, phát quang, đào đắp lại gần như toàn bộ. Giữa rừng sâu, nước độc, những đồng đội của ông Thụ vừa thiếu ăn, bị sốt rét nhưng lại không có thuốc men nên không ít người đã bị bệnh mà chết.

Không những thế, trong lúc làm đường nhiều người còn bị chúa sơn lâm cướp đi sinh mạng. “Có lần đang làm đường, chúng tôi bị cả đoàn cọp tấn công. Lúc ấy vì bất ngờ nên anh em chạy tán loạn. Thế nhưng, nhiều đồng chí chạy không thoát. Đến khi mọi người quay trở lại tìm thì chỉ thấy những vết máu loang trong rừng”, ông Thụ rơm rớm kể.

Không những thế, mỗi lần bị sốt rét, mặt ai nấy đều tím tái hết cả. Thế nhưng ai cũng quyết tâm phải mở bằng được con đường cho kịp phục vụ chiến dịch. Nhiều người ốm nhưng vẫn cố lết ra đường làm cùng anh em. “Lúc ấy ở trong rừng nên anh chị em đều không có giầy dép gì. Do liên tục phải lội suối, đi trong rừng, chỗ nào cũng ẩm ướt nên chân mọi người lở loét hết cả. Tối về ngâm chân vào nước muối để tránh bị nhiễm trùng rồi lấy vải bó chặt lại. Thế nhưng hôm sau, vẫn bàn chân lở loét ấy, tất cả lại phăm phăm lội xuống bùn làm đường. Khi ấy chỉ còn lại tiếng cười đùa, ca hát quên đi nỗi đau trên cơ thể”, ông Thụ nhớ lại.

Ròng rã suốt 8 tháng, cuối cùng con đường cũng được khôi phục và trở thành tuyến huyết mạch chi viện cho tiền tuyến đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ông Nguyễn Tiến Thụ say sưa kể lại những kỷ niệm thời chiến
Ông Nguyễn Tiến Thụ say sưa kể lại những kỷ niệm thời chiến

Hóa giải bom nổ chậm bằng tay không

Tháng 12/1953, ông Thụ nhận nhiệm vụ mới, sang giúp nước bạn Lào mở đường, phục vụ cho chiến dịch thượng Lào. Tại đây, Pháp cũng thả nhiều bom nổ chậm nên ông đã bắt đầu tìm hiểu về cách phá bom.

Năm 1953, theo chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn TNXP được thành lập với mật danh là “Đoàn X-P”. Đoàn quyết định thành lập đội phá bom nổ chậm. Hai đội TNXP (đội 40 và đội 34) lại được điều ra bảo vệ đường 13, 41 phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Thụ được cử làm Đại đội phó Đại đội 404 (thuộc đội 40), phụ trách việc phá bom nổ chậm.

Hai con đường 13, 41 đều gặp nhau ở ngã ba Cò Nòi (Sơn La). Muốn vào Điện Biên Phủ phải qua ngã ba này. Vì thế, địch tìm mọi cách cắt đứt con đường tiếp viện cho chiến trường của Việt Minh. Khi ấy, Đội 40 do ông chỉ huy có nhiệm vụ đảm bảo giao thông ngã ba Cò Nòi và đường ngầm Hát Lót (đều thuộc Sơn La). Tuy nhiên, điểm nóng nhất phải kể đến là ngã ba Cò Nòi.

Đây là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc và là con đường nối thông với Đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc và khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Khi ấy, ông Thụ được giao làm Đại đội phó 404, phụ trách việc phá bom nổ chậm. Do vị trí đặc biệt quan trọng, nên thực dân Pháp tìm mọi cách đánh phá, ngăn chặn, làm cho Việt Minh không thể vận chuyển được xe, pháo, lương thực cho chiến dịch.

Trong suốt hơn 60 năm, ông Thụ thường xuyên trở lại chiến trường xưa để tìm và đưa hài cốt của đồng đội trở về an táng tại quê hương. Tất cả những kỷ vật của cuộc chiến cũng đã được ông tặng lại cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Để ghi nhận công lao và sự đóng góp của ông, ngày 16/10/2014, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi thấy máy bay thả bom, chiến sỹ phá bom phải chú ý vị trí bom rơi để khi máy bay đi khỏi thì xuống phá. Vũ khí chỉ là xẻng, cuốc và thuốn dò bom. Khi tìm thấy ngòi bom, chiến sỹ phá bom đặt bộc phá cho nổ. Tuy nhiên, việc phá bom rất nguy hiểm bởi ngòi nổ của loại bom nổ chậm này được bọc bằng một loại a xít. Quả bom nổ sớm hay muộn phụ thuộc vào liều lượng a xít cộng với nhiệt độ môi trường. Vì rất khó biết trước được bom nổ khi nào nên việc dò tìm và phá bom tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

“Giữa tháng 2/1954, trận chiến Cò Nòi diễn ra ác liệt, địch thả hai quả bom nổ chậm đúng tim đường. Đội chia ra hai tốp tìm phá bom. Khi hai đồng đội của tôi tìm thấy bom ở cách mặt đất 2 m, họ chuẩn bị lấy bộc phá kích nổ quả bom. Tuy nhiên, khi cả hai chưa kịp cho bộc phá vào lỗ, bom đã nổ khiến cả hai hy sinh. Anh em phải đi nhặt từng mảnh thân thể, gói lại và chôn tượng trưng tại sườn đồi cạnh đó”- ông Thụ nhớ lại.

Bản thân ông Thụ cũng bốn lần bị chôn sống khi đang dò tìm bom. “Một lần, khoảng 17h ngày 16/2/1954, khi tôi đang tìm kiếm quả bom thì một tiếng nổ xé tan mặt đất và đất đá đổ ụp xuống. Tôi bị vùi trong lớp đất đá, nếu chậm khoảng 5 giây thì tôi đã chết”, ông Thụ kể.

Chứng kiến những cái chết thương tâm của đồng đội, ông Thụ quyết tâm phải tìm ra nguyên lý hóa giải những quả bom nổ chậm ấy. Một hôm, khi phát hiện ra có một quả bom bươm bướm vừa bị máy bay địch thả xuống, ông quyết định đào hố để phá quả bom này. Ông nhảy xuống hố, loay hoay 5 phút mà không tháo được. Lúc đó ông không nghĩ đến việc quả bom có thể nổ tung bất cứ lúc nào mà chỉ cố gắng làm sao tìm ra nguyên lý để hóa giải quả bom. Ông vặn ngòi nổ theo chiều kim đồng hồ nhưng không được nên ông vặn ngược lại. Ngòi nổ rời ra khỏi quả bom khiến ông sung sướng tột độ. Những ngày sau đó, có ngày ông phá được 50 quả bom bươm bướm. Kể từ ấy, trên khắp chiến trường, loại bom nổ chậm này không còn là nỗi sợ hãi nữa. Với tinh thần chiến đấu anh dũng, ông Nguyễn Tiến Thụ được phong tặng danh hiệu Chiến sỹ xung phong số 1, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng huy hiệu.

Lê Tươi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.