Bạn cần biết

Chuyện về nhà khoa học nữ không thích… Tết

04/02/2018, 07:18

PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa Dược, trường Đại học Y - Dược Huế, là một trong hai nhà khoa học nữ...

15

PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài (ngồi giữa) - người truyền lửa cho bao thế hệ sinh viên tại Đại học Y - Dược Huế

Sở thích khác người

Với chất giọng nhẹ nhàng của người con gái xứ Huế, chị Hoài mở đầu câu chuyện run run như dồn nén nhiều cảm xúc: “Sinh ra trong gia đình nghèo nên con đường mình đi cũng có phần khó khăn, cực khổ, tất cả mọi thứ đều được nuôi dưỡng bằng ước mơ. Khi nghĩ mình làm được thì chắc chắn sẽ tìm được cách để thực hiện ước mơ ấy”.

Với những nỗ lực không ngừng, chị Hoài đã nhận học hàm phó giáo sư khi mới 35 tuổi. Đến nay, chị đã chủ nhiệm 1 đề tài NAFOSTED, 1 đề tài cấp Bộ Y tế, 4 đề tài cấp Bộ GD&ĐT… Trên cương vị nhà giáo, nữ Phó giáo sư Nguyễn Thị Hoài đã hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh, 13 đề tài cao học và truyền lửa cho sinh viên Khoa Dược, ĐH Y - Dược Huế trong hơn 17 năm qua.

"Nếu đã làm khoa học xin hãy toàn tâm, toàn ý, xin hãy đặt đam mê vào nghiên cứu. Khi đó, bạn sẽ tạo dựng được một vòng tròn: Sự đam mê sẽ đem đến sự thành công và sự thành công sẽ khơi dậy nhiều đam mê hơn nữa."

PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài

PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài được Hội đồng khoa học Giải thưởng nghiên cứu khoa học L’Oreal - UNESCO ghi nhận vì tâm huyết tìm ra những sản phẩm ứng dụng làm thuốc từ nguồn dược liệu Y học dân tộc cổ truyền, nghiên cứu phát triển tìm kiếm thuốc mới trong định hướng phát triển sản phẩm giảm cân, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh suy giảm trí nhớ ở người già. GS. Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ: “Những công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Hoài đều có tính ứng dụng thực tiễn cao. Chị cũng là tấm gương sáng về một nhà khoa học trẻ đam mê và dấn thân thực thụ”.

Nói về niềm đam mê của đời mình, chị Hoài hào hứng: “Không giống như những phụ nữ khác thích shoping, làm đẹp… tôi chỉ thích nghiên cứu khoa học. Chỉ với nghiên cứu khoa học mình mới có thật nhiều ý tưởng. Niềm vui sướng mỗi khi nhận được đề tài nghiên cứu mới cũng chính là động lực đốc thúc mình làm cật lực cho ra kết quả. Nhiều đêm say mê ngồi đọc tài liệu tới khi lạnh sống lưng mới biết là trời sáng rồi. Một tháng có 30 ngày, thì cả 30 ngày trên lap (phòng thí nghiệm). Năm nào cũng làm việc tại cơ quan tới ngày 29 Tết, mà tới mùng 3 Tết đã mong ngóng, chờ bảo vệ mở niêm phong để lại được lên lap, tiếp tục những phần việc dở dang”.

Vượt lên bạo bệnh làm việc và cống hiến

Một trong những nghiên cứu nổi bật của PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài chính là nghiên cứu tác dụng cây thuốc của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở miền Trung theo hướng tác dụng chống oxy hóa, diệt tế bào ung thư. Theo đó, chị đã tìm ra được 2 cây dược liệu quý là bù dẻ tía và mán đỉa, có tác dụng ức chế tế bào ung thư và chống oxy hóa tốt. Theo GS. Viện sĩ Châu Văn Minh, kết quả nghiên cứu đã tạo tiền đề cho việc nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến oxy hóa.

Ít tai biết, đằng sau thành công ấy, là cả một quá trình mà nhà khoa học nữ vượt qua cơn bạo bệnh, kiên trì thu thập, phân tích và sàng lọc để chứng minh thành phần khoa học cũng như đặc tính sinh học của cây thuốc quý. “Năm 2005 sinh con đầu lòng thì năm 2007 mình phát hiện bị ung thư tuyến giáp. Lúc nghe tin cảm thấy cả trời đất như sụt ngay dưới chân. Chính những tháng ngày cố gắng nằm trên giường bệnh trải qua 3 ca phẫu thuật, là khi mình thay đổi rất nhiều cách suy nghĩ về cuộc đời. Thời gian sống thật quý báu và mình phải tận dụng từng phút dây trôi qua để làm việc và cống hiến”, chị Hoài kể với đôi mắt sáng ngấn lệ.

Nhớ lại ngày nhận được thông tin có thầy lang là người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, dùng dược liệu chữa ung thư, chị Hoài mừng hơn bắt được vàng, tức tốc khăn gói một mình lên đường. “Ăn ngủ tại bản nhưng không dễ gì để người dân tộc họ tin tưởng và trao cho cây thuốc quý cho mình. Sau cả tuần trời nhờ bộ đội biên phòng và trưởng bản tiếp sức. Cuối cùng, mình cũng thuyết phục được người dân chia sẻ và dẫn đi tìm cây thuốc”, chị Hoài kể.

Mang được cây thuốc về tới phòng thí nghiệm mới chỉ là điểm xuất phát của đề tài nghiên cứu. Từ cây thuốc dân gian tới việc chiết xuất thành dược liệu không hề đơn giản. “70 mẫu chiết xuất tinh chất cuối cùng cũng được gửi về Viện Công nghệ sinh học ngoài Hà Nội thử nghiệm. Hồi hộp chờ đợi từng ngày cho tới khi mở email thông báo kết quả tác dụng dược liệu, mà nước mắt cứ rơi tràn không sao ngăn được. Kết quả cho thấy, tinh chất dược liệu có thể ức chế được 70 tế bào ung thư, đặc biệt không có độc tính, không gây ảnh hưởng đối với tế bào thường”, chị Hoài cho hay. Niềm vui chưa qua thì nỗi trăn trở lại xuất hiện trong chị. “Đời sống đồng bào Pa Cô, Vân Kiều còn nhiều khó khăn. Tôi muốn kết quả nghiên cứu này quay trở về giúp cuộc sống của họ, để họ có thể trồng và sống bằng chính cây dược liệu của mình”, chị Hoài nói.

Khi được hỏi có điều gì nhắn nhủ tới những nhà khoa học trẻ, đặc biệt là nhà khoa học nữ, chị Hoài cho hay: Trong điều kiện nghiên cứu khoa học tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, trước sự phân công vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong xã hội, so với nam giới, phụ nữ làm khoa học vất vả gấp bội phần. Phía sau những con số thành công là đong đầy khó khăn vất vả. “Tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng: Khi bạn là phụ nữ nếu có đam mê với khoa học xin hãy nắm thật chặt những cơ hội để xây dựng sự nghiệp cho đời mình, bởi có rất nhiều người đang muốn dứt bạn ra khỏi những cơ hội ấy, trong số đó có thể là những người rất quan trọng trong cuộc đời của bạn như chồng, con”, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.