Xã hội

Chuyện “vợ chồng Mai An Tiêm” trên đảo Trần

01/08/2021, 19:32

Khi vợ chồng anh chị khăn gói ra đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh), nhiều người đã can ngăn, gọi họ là cặp “vợ chồng Mai An Tiêm.

Ra đảo hoang tìm cơ hội thoát nghèo

Quay lại đảo Trần, điều làm PV Báo Giao thông bất ngờ là người đầu tiên ra đón đoàn là chị Nguyễn Thị Cảnh, với dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, khi chị tự tin giới thiệu: “Chị là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đảo Trần!”.

Hình ảnh này này khác hẳn với hình ảnh người phụ nữ lam lũ, ngơ ngác trong ngày được bộ đội xây nhà tặng hơn chục năm trước chúng tôi từng gặp.

img

Chị Cảnh cùng với bộ đội trên đảo vận động, tuyên truyền nhân dân phát triển kinh tế, phòng chống dịch Covid-19

Chỉ tay vào những căn nhà nằm áp vào nhau trong thung lũng nhỏ, nơi có tuyến đường bê tông phẳng lỳ từ cầu cảng vào tới trung tâm, cạnh đó là trường học, trạm xá mới được xây dựng khang trang, chị Cảnh hồ hởi: “Thôn Đảo Trần giờ trù phú lắm. Nhất là khi có điện, tối đến, cả thôn sáng rực một góc biển trời Đông Bắc”.

Chị Cảnh không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc của xóm đảo mà còn là đồng chí, đồng đội thân thiết của các đơn vị quân đội trên đảo. Mỗi khi có cuộc vận động hay phong trào quần chúng liên quan đến bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, chị Cảnh lại gương mẫu thực hiện và vận động bà con làm theo, ủng hộ.
Trung tá Đào Xuân Nguyên, Chính trị viên Phó, Đồn Biên phòng Đảo Trần

Chị Cảnh và chồng, anh Hoàng Văn Hiển là cư dân đầu tiên đến định cư tại đảo Trần hoang vắng. Câu chuyện về hành trình định cư của gia đình anh chị được nhiều người ví như “vợ chồng Mai An Tiêm”, chỉ khác là họ tìm đến nơi đây là sự tự nguyện.

Anh Hiển quê ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), là con lớn trong gia đình có 4 người con. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2000, anh Hiển ra vùng biển Hải Hà (Quảng Ninh) làm thuê, phụ thuyền cho gia đình chị Cảnh.

Cảm mến chàng trai chịu thương, chịu khó lại thật thà, chị Cảnh đem lòng yêu thương. Cuối năm 2001, họ cưới nhau với tài sản duy nhất là con thuyền nhỏ bố vợ cho.

Không chịu an phận nghèo khó, trong một lần theo hàng xóm ra khu vực đảo Trần mua gom hải sản, anh Hiển nhận thấy, nếu làm căn nhà tạm ở đây vừa đánh bắt, vừa mua gom hải sản thì sẽ có cơ hội khá hơn. Anh bàn với gia đình sẽ chuyển cả vợ con ra đảo sinh sống.

Tuy nhiên, mọi người phản đối quyết liệt, có người cho rằng anh… bị khùng, bởi đảo Trần ngày ấy hoang vắng heo hút, không điện, không nước sinh hoạt, không có bóng người dân, lúc cơ nhỡ biết dựa vào đâu?

Nhưng, với quyết tâm “cứ thử xem thế nào, không được thì lại quay về”, lựa một ngày trời yên, biển lặng, vợ chồng anh Hiển dong thuyền nhằm hướng đảo Trần thẳng tiến.

Thấy có người dân tự nguyện ra đảo sinh sống, các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân nơi đây đã cử cán bộ, chiến sỹ đến giúp dựng tạm một căn lều để sinh sống.

Có căn lều trên đảo, hàng ngày chị Cảnh lặn lội mò cua, bắt ốc ở ven biển và chăn nuôi con gà, con lợn; còn anh Hiển thì đánh bắt hải sản ven bờ, lúc nào gom được kha khá lại dong thuyền về huyện để bán và mua vật dụng sinh hoạt.

Đứa con đầu theo bố mẹ ra đảo, cậu con trai thứ hai chị Cảnh sát ngày vào sinh mới vào ở đất liền, con được hơn 1 tháng cũng lại bồng ra ngoài đảo.

Hơn chục năm trước, lo cho cảnh vợ chồng anh chị có con nhỏ phải ở trong căn nhà tạm bợ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ, xây cho gia đình 1 căn nhà rộng 40m2, 1 bể chứa nước mưa, 1 chuồng chăn nuôi lợn.

Được giúp đỡ, lại thêm sự tảo tần, chịu khó, cuộc sống của “vợ chồng Mai An Tiêm” cứ thế khá giả lên. Cậu con trai thứ hai là Hoàng Nguyễn Việt Anh đã vào lớp 7. Cậu con lớn của anh chị lúc mang theo ra đảo giờ đã học xong PTTH và làm đơn tình nguyện đi bộ đội.

“Cháu nó bảo, từ bé, do được các chú bộ đội bế bồng, chăm lo, nên rất yêu màu áo bộ đội. Học xong cấp 3, bố mẹ bảo đi học nghề, nó nhất quyết không nghe, nằng nặc làm đơn tình nguyện đi bộ đội…”, chị Cảnh kể.

Nữ trưởng thôn “vác tù và”

img

Chị Cảnh tham gia thảo luận về kế hoạch củng cố thế trận biên phòng toàn dân do Đồn Biên phòng Đảo Trần tổ chức

Trên đường dẫn chúng tôi xuống trung tâm thôn đảo Trần, chị Cảnh kể, những ngày đầu ra đảo, cuộc sống lẻ loi, nhiều lúc chị cũng hoang mang, sợ hãi. Nhưng công việc, bận bịu con nhỏ cứ cuốn đi.

Nhất là nhìn những mảng màu xanh do mình khai hoang, trồng trọt trên đảo dần hình thành, chị lại thêm yên lòng an tâm ở lại đảo.

Gần chục năm trước, thấy có đoàn cán bộ của tỉnh, của huyện lên đảo đo đạc, kiểm đếm, vào gia đình chị để hỏi thăm tình hình khí hậu, nguồn nước, sức gió mùa mưa bão... chị Cảnh như muốn nhảy lên vì vui mừng khi được biết đoàn đang khảo sát, xây dựng đề án di dân ra đảo.

Đầu năm 2014, tàu lớn, tàu bé chở ô tô, máy xúc rầm rập lên đảo. Chỉ chưa đầy một năm sau, khu nhà di dân trên đảo đã được xây dựng hoàn tất với 17 căn hộ vừa đẹp vừa kiên cố. Tháng 12/2014, hơn chục hộ dân từ nhiều vùng quê ven biển của Quảng Ninh đã quần tụ về đảo sinh sống.

Nhiều cư dân nơi đây vẫn không quên được, để có xóm đảo đoàn kết, ấm no như hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của chị Nguyễn Thị Cảnh - người Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn luôn tận tuỵ, hết lòng vì bà con.

img

Hạ tầng giao thông ở thôn Trần được hoàn thiện nhờ sự đóng góp của chị Cảnh

Ông Phạm Văn Dinh, cư dân xóm đảo, nhớ lại: Khi mới ra đây, dù được cấp nhà mới, hỗ trợ lương thực phẩm nhưng chỉ một thời gian sau, tâm tư của một số hộ bắt đầu… lung lay.

Bởi vì, lúc ở quê, tuy cuộc sống có khó khăn hơn một chút nhưng gần họ, gần hàng, cần gì cả xóm đến đông kín. Giờ ra đây, thiếu thốn đủ bề, điện không có, nước sinh hoạt thiếu thốn, tối đến nhà nào ở nhà nấy, chưa dễ quen nhau. Vào mùa mưa, bão, tàu thuyền không ra khơi được, nhiều hộ bắt đầu “nhấp nhổm” tính chuyện về lại quê nhà.

“Từ những ngày đầu bà con ra đảo, dù chẳng “chức sắc, phận sự gì”, nhưng ngày nào chị Cảnh cũng vào chơi với các hộ để động viên, chia sẻ với họ những kinh nghiệm bắt ốc ở khu vực nào nhiều; cách chăm sóc lợn, gà trong điều kiện khí hậu trên đảo khắc nghiệt. Nhà bán tạp hóa, chị Cảnh sẵn sàng cho nhiều hộ nợ tiền lương thực, thực phẩm đến khi nào có thì trả. Vì vậy, bà con dần yên lòng hơn, luôn coi chị Cảnh là “thủ lĩnh tinh thần”, ông Dinh nói.

Chị Hoàng Thị Quang, cư dân xóm đảo Trần nhớ lại: “Có đêm bão to, chị Cảnh đội mưa đến từng nhà để thông báo cho mọi người ra bến gia cố, buộc lại tàu, thuyền. Bão vừa tan đã thấy chị gõ cửa hỏi thăm xem gia đình có thiệt hại gì không. Nhiều lúc nghĩ cuộc sống ngoài đảo vất vả, thiếu thốn cũng định trở về đất liền nhưng chị Cảnh động viên, giúp đỡ nên chúng tôi quen dần. Cả thôn, ai cũng coi chị Cảnh như người thân”.

Cuối năm 2017, đảo Trần thành lập thôn, chị Cảnh được mọi người bầu làm Trưởng thôn Trần, sau đó chị được cử đi học lớp cảm tình Đảng, kết nạp Đảng và được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Từ đó, chị càng thêm nhiệt huyết với công việc của thôn. Thành quả lớn nhất của chị là đã đề nghị chính quyền địa phương đầu tư một máy phát điện và khoan các giếng nước ngọt trên đảo. Nhờ đó, giờ đây đảo Trần không còn tình trạng thiếu nước ngọt.

Đầu tháng 9/2020, toàn đảo đã có điện lưới kéo từ đất liền ra. Đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt, hiện thôn Trần có 12 hộ với 52 nhân khẩu đều khá giả, không có hộ nghèo, cận nghèo; gia đình nào cũng yên tâm gắn bó với quê hương mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.