Thể thao

Chuyện vui cha con nhà Văn Sỹ

30/01/2017, 20:02
image

Những kỷ niệm một thời quần đùi áo số “vui là chính” thì vẫn theo ông như hình với bóng.

Vợ chồng ông Văn Sỹ Chi chụp ảnh cùng các con Văn

Vợ chồng ông Văn Sỹ Chi chụp ảnh cùng các con Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Linh, Văn Sỹ Thủy.

Ông Văn Sỹ Chi, cựu tuyển thủ đội tuyển Việt Nam, bố của tam hổ tướng Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn nay đã 83 tuổi. Tuổi già khiến ông lúc nhớ, lúc quên nhưng những kỷ niệm một thời quần đùi áo số “vui là chính” thì vẫn theo ông như hình với bóng.

Một thời oanh liệt

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam không lạ gì ba anh em họ Văn (Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn,Văn Sỹ Thủy) của Sông Lam Nghệ An. Trong đó, Sỹ Hùng và Sỹ Thủy đóng góp nhiều cho đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, trên phương diện bóng đá, họ chỉ đáng “xách giày” cho ông cụ thân sinh Văn Sỹ Chi (sinh ngày 15/5/1934 tại làng Hoàng Mai, cực Bắc của Nghệ An).

Lần đầu tiên tôi gặp ông là mùa hè 1975. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, tôi về Thanh Hóa chờ phân công công tác. Chiều hôm đó, tôi vào sân Thanh Hóa xem ông huấn luyện đội Công an Thanh Hóa. Lúc thi đấu đối kháng, họ thiếu người, tôi xin vào đá ké... Anh chàng cử nhân sư phạm 22 tuổi, tràn đầy năng lượng, từng tham gia một số giải phong trào ở Vinh và các cầu thủ xịn chạy theo tôi bở hơi tai.

Xem thêm video:

Sau buổi tập ông Văn Sỹ Chi gặp tôi và nói: “Chú mày ở đâu mà chơi tốt thế. Có muốn thành cầu thủ không?”. “Rất muốn ạ. Em hiện nay là giáo viên của Ty Giáo dục Thanh Hóa”. Ngày ấy, việc chuyển một giáo viên vào ngành Công an cực kỳ khó khăn nên mong ước trở thành cầu thủ của tôi cũng chỉ dừng ở cuộc trò chuyện với ông.

41 năm đã trôi qua từ lần gặp đầu tiên, tôi đến thăm ông ở thành Vinh trong căn hộ mới được sửa sang sạch sẽ tinh tươm, nằm ở con ngõ rộng phường Hưng Dũng. Tôi biết ông không hề nhớ cuộc gặp cách đây 41 năm, ông chỉ gật gù cho tôi vui.

Ông năm nay ngoài 80, lúc nhớ lúc quên. Ông như cây chè xanh cổ thụ, nhưng nếu khéo khêu gợi, cây chè cổ ấy sẽ tiết ra những giọt nhựa mặn chát được chiết xuất từ mồ hôi của người đàn ông bền bỉ dẻo dai, chơi bóng đỉnh cao tới tận 40 tuổi có lẻ...

Năm 1958, chàng trai Văn Sỹ Chi nhập ngũ, chơi bóng phong trào trong Sư đoàn 335. Ngày ấy, các cụ rất lãng mạn, vì đóng ở Việt Bắc nên tên đội bóng là Bông lau.

Năm 1959, sau giải toàn quân, Văn Sỹ Chi được gọi về chơi cho Thể Công. Trận đầu tiên mang áo số 10, Văn Sỹ Chi ghi 4/5 bằng thắng trong trận Thể Công - Tổng cục Bưu điện. Từ đó, chiếc áo số 10 gắn bó với cái tên Văn Sỹ Chi cho đến khi ông rời Thể Công.

Năm 1963, đội tuyển Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham dự giải Bóng đá Ganefo châu Á tại Indonesia với đội hình cực đẹp. Ba thủ môn là Duy Bỉnh Koong›, Đàm Thu Trang, Nguyễn Văn Nguyệt. Các cầu thủ: Diệp Phú Nàm, Trần Tương Lai, Trần Duy Long, Lê Thế Thọ, Lê Đình Chính,Văn Sỹ Chi, Ngọc Hiển, Nguyễn Văn Vinh, Hoàng Kính Dịp...

Trong trận bán kết, tuyển Việt Nam đọ sức cùng Campuchia. Đến phút 88, tỉ số vẫn là 2-2. Phút 89, trung phong cắm Văn Sỹ Chi tránh được pha xoạc bóng ác ý của đối phương, xoay người sút tung lưới Campuchia. Trước giải, Việt Nam cũng thắng Campuchia trong một trận giao hữu.

Sau giải đấu trên, Văn Sỹ Chi được tặng pho tượng “Đại bàng cắp Công chúa” trị giá 20 nghìn đồng Indonesia. Do toàn đội đã về nước, Sứ quán Việt Nam nhận món quà đó, chuyển tiền cho Văn Sỹ Chi, ông chia đều cho HLV và đồng đội để mua sắm. Sau 34 năm, cũng trên sân vận động ấy, cũng ở những phút cuối cùng của trận đấu với Indonesia trong khuôn khổ vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 19 - 1997, cậu con trai thứ Văn Sỹ Hùng đã ngả người móc bóng gỡ hòa 2-2 cho đội tuyển Việt Nam trước đội chủ nhà. Cộng thêm việc Lào đánh bại Malaysia, ĐT Việt Nam đã giành vé vào bán kết. Giải năm đó, ĐT Việt Nam với nhiều hảo thủ khác như: Nguyễn Hữu Thắng, Nguyên Chương, Võ Hoàng Bửu, Triệu Quang Hà, Vũ Minh Hiếu, Lê Huỳnh Đức... về thứ ba sau khi đánh bại Singapore 1-0 ở trận tranh HCĐ.

Cuối những năm 60, Văn Sỹ Chi được tăng cường cho Quân khu 3. Năm 1971, ở tuổi 37, ông được Thanh Hóa “trải thảm đỏ” rước cả gia đình về. Vừa huấn luyện, vừa thi đấu cho Công an Thanh Hóa trong bốn mùa giải và là chân sút chủ lực của đội. Năm 1991 cả gia đình họ Văn chuyển về cố hương, để lại xứ Thanh cậu cả Văn Sỹ Ngọc đã chơi cho Công an Thanh Hóa. Văn Sỹ Hùng đang đầu quân cho Phòng không Không quân cũng hồi hương. Bóng đá xứ Nghệ khởi sắc khi có ba anh em họ Văn.

Cầu thủ duy nhất từng vô địch... bắn súng

Ngoài những ký ức về bóng đá, có mấy mẩu chuyện nhỏ mà trong ba lần gặp gần đây ông kể giống hệt nhau. Dường như nó tồn tại vô thức trong tâm trí ông, khi cần nó được tua ra như từ băng ghi âm.

Chuyện thứ nhất, trong chuyến tập huấn và thi đấu ở Liên Xô (cũ), đội tuyển Việt Nam có thủ môn Duy Bỉnh Koóng, người gốc Hoa, mặt rỗ nên đồng đội gọi là Koóng Min. Ông Văn Sỹ Chi đọc thuộc bài “vè” ca ngợi cuộc chiến tranh Vệ quốc nhưng đến câu cuối thì ông “chế” lời: - Gót giày phát xít Đức giẫm lên mặt Koóng nên Koóng bị rỗ. Đọc xong ông chạy, Koóng đuổi theo, cả đội reo hò cổ vũ sự tinh quái của trung phong xứ Nghệ.

Chuyện thứ hai diễn ra trong lần đội tuyển Việt Nam tập huấn ở Triều Tiên. Một buổi được ra phố, Văn Sỹ Chi mua thêm túi mực nướng sẵn có cả tương để tối về nhấm nháp. Vài ngày sau, trong phòng bỗng có mùi thối như chuột chết. Cả đội xúm vào tìm nhưng tuyệt nhiên không ra. Mãi sau mới có người phát hiện ra mùi thối ấy từ trong túi áo đại cán bốn túi của Văn Sỹ Chi. Trong buổi họp kiểm điểm, trung phong Trương Tấn Nghĩa (người đá cặp với Văn Sỹ Chi trên hàng công - đã mất) nâng quan điểm một cách gay gắt: “Đồng chí Văn Sỹ Chi tham ăn làm... ảnh hưởng đến danh dự Tổ quốc”. Văn Sỹ Chi thút thít: “Em biết lỗi rồi, từ nay sẽ không ăn thế nữa, sẽ không làm ảnh hưởng đến... danh dự Tổ quốc”…

Thêm một câu chuyện nữa, Văn Sỹ Chi đã từng đoạt HCV bắn súng AK ba tư thế ở Liên Xô (cũ). Năm 1963, đội Thể Công dự Giải bóng đá quân đội các nước XHCN ở Tiệp Khắc. Khi về, đội ghé Liên Xô (cũ), đúng thời điểm giải bắn súng quân đội các nước XHCN đang diễn ra mà VĐV Việt Nam lại bị ốm. Văn Sỹ Chi xung phong bắn thay. 30 viên nằm, quỳ, đứng. Một viên đạn của VĐV Liên Xô (cũ) bắn lạc sang bia Việt Nam và thế là Văn Sỹ Chi đoạt HCV, được thưởng một hộp to đồng hồ Pônzôt. Ông chỉ chọn hai cái, còn lại chia cho đồng đội. Năm đó, xạ thủ Trần Oanh cũng đoạt HCV súng ngắn ổ quay. Sau giải đó Trần Oanh và Văn Sỹ Chi được thưởng phép. Lịch sử bóng đá Việt Nam và bóng đá thế giới chắc cũng chẳng còn cầu thủ nào có được thành tích như ông Văn Sỹ Chi, giành HCV bắn súng.

Ngồi hồi lâu, ông Chi lấy tấm ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp lưu niệm với các cầu thủ dự Giải bóng đá quân đội các nước xã hội chủ nghĩa tại Hà Nội và nhớ lại. “Lúc đầu tớ nhanh nhẹn sà vào ngồi cạnh Bác, ôm lấy cánh tay Bác. Hai ông anh (Hà Hiển, Thanh Tiền) đến vỗ vai: “Chi, ra ngoài gặp gia đình đến thăm kìa”. Tớ chạy ra, chẳng có ai, quay vào mất chỗ cạnh Bác. Đấy, tớ đấy, cách Bác bốn người phía tay phải Bác. Hai ông anh ấy mất rồi, nhiều đồng đội khác cũng mất rồi...”.

Những câu chuyện ông kể cứ hư hư thực thực và tôi đã tin một cách sung sướng vì đó chính là những mẩu ký ức của người lính, của người xứ Nghệ nhưng trên hết là của một cầu thủ tuyệt vời.

Ông Văn Sỹ Chi có cả thảy 5 người con: Văn Sỹ Ngọc, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn và Văn Sỹ Linh. Cả 5 đều chơi bóng đá nhưng Văn Sỹ Ngọc và Văn Sỹ Linh không để lại nhiều dấu ấn và sớm giải nghệ. Trong khi đó, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn từng là bộ ba từng làm khuynh đảo làng bóng đá Việt Nam. Hiện tại, Văn Sỹ Sơn đảm nhận vai trò HLV Phó đội Hà Nội T&T. Văn Sỹ Hùng làm Giám đốc hai Trung tâm đào tạo trẻ của Hà Nội T&T tại Nghệ An và Đà Nẵng. Văn Sỹ Thủy cũng phụ trách một Trung tâm đào tạo trẻ xã hội hóa đặt tại Ba Vì (Hà Nội).

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.