70 năm truyền thống ngành GTVT

Chuyến xe định mệnh và chuyện tình không trọn vẹn

19/11/2014, 13:13

Chăm chăm nhìn vào đôi nhẫn cưới trên tay, anh Phạm Công Trình vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về vụ tai nạn xe khách kinh hoàng và chuyện tình dang dở của anh với người vợ sắp cưới.

Anh Phạm Công Trình với di ảnh vợ sắp cưới đã mất trong vụ tai nạn xe khách giường nằm ở Lào CaiẢnh: K.Linh
Anh Phạm Công Trình với di ảnh vợ sắp cưới đã mất trong vụ tai nạn xe khách giường nằm ở Lào Cai

Chuyến xe định mệnh

Nhắc đến chuyện tình giữa anh Phạm Công Trình và chị Đỗ Thị Lan (SN 1990, trú tại Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh), mọi người sẽ nhớ ngay đến vụ TNGT thương tâm xảy ra vào đêm 1/9, khi chiếc xe mang BKS  29B-085.82 của nhà xe Sao Việt trên đường từ Sa Pa về TP Lào Cai đã bị rơi xuống vực. Trong số 14 người tử vong có chị Đỗ Thị Lan - vợ sắp cưới của anh Trình.

Anh Trình nhớ lại, anh và  chị Lan yêu nhau được gần bốn năm. Nếu không xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng nêu trên, bây giờ hai người đã là vợ, là chồng rồi.

Ngày 31/8, khi biết chị Lan đi Sa Pa chơi cùng với bạn, anh giận lắm. Ý định của anh là muốn bàn với Lan, đến ngày nghỉ mùng 2/9 sẽ đưa bố mẹ lên nhà chị nói chuyện cưới xin. Nhưng vì chị Lan đã đi cùng với bạn nên anh cũng bắt xe lên Sa Pa.

Câu chuyện về cuộc tình dang dở trên chuyến xe định mệnh tại Lào Cai, cảnh tượng “đám cưới trong đám ma” đầy ám ảnh, xót thương của anh Trình, chị Lan đã mở đầu cho Lễ Tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT 2014 diễn ra tối 16/11 vừa qua. Sau khi trực tiếp tham gia vào câu chuyện của mình trên sân khấu, anh Trình chia sẻ, những hình ảnh, những thông điệp được đưa ra với anh thực sự thấm thía. Vụ tai nạn xảy ra khiến anh và gia đình vô cùng đau xót. Chị Lan đã ra đi để lại khoảng trống mênh mông trong lòng anh.

“Chúng tôi gặp nhau trên đó, đi chơi được nhiều nơi lắm. Đi đâu hai đứa cũng quấn quýt không rời xa nửa bước. Đi chơi được hai ngày, tôi có việc ở Ninh Bình phải về trước nên nói Lan ở lại đi tàu về cùng bạn. Nhưng Lan không đồng ý mà muốn về cùng tôi. Thế là chúng tôi quyết định đi chơi đến điểm cuối cùng ở thác Tình Yêu rồi vội vã trở về khách sạn thu dọn đồ đạc bắt xe ra về. Trên xe chúng tôi ngồi đọc báo và nói chuyện phiếm. Lan còn nói là lần sau đi chơi, chỉ đi với mình tôi thôi vì như thế là đủ...”, anh Trình xúc động.

Kể về giây phút vụ tai nạn kinh hoàng, anh Trình nhớ lại, xe chạy được một lúc, bất ngờ nghe lái xe kêu lên “xe bị mất phanh”. Hai đứa ngồi bật dậy, biết là chuyện chẳng lành, chúng tôi định ôm nhau nhưng bỗng thấy chiếc xe lăn vòng một cách rất êm rồi sau đó tôi lơ lửng trên không trung. Khi tỉnh dậy, tôi đã ngồi trên bãi cỏ, người ê ẩm, xung quanh trời tối như mực.

Ngồi định thần bên đám cỏ ven đường ít phút, anh Trình nhận thức được việc gì đã xảy ra. Anh vội nhờ điện thoại của người dân gọi vào số máy chị Lan nhưng không thấy chị trả lời. Biết chuyện chẳng lành, anh cố bám dây thừng leo xuống để tìm chị, nhưng bặt vô âm tín. “Người lúc đó đau lắm, tôi được đưa lên xe cấp cứu về bệnh viện. Tại đây, tôi đã lấy điện thoại gọi về cho bố mẹ Lan, bố mẹ tôi thông báo về vụ TNGT”- anh Trình nhớ lại.

Bật nắp quan tài, trao nhẫn giấy tặng vợ sắp cưới

Anh Trình kể tiếp, khi đưa Lan về quê, tôi đi cùng đám bạn thân. Trong đầu tôi khi đó lúc nào cũng mong thực hiện lời hứa sẽ làm đám cưới với Lan để chúng tôi thành vợ, thành chồng. Tôi đã xin phép bố mẹ và gia đình Lan để được trao nhẫn cưới cho Lan. “Dù đau thương nhưng ai cũng biết chúng tôi yêu nhau như thế nào. Cuối cùng bố mẹ Lan cũng đồng ý mở nắp quan tài cho tôi được trao nhẫn cưới. Trước sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, bạn bè, hàng xóm của Lan, tôi cầm một chiếc nhẫn đeo vào tay Lan và một chiếc tôi tự đeo vào tay mình. Nhưng do tập tục của địa phương không cho phép bỏ kim loại bên người đã mất nên tôi phải gấp một chiếc nhẫn bằng giấy đeo vào tay Lan”, anh Trình rưng rưng.

Trầm ngâm bên điếu thuốc nghi ngút, anh Trình cho biết, anh và Lan yêu nhau được gần bốn năm, từ khi còn là sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lúc đó anh là sinh viên năm thứ ba còn Lan năm thứ hai. Nhắc đến đây, anh Trình lại thẫn thờ nhìn xuống đôi nhẫn cưới đang đeo trên tay, rồi kể tiếp: “Thời còn sinh viên, tôi hay ra ký túc xá để đá cầu. Tôi với Lan hay đá cầu với nhau lắm. Rồi chúng tôi yêu nhau lúc nào không hay. Khi tôi ra trường đi làm ở Hà Nội, cuộc sống bon chen ở nơi thành thị lại càng khiến chúng tôi yêu nhau nhiều hơn. Hai đứa động viên nhau sẽ cố gắng vượt qua để đến với nhau”.

Theo anh Trình, sau khi ra trường, mất một thời gian dài tìm kiếm việc làm ở Hà Nội, đến tháng 4/2014, anh được nhận về làm công nghệ thông tin tại Ngân hàng SHB chi nhánh tại TP Ninh Bình. Còn chị Lan làm tại một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội. Hai người cũng đã lên kế hoạch sẽ tổ chức đám cưới trong năm 2014, nhưng chẳng ngờ số phận lại trớ trêu như vậy.

Một đồng nghiệp của anh Trình (xin được giấu tên) cho biết: “Từ khi xảy ra vụ việc, anh Trình lúc nào cũng trầm ngâm. Mọi người trong cơ quan biết thế nên cố gắng không khơi gợi lại chuyện buồn đó. Giờ tâm trạng anh đã khá lên, nhưng lúc nào anh cũng chỉ chú tâm vào công việc”.

Anh Trình cho biết, sau khi xảy ra vụ TNGT, anh bị thương ở cổ, đốt sống cổ nên không thể cúi được như trước nữa. “Sự việc xảy ra tôi vô cùng  đau buồn. Nhưng không thể sống mãi trong tâm trạng đó, rồi bỏ bê công việc được. Tôi phải sống khác, cố gắng hoàn thành công việc của mình để chăm sóc cho gia đình tôi và gia đình Lan. Có như thế, ở thế giới bên kia Lan mới mỉm cười”, anh Trình nói.

Phúc Tuấn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.