Thế giới

Clinton - Trump tái đấu: Cục diện khó lường

07/10/2016, 06:24
image

Donald Trump và Hillary Clinton sẽ bước vào vòng đấu khẩu thứ hai trên truyền hình tại Đại học Washington vào 21h ngày 9/10.

Trump va Clinton2
Ông Donald Trump (trái) tự nhận mình yếu thế hơn so với đối thủ trong lần tranh luận đầu tiên hôm 27/9

Sau buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ nhất thu hút sự quan tâm của giới quan sát và cử tri Mỹ, hai ứng viên tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton sẽ bước vào vòng đấu khẩu thứ hai trên truyền hình tại Đại học Washington, bang Missouri vào 21h ngày 9/10.

Tuần tệ hại của ông Trump

Qua 90 phút tranh luận trực tiếp lần thứ nhất thu hút số người xem kỷ lục - hơn 80 triệu người, có thể thấy bà Clinton thể hiện rõ ưu thế của một ứng viên tổng thống dày dặn kinh nghiệm.  Hầu như các hãng truyền thông đều “tung hô” Clinton là người giành chiến thắng; Trong khi ông Trump thừa nhận có màn biểu hiện “quá tệ” khi đấu khẩu trực tiếp với đối thủ Đảng Dân chủ.

Báo giới đánh giá ông Trump là người “thiếu hiểu biết và thiếu kinh nghiệm trước các vấn đề được bàn thảo” thông qua cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ nhất. Không dừng lại ở đó, “vận đen” vẫn bám đuổi ông Trump trước thềm buổi tranh luận thứ hai. Tờ New York Times tuần này đăng thông tin tờ khai thuế của ông Trump năm 1995, trong đó khai báo thua lỗ 916 triệu USD chỉ riêng trong năm này, giúp tỷ phú New York không phải nộp bất kỳ một khoản thuế nào trong vòng… 18 năm sau. Đội tranh cử của bà Hillary Clinton cho rằng, việc ông Trump che đậy các thông tin liên quan tới thu nhập - đi ngược lại truyền thống tranh cử Mỹ trước đây.

Cũng trong tuần này, ngày 3/10, Văn phòng Tổng Chưởng lý New York gửi công văn tới quỹ từ thiện của ông Trump, yêu cầu phải ngay lập tức chấm dứt các hoạt động gây quỹ cũng như can dự vào bất kỳ hoạt động gây quỹ nào khác ở New York vì chưa đăng ký với chính quyền về hoạt động quyên tiền từ cộng đồng. Đồng thời, trong 12 ngày, phải cung cấp tài liệu về các hoạt động gây quỹ, trong đó có các bản kê tài chính đã được kiểm toán và các báo cáo tài chính hàng năm.

Không những thế, ông Trump cũng đang bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận Cuba. Tờ Newsweek cho biết, một công ty thuộc quyền kiểm soát của ông Trump đã bí mật làm ăn tại Cuba dưới thời Chủ tịch Fidel Castro, bất chấp các lệnh cấm thương mại của Washington. Cụ thể, theo Newsweek, Tập đoàn Khách sạn và nghỉ dưỡng Trump đầu tư ít nhất 68.000 USD tại Cuba vào năm 1998, thời điểm mọi khoản đầu tư dù nhỏ nhất vào Cuba cũng cần phải nhận được sự chấp thuận của Chính phủ. Công ty này không trực tiếp chi tiền mà thông qua Tập đoàn Đầu tư và phát triển Seven Arrows trên danh nghĩa hoạt động từ thiện; Tuy nhiên, một cựu quản lý giấu tên của ông Trump thừa nhận, công ty này không có giấy phép đầu tư của Chính phủ Mỹ vào thời điểm đó. Ngay lập tức, bà Clinton lên tiếng chỉ trích rằng “đã vi phạm luật pháp và hành động phá hoại lợi ích quốc gia của Mỹ. Tất cả chỉ nhằm kiếm đầy ví”.

Bà Clinton chưa hết lo

Mới đây, theo Reuters, người sáng lập WikiLeaks Julian Assange tuyên bố hủy bỏ ngày “Thứ ba bất ngờ của tháng 10” (4/10 - ngày dự định công bố các tài liệu được cho là “làm hỏng” chiến dịch tranh cử của bà Clinton). Đây được xem là “cái may” trước cuộc tranh luận trực tiếp, bởi trước đó, theo WikiLeaks, những tài liệu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới “đường quan lộ” của bà Clinton. Tuy nhiên, Julian Assange tuyên bố sẽ công bố các tài liệu trước ngày bỏ phiếu. Cụ thể, Assange cho biết, sẽ công bố khoảng 1 triệu tài liệu liên quan đến cuộc bầu cử ở Mỹ và 3 Chính phủ trước cuối năm nay. Đợt công bố đầu tiên sẽ diễn ra vào tuần tới.

Trước đó, ông Julian Assange chỉ trích bà Clinton vì đã đe dọa WikiLeaks sau khi tổ chức này công bố hàng loạt tài liệu liên quan đến Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ ngay trước thềm đại hội toàn quốc của đảng này hồi tháng 7. Hiện, dư luận vẫn “bán tín bán nghi” rằng các thông tin mà WikiLeaks công bố sẽ ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới chặng đua vào Nhà Trắng sắp tới.

Giống như cuộc tranh luận thứ nhất, cuộc tranh luận ngày 9/10 sẽ kéo dài 90 phút, toàn bộ chương trình truyền hình trực tiếp về buổi đấu khẩu này sẽ được điều phối, dẫn dắt bởi Anderson Cooper của CNN và Martha Raddatz của ABC News. Buổi tranh luận sẽ được phát sóng trực tiếp trên các kênh: C-SPAN, ABC, CBS, FOX và NBC, CNN, Fox News và MSNBC. Ngoài ra, Twitter, Bloomberg News, PBS, The Washington Post và Telemundo sẽ tường thuật trực tiếp buổi tranh luận này.

Theo Ủy ban Phi lợi nhuận phụ trách tranh luận bầu cử Tổng thống Mỹ (được thành lập năm 1987), một nửa số câu hỏi đặt ra trong cuộc tranh luận lần hai giữa Trump và Clinton sẽ được đặt trực tiếp từ phía cử tri và nửa còn lại sẽ được chuẩn bị dựa trên “các chủ đề được công chúng quan tâm rộng rãi, được phản ánh trên các phương tiện truyền thông xã hội và các nguồn khác”. Đối với mỗi câu hỏi, hai ứng viên sẽ có thời gian trả lời 2 phút và thêm 1 phút để người điều hành chất vấn hoặc yêu cầu thảo luận thêm.

Tính đến chiều qua (6/10), tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Clinton đang là 45%, trong khi ông Trump là 41%, không chênh quá nhiều, theo NY Times.

Cử tri Mỹ bắt bỏ phiếu sớm

Phải đến ngày 8/11 mới diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng hiện đã có hàng chục nghìn cử tri đi bỏ phiếu sớm. Các phiếu bầu cử sớm sẽ chính thức được kiểm vào ngày 8/11. GS. Michael McDonald, chuyên gia về bầu cử sớm thuộc Đại học Florida ước tính khoảng 130.000 người đã hoàn tất việc bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống Mỹ trong tổng số 130 triệu cử tri dự kiến đi bầu.

Hệ thống bầu cử Mỹ hoạt động theo hình thức phân cấp. Mỗi bang tự tổ chức bỏ phiếu và kiểm phiếu. Cử tri có thể lựa chọn hai hình thức bầu cử sớm: Qua email hoặc đến văn phòng chính quyền các hạt bỏ phiếu. Việc bỏ phiếu sớm bằng email được chấp nhận tại tất cả 50 bang của Mỹ, song cử tri phải đăng ký trước và phải khai lý do lựa chọn cách thức bỏ phiếu này và giới chức gửi mẫu phiếu bầu tới từng địa chỉ email của cử tri đăng ký. Trong khi đó, với bỏ phiếu trực tiếp, các điểm bỏ phiếu sẽ được mở sớm (vào tháng 10), tại 37 bang. Cử tri bang Ohio có thể đi bỏ phiếu sớm vào ngày 12/10 tới. Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ tới Ohio vào ngày 14/10 để vận động bỏ phiếu sớm cho bà Clinton.

Theo Cục Thống kê dân số, hiện tượng các cử tri đi bỏ phiếu sớm đang ngày càng trở nên phổ biến. Năm 1996, chỉ có 10,5% số cử tri bầu cử sớm, song đã tăng lên hơn 30% vào lần bầu cử gần đây nhất, năm 2012.

>>> Xem thêm video hay:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.