Thời sự Quốc tế

CNBC: Châu Âu trở thành "con tin" của Nga về năng lượng

10/10/2021, 08:43

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng: Mỹ đã đúng khi châu Âu đã trở thành “con tin” của Nga về năng lượng.

Điểm yếu chí tử

Cách đây 3 ngày, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng cao chưa từng có, chỉ giảm xuống sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng hỗ trợ giải quyết khủng hoảng giá khí đốt.

Qua hiện tượng trên, có thể thấy, châu Âu rất dễ bị tổn thương vì Nga, nhất là khi Moscow đang nóng lòng chờ Đức phê chuẩn dự án khí đốt Nord Stream 2, trị giá 11 tỉ USD, đài CNBC dẫn lời các nhà phân tích thị trường cho biết.

Trong bài phân tích ngày 6/10, ông Timothy Ash - chiến lược gia cấp cao về các thị trường mới nổi, thuộc công ty Quản lý Tài sản Bluebay cho rằng: “Châu Âu đã tự biến mình thành “con tin” của Nga về năng lượng.

Theo ông Ash, châu Âu đang thu mình lại vì lo khi mùa Đông này Nga sẽ càng siết nguồn cung năng lượng chừng nào đạt được mong muốn và dự án Nord Stream 2 được phê chuẩn mới thôi.

img

Các chuyên gia chụp ảnh bên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Dự án này đã hoàn thành về mặt kỹ thuật và đang chờ phê duyệt. Ảnh - Reuters

Chuyên gia Ash đánh giá, châu Âu thực sự ngây thơ khi nghĩ Moscow sẽ sớm hành động để xoa dịu khủng hoảng tại đây trước thời điểm Nord Stream 2 được phê duyệt.

Nhiều năm trước, Mỹ luôn phản đối dự án Nord Stream 2 và cảnh báo việc xây dựng dự án này có thể ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của Châu Âu. Đồng thời, theo Washington, Moscow có thể tìm cách sử dụng năng lượng làm đòn bẩy trong khu vực.

Từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump, chính quyền Mỹ đã áp nhiều lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 bất chấp Berlin và Moscow khẳng định dự án Nord Stream 2 chỉ vì một mục đích duy nhất là kinh tế.

Đến thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nhà Trắng cũng vẫn trừng phạt các công ty liên quan tới dự án nhưng sau đó đã dỡ bỏ quy định với một số công ty nhằm cải thiện quan hệ với Đức.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Mike Fulwood, nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho rằng, việc Nga quyết định cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu là mang tính chính trị và có liên quan tới việc phê chuẩn dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 tới Đức.

Đài CNBC dẫn lời ông Bilal Hafeez, Giám đốc điều hành và là người đứng đầu hoạt động nghiên cứu của công ty Macro Hive nhận định, Moscow đang tận dụng khủng hoảng năng lượng của châu Âu và có thể hạn chế nguồn cung với những đường ống trung chuyển qua Ukraine, buộc Đức và EU phải tăng cường sử dụng khí đốt qua đường ống Nord Stream 2.

Khủng hoảng có thể "bóp nghẹt" sản xuất

Theo CNBC, tính từ đầu năm tới nay, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng > 300%, làm dấy lên lo ngại về lạm phát và thiếu hụt nguồn cung năng lượng cho khu vực này khi mùa Đông cận kề.

Dữ liệu của Uỷ ban châu Âu chỉ ra, tình trạng giá khí đốt tăng cao đang là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của EU.

Hiện tại, 90% nguồn cung năng lượng của khối EU là từ nhập khẩu. Trong đó Nga và Na Uy là những nguồn xuất khẩu chính.

Còn với Anh, các lãnh đạo trong ngành công nghiệp nước này lo ngại, giá khí đốt tăng cao kỷ lục sẽ làm tê liệt hoạt động sản xuất.

Phát biểu tại cuộc họp với Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp cùng các đại diện ngành năng lượng Vương quốc Anh ngày 8/10, Tổng Giám đốc Liên minh ngành công nghiệp giấy Vương quốc Anh Andrew Large cho biết, các nhà máy sản xuất trên khắp đất nước có thể phải dừng sản xuất vì chi phí nhiên liệu tăng cao.

Trước đó, Giám đốc Công ty thép của Anh, ông Gareth Stace, cũng cho rằng, nếu Thủ tướng Boris Johnson và chính quyền London không có động thái hỗ trợ các công ty, thì tình trạng nhiên liệu tăng giá sẽ bóp nghẹt hoạt động sản xuất.

img

Giá khí đốt tại Anh tăng cao liên tiếp từ đầu năm. Ảnh - Dailymail

Trong tương lai, để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, Châu Âu cần đa dạng nguồn cung năng lượng, thay vì phụ thuộc vào Nga.

“Châu Âu càng đa dạng nguồn cung cấp, họ sẽ càng bớt phải đối mặt với rủi ro. Chúng tôi nhận thấy, vài năm qua, EU bắt đầu tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ thị trường Mỹ”, ông Fulwood nhận định.

Phản ứng của Nga

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích khác như ông Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), hiện tượng tăng giá vừa qua là tổng hợp của rất nhiều yếu tố như tình hình cung – cầu bất thường và thiếu nguồn dự trữ tại nhiều nước trên thế giới.

Sau một thời gian dài gián đoạn vì đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đột ngột hồi phục mạnh mẽ trở lại, dẫn đến tình trạng tăng mức tiêu thụ năng lượng nhiều hơn so với năm 2020.

Hơn nữa, nhu cầu tăng vào đúng thời điểm lượng dự trữ khí đốt của châu Âu thấp hơn bình thường và lại chuẩn bị bước vào mùa Đông - thời điểm nhu cầu khí đốt luôn cao nhất.

Ngoài ra, còn một lý do khác là nhu cầu khí đốt gia tăng ở châu Á.

Trung Quốc cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, khiến lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng từ Anh và châu Âu lại được xuất sang châu lục này trong mùa Hè vừa qua. Gần đây, các công ty lớn ở châu Âu và Trung Quốc chạy đua để đảm bảo nguồn cung trước mùa Đông.

img

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh - AP

Về phía Nga, chia sẻ tại một sự kiện diễn ra ngày 7/10, người đứng đầu bộ phận xuất khẩu của Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom - bà Elena Burmistrova khẳng định giá cả trên thị trường khí đốt giao ngay tại châu Âu đang biến động lớn.

Tình trạng này khiến cả người mua lẫn người bán đều mất phương hướng, có thể gây bất ổn cho toàn bộ nền kinh tế khu vực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định, bản thân Moscow không mong muốn thị trường khí đốt châu Âu bị xáo trộn. Theo ông Putin, một phần lý do chính là vì các nước châu Âu đã tính toán sai lầm khi giảm bớt một phần hợp đồng dài hạn và ưu tiên mua nhiên liệu ngắn hạn, giao ngay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.