Xã hội

Có app “phạt nguội” vi phạm giao thông, tài xế lợi gì?

01/07/2021, 10:00

Cục CSGT (Bộ Công an) đang phối hợp với đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng phần mềm (app) về “phạt nguội” vi phạm giao thông.

img

CSGT giám sát phương tiện trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Với phần mềm dự kiến tích hợp việc lập và gửi biên bản vi phạm hành chính, chủ phương tiện/tài xế không phải mất nhiều thời gian tra cứu, mà sẽ nhận được nhanh nhất thông báo vi phạm và dễ dàng nộp phạt online.

Chỉ hơn 20% người vi phạm đến nộp phạt

Cuối tháng 6, chị Nguyễn Thu Q. (ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được thông báo của Phòng CSGT Công an tỉnh Cao Bằng gửi qua bưu điện về việc xe ô tô của gia đình chị chạy quá tốc độ dưới 10km khi đi qua TP Cao Bằng vào ngày đầu tháng 6.

“Xe tôi cho thuê kinh doanh dịch vụ, giờ khách thuê đã trả xe, tôi đã trả lại đặt cọc. Bây giờ mới nhận được thông báo “phạt nguội” thì việc tìm khách để đòi lại tiền nộp phạt chẳng khác nào “mò kim đáy bể”. Giá mà CSGT có cách nào đó thông báo ngay vi phạm, những người kinh doanh như chúng tôi đỡ lo hơn”, chị Q. than thở.

Không làm kinh doanh dịch vụ, nhưng anh Lê Công A. (ở Đống Đa, Hà Nội) có thói quen cứ khoảng dăm ngày lại vào trang web của Cục CSGT, Công an các tỉnh tra cứu thông tin xe vi phạm giao thông.

“Lần trước đi đăng kiểm tôi mới biết xe mình vi phạm giao thông bị “phạt nguội”. Việc thông báo vi phạm giao thông thất lạc, hoặc mất thời gian lâu để gửi qua chuyển phát bưu điện. Lúc đó, có khi tôi đã bán xe mới nhận được thông báo phạt nguội, hoặc người chủ sau của chiếc xe khi đi đăng kiểm lại là người nhận được thông báo nộp phạt. Giá có app liên thông với hệ thống của CSGT, cứ xe mình vi phạm là nhận được thông báo thì thật thuận tiện”, anh A. nói.

Theo số liệu thống kê của Cục CSGT, sau hơn 8 tháng đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống camera giám sát xử lý vi phạm trên 2 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cục đã phát hiện, ghi nhận hơn 28.000 trường hợp vi phạm giao thông.

Ngoài các trường hợp bị lập biên bản, xử lý tại chỗ, lực lượng CSGT gửi thông báo vi phạm đến 24.167 chủ phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, đến nay số người vi phạm đến thực hiện lập biên bản, nhận quyết định xử phạt mới chỉ có… 6.474 trường hợp.

Một cán bộ Đội Xử lý vi phạm, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội chia sẻ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nộp phạt thấp so với tổng số vi phạm là quy trình gửi thông báo vi phạm còn khá thủ công.

Theo đó, khi hệ thống giám sát hoặc từ phản ánh của người dân ghi nhận vi phạm của phương tiện, CSGT sau khi trích xuất được địa điểm hoặc tuyến đường vi phạm, thời điểm vi phạm, lỗi vi phạm và biển số xe sẽ in thông báo vi phạm, gửi công an địa phương nơi chủ xe vi phạm cư trú.

Sau đó, công an địa phương sẽ chuyển thông báo đến chủ xe và mời chủ xe đến trụ sở CSGT nơi xe vi phạm để giải quyết, đồng thời gửi thông báo vi phạm lên hệ thống đăng kiểm xe. Nếu chủ xe bán xe hoặc chuyển địa chỉ nhà, việc gửi thông báo vi phạm về gia đình không có hiệu quả.

Thông tin vi phạm sẽ hiển thị qua app

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật, Cục CSGT cho biết, để nâng cao hiệu quả “phạt nguội” vi phạm giao thông, Cục CSGT đang phối hợp với đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng phần mềm (app) về “phạt nguội”.

Theo đó, chủ phương tiện chỉ cần tải app này về điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân là dễ dàng tra cứu cũng như nhận thông tin về phương tiện của mình có dính lỗi “phạt nguội” hay không.

Dự kiến, app cũng cho phép tích hợp việc lập và gửi biên bản vi phạm hành chính, giúp cho chủ phương tiện không phải đi lại nhiều lần như hiện nay; tích hợp tiện ích liên kết với ngân hàng để người vi phạm có thể nộp phạt ngay trên hệ thống.

Ủng hộ giải pháp này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, khi thông tin vi phạm giao thông không được cập nhật kịp thời, có thể gây ra hệ quả như người vi phạm không bị xử lý, dẫn đến nhờn luật; người vi phạm bị xử lý mà không biết dẫn đến chậm trễ nộp phạt...

“Thông tin xử lý vi phạm kịp thời, minh bạch vừa tiện lợi cho chủ phương tiện, vừa hiệu quả cho công tác xử lý vi phạm, tránh trường hợp xe vi phạm cả tháng, thậm chí cả năm chủ phương tiện không hay biết. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại như vậy là xu hướng cần thiết cho mọi lĩnh vực”, luật sư Cường phân tích.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP HCM cũng đồng tình ủng hộ việc xây dựng app xử lý vi phạm giao thông, đồng thời cho rằng: “Công nghệ và phần mềm kết nối đem lại tiện ích cho cả tài xế, chủ xe và lực lượng chức năng, lại dễ dàng cho công tác tra cứu, lưu trữ dữ liệu xử lý vi phạm”.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, từ ngày 1/1/2022, Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) có hiệu lực đã bổ sung một số quy định về xử lý lập biên bản, thẩm quyền xử phạt… Đây là điều kiện thuận lợi để Cục CSGT phối hợp với đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng phần mềm xử lý vi phạm giao thông để vừa hỗ trợ người tham gia giao thông, vừa hỗ trợ lực lượng chức năng trong quản lý phương tiện và xử lý vi phạm giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.