Xã hội

Có cần “học kỳ quân đội” cho phụ huynh?

17/07/2015, 09:34

Bạn chat với tôi, giọng có vẻ bức xúc: “Bây giờ đang có mốt cho trẻ con đi “học kỳ quân đội” bạn ạ.

61
“Học kỳ quân đội” giúp trẻ rèn luyện tính tự lập, kỷ luật... nhưng không mang tính lâu dài nếu bố mẹ không làm gương cho trẻ - Ảnh: Cẩm Nguyên

Tôi hiểu sự bức xúc ấy có ý nghĩa gì nhưng là một người làm cha có tư tưởng “thoáng”, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, lẽ ra người ta phải tổ chức những khóa học nho nhỏ như thế cho bọn trẻ từ lâu rồi và những lớp kỹ năng sống cơ bản cho con trẻ phải được giảng dạy từ nhiều năm trước.

Nhưng, vì nhiều lý do, chủ yếu là người lớn luôn “bận”, mà quên đi một điều quan trọng rằng, không có đầu tư nào tốt hơn là đầu tư vào chính con cái họ. Cũng không ít người đã cố gắng làm điều ấy, bằng cách cho con cái vào những trường quốc tế, hoặc nửa quốc tế nửa Việt, với hy vọng rằng chúng sẽ lĩnh hội được tất cả những điều “văn minh” trong một nền giáo dục tiên tiến được trả bằng rất nhiều tiền.

Trên thực tế, đấy là một tư duy sai lầm, bởi bọn trẻ vẫn sống trong một môi trường Việt, tư duy như đại đa số những người xung quanh và nhìn cha mẹ chúng để học cách đối xử với đời.

Tôi lại cho rằng, chính những bậc phụ huynh ấy cần một “Học kỳ quân đội” trước khi đưa con vào những lớp học như thế. Đưa chúng đến đó chỉ là phần ngọn của một vấn đề mang tính lâu dài bởi bọn trẻ không thể học cái hay, cái tốt đẹp, kể cả cái “khổ” ở đó mà rốt cục sau khi trở về nhà, chúng không áp dụng được. Bởi, cha mẹ chúng không làm gương và không hiểu ý nghĩa của việc này.

Cách đây chưa lâu, một người bạn khoe: “Tao vừa gửi con đi “bộ đội” để rèn luyện trong môi trường kỷ luật”. Tôi viết lại cho bạn ngay rằng: “Cậu muốn rèn kỷ luật cho nó ở chỗ khác, trong khi chính cậu không thể làm gương, thì hiệu quả ở chỗ nào?”. Bạn thường xuyên nhậu xỉn, tối mịt mới về nhà và rất ít khi chơi đùa cùng con cái. Mùa hè của bạn là những chuyến đi nghỉ mát với các cuộc nhậu bên bờ biển, là những màn “tá lả” thâu đêm và nghĩ rằng vứt cho lũ con cái iPad là đã hoàn thành trách nhiệm.

Những năm ở Ý, tôi thấy lũ trẻ bên này không cần bất cứ “Học kỳ quân đội” nào cả, bởi ngày nào chúng cũng được trải nghiệm cuộc sống một cách chủ động và tích cực. Tôi nhận thấy một điều: Bọn trẻ “Tây” bận rộn quá, cả đầu óc lẫn chân tay, bởi bố mẹ chúng tạo cho chúng một môi trường như vậy, nhà trường tạo điều kiện cho chúng như vậy và xã hội ủng hộ điều đó.

Trong năm học, chúng học từ sáng đến chiều, sau đó đi học ngoại khóa (bơi lội, bóng đá, thể dục nhịp điệu, nhảy, múa ballet) hoặc được cha mẹ, ông bà đưa ra công viên chơi. Cuối tuần cả gia đình cùng đi dã ngoại ở những công viên lớn hoặc khu bảo tồn quốc gia, đi bảo tàng, đi triển lãm... tóm lại là không bị cuốn theo guồng “xay thịt” kinh khủng của việc phải nhồi nhét kiến thức trong những giờ học thêm, không bị cha mẹ đẩy vào các cuộc đua tranh với chúng bạn bằng cách phải học cái này, học cái kia để đem khoe với người khác.

Tôi hầu như không thấy một đứa trẻ nào ôm iPad, bởi chúng quá bận với những việc khác: Vẽ, viết lách, chạy nhảy trong các trung tâm thể thao. Lớp con gái tôi là một ví dụ sinh động của những điều ấy:

Bọn trẻ háo hức với những “dự án” làm báo cho lớp, thành lập ban nhạc, tham gia một cách vui vẻ trong những lớp học diễn xuất, các giờ học làm phim. Những kỹ năng sống được dạy một cách khéo léo và lồng ghép không chỉ trong các giờ học chính khóa ở trường hay giờ ngoại khóa, mà trước hết từ trong gia đình, ở chính bố mẹ, ông bà chúng. Nếu bạn lười vận động, bạn không thể bảo con bạn phải chăm đi bộ hay đạp xe. Nếu bạn không đọc sách, bạn khó có thể dạy con bạn yêu văn học hoặc đơn giản là kiếm tìm thông tin trong sách vở.

Khái niệm “con ngoan, trò giỏi” theo quan niệm ở mình là một điều gì đó cực kỳ xa lạ với những xã hội đã phát triển như phương Tây. Người ta hướng những đứa trẻ đến sự năng động, sáng tạo, sự khác biệt và phát triển của chúng trong xã hội, chứ không tạo ra những cái máy thụ động và “khôn lỏi”.

Và sự khác biệt rất cá nhân ấy cần được bắt đầu từ các “học kỳ quân đội”, trong chính các gia đình. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.