Thời sự

Có cảng biển, cao tốc và sân bay, Ninh Thuận chờ bứt phá

14/09/2022, 07:00
image

Có cao tốc, cảng biển, đường sắt và sắp tới là sân bay Thành Sơn, tỉnh Ninh Thuận sẽ có nhiều cơ hội thu hút đầu tư và phát triển bứt phá.

Ninh Thuận là tỉnh cuối cùng của Nam Trung bộ, kết nối giữa miền Nam với miền Trung. Án ngữ trên QL1 Bắc – Nam nhưng xưa nay vẫn là tỉnh nghèo.

Nay có đường cao tốc đi qua, có cảng biển Cà Ná và có thể sắp tới là sân bay Thành Sơn, Ninh Thuận đang đứng trước một cơ hội bứt phá.

img

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: Đặng Đại

Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Vinh – Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận, trước cơ hội bứt phá này.

Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Ninh Thuận đang có những chuyển biến rõ rệt. Thưa ông, hình dung hạ tầng giao thông của tỉnh những năm tới đây khi hoàn thành sẽ như thế nào?

Trước hết, dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đoạn qua tỉnh Ninh Thuận 61,5km đang được ráo riết hoàn thành trong năm 2023. Đây là động lực rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.

Ở trên tuyến cao tốc này, có 3 nút giao quan trọng kết nối với các quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng trong tỉnh.

Đó là các nút giao Thuận Nam, Ninh Sơn và Thuận Bắc. Khoảng cách mỗi nút giao khoảng 20-25km, nối với QL1, QL27 (đi Lâm Đồng và các tỉnh cao nguyên).

Chúng tôi đánh giá các nút giao này chính là những mối nối quan trọng trong lưu thông, vận chuyển hàng hoá, phát triển du lịch… của địa phương để hoà mình vào dòng huyết mạch của nền kinh tế, đặc biệt là với TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

img

Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Hình dung là khi đường cao tốc hoàn thành, cây trái và thuỷ hải sản ở Ninh Thuận chỉ mất hơn 3 giờ là có mặt ở các chợ đầu mối TP.HCM.

Điều này đang tạo ra một sự phấn chấn rất lớn cho người dân tỉnh nhà và chắc chắn cũng trong “tầm ngắm” cho các nhà đầu tư khi đất đai, nhân công ở Ninh Thuận còn khá rẻ so với mặt bằng chung.

Xác định được lợi thế về đường cao tốc, Ninh Thuận đang đầu tư một tuyến đường từ cảng Cà Ná nối với cao tốc, dài khoảng 22,5km.

Tổng mức đầu tư khoảng 900 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh dùng ngân sách đầu tư công là 651 tỉ đồng cho đoạn trên 9km, giao Ban QLDA tỉnh làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, Tập đoàn Trung Nam (một doanh nghiệp đầu tư lớn về năng lượng sạch ở Ninh Thuận) hỗ trợ khoảng 251 tỉ đồng làm 4 km.

Phần còn lại do Ban quản lý các KCN của tỉnh đầu tư. Tức đầu tư xã hội hoá, không phải hợp đồng BOT.

Bên cạnh đó, Ban QLDA tỉnh và Sở GTVT cũng đang đầu tư đường Văn Lâm – Sơn Hải kết nối đường ven biển; kết nối đèo Khánh Nhơn và QL1 với cao tốc.

Ở phía Tây chúng tôi có QL27 đi Lâm Đồng. Tuy nhiên đường này nhỏ (12m, 2 làn xe), cho nên tỉnh vừa quy hoạch một tuyến song song cách QL27 khoảng 2km, nối từ cao tốc xuống TP Phan Rang – Tháp Chàm, rộng 27m, 4 làn xe; vừa để giảm tải cho QL27 vừa chỉnh trang đô thị và vừa làm động lực phát triển dịch vụ, du lịch, địa ốc trên tuyến đường mới này.

Một tuyến kết nối liên vùng nữa là từ Tân Sơn đi Đức Trọng, dài 62km, 1.490 tỉ đồng. Tỉnh là chủ đầu tư, đang thi công. Con đường này sẽ là kênh giao thông hàng hoá quan trọng giữa cao nguyên Lâm Đồng với các tỉnh thông qua Ninh Thuận.

Với những dự án đó, tỉnh ưu tiên cho những phần việc nào trước?

Vừa rồi Sở phối hợp với Ban QLDA tỉnh lập 14 chủ trương đầu tư (dự án) nhưng nguồn vốn có hạn nên trước mắt triển khai đường cảng Cà Ná, đường ven biển Văn Lâm - Sơn Hải, đường vành đai phía Bắc.

Những tuyến xương cá nối với cao tốc hoặc kết nối phát triển du lịch thì sẽ làm khi bố trí được nguồn vốn.

Hiện dự án đầu tư công nghị quyết thông qua nguồn vốn khoảng 8.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, hạ tầng giao thông toàn tỉnh được phê duyệt nguồn vốn khoảng 2.000 tỉ đồng nên phải “liệu cơm gắp mắm”.

Tuy nhiên, quyết tâm của tỉnh rất cao khi hình dung ra bản đồ giao thông có tác động rất mạnh mẽ đến phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân tỉnh nhà.

Ông hình dung như thế nào về sự phát triển của tỉnh trong những năm tới, khi hệ thống hạ tầng giao thông phát huy tác dụng?

Chỉ trong năm 2023, về đường bộ gần như Ninh Thuận hoàn chỉnh việc kết nối vào đường cao tốc.

Như vậy chúng tôi có đường bộ và đường cao tốc Bắc – Nam, có QL27 nối lên cao nguyên, có 64km đường sắt đi qua, có cảng biển Cà Ná.

Để nắm bắt thời cơ đó, tỉnh đã có phê duyệt 2 đề án phát triển kinh tế xã hội. Một đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên 800ha, để thu hút các nhà đầu tư.

Ở đây có cảng cạn 60ha và cảng biển tiếp nhận tàu 300.000 tấn. Một đề án khác về kinh tế biển. Những tuyến đường hình thành như trao đổi ở trên có vai trò rất quan trọng trong các đề án kinh tế này.

Ngoài ra, hiện nay KCN Du Long của tỉnh cũng đang “thức giấc”. KCN này có từ hơn 20 năm nay nhưng vắng lặng, nay với sự khởi động mới đã có tín hiệu nhà đầu tư tìm đến.

Bộ GTVT đang trình Chính phủ bổ sung sân bay Thành Sơn vào quy hoạch. Đây có phải là thêm một lợi thế cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận không, thưa ông?

Đúng là rất lợi thế. Thủ tướng Chính phủ trong đợt làm việc với tỉnh Ninh Thuận đã gợi ý nên xem xét khai thác sân bay quân sự Thành Sơn cho phát triển kinh tế. Chúng tôi biết hiện Bộ GTVT đang tham mưu cho Chính phủ bổ sung sân bay này vào quy hoạch.

Cũng có vài ý kiến dùng dằng về việc sân bay này sẽ nằm quá gần sân bay Cam Ranh và sân bay Phan Thiết (đang triển khai). Nhưng vấn đề đây không phải là sân bay làm mới mà là sân bay có sẵn, tận dụng và khai thác rất dễ, thuận lợi.

Với lợi thế sân bay có sẵn thì chi phí đầu tư khai thác thấp, hiệu quả cao. Chúng tôi rất kỳ vọng Chính phủ sớm phê duyệt đưa vào quy hoạch.

Khi đó, Ninh Thuận sẽ là tỉnh từ rất yếu thế trong phát triển kinh tế xã hội sẽ có đầy đủ các lợi thế về hạ tầng giao thông là cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt thì chắc chắn sẽ có cơ hội bứt phá, làm sung túc đời sống người dân và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Ông Nguyễn Văn Vinh cũng cho biết, hiện tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt 84km đang được Bộ GTVT giao cho Công ty CP Thương mại Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (công ty Bạch Đằng) nghiên cứu để Bộ thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề xuất của công ty này. Tổng mức đầu tư khoảng 26.000 tỉ đồng.

Theo ông Vinh, 26.000 tỉ là con số rất lớn, trước mắt có thể khó huy động nhưng nếu khả thi, thì đây sẽ là thêm một lợi thế nữa trong phát triển kinh tế cho tỉnh Ninh Thuận với điểm nhấn “con đường di sản”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.