Quản lý

Cơ chế chia sẻ rủi ro thế nào để nhà đầu tư PPP yên tâm rót vốn?

18/11/2020, 07:38

Một trong những điều các chuyên gia, nhà đầu tư hạ tầng giao thông quan tâm nhất hiện nay là cơ chế chia sẻ rủi ro được Nhà nước đảm bảo ra sao?

img
Theo Bộ KH&ĐT, sau khi Luật PPP ra đời, các quy định có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật (Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng)

Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Để triển khai thực hiện, Chính phủ dự kiến ban hành 3 nghị định hướng dẫn.

Điều mà các chuyên gia và nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông quan tâm nhất hiện nay là cơ chế chia sẻ rủi ro; nguyên tắc bình đẳng, hài hòa lợi ích các bên sẽ được Nhà nước đảm bảo ra sao, cụ thể hóa như thế nào tại các nghị định này.

Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, chính sách ổn định

Liên quan tới các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật PPP, đại diện Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đều cho biết đã hoàn tất nội dung dự thảo 3 nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PPP; Nghị định quy định về lựa chọn nhà đầu tư và nghị định quy định về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Bên cạnh chính sách thì việc thực thi của từng tổ chức, cá nhân người triển khai các dự án mới là điểm mấu chốt. Chính sách, pháp luật không thể hạn chế mọi trường hợp mà phải gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu trong quá trình thực thi chính sách đó. Vì vậy, từng cơ quan được giao nhiệm vụ cần nâng cao trách nhiệm của mình và dám chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả đầu tư dự án”.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT


Theo đó 2 dự thảo đầu tiên do Bộ KH&ĐT chủ trì đã trình Chính phủ phê duyệt; còn lại dự thảo do Bộ Tài chính chủ trì vẫn đang trong quá trình tổng hợp lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp...

“Tới thời điểm này, các ý kiến cơ bản đều thống nhất với dự thảo Nghị định quy định về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến của Bộ Tư pháp, GTVT, Công thương…, hay 2 địa phương có nhiều dự án PPP trọng điểm là TP HCM và Hà Nội. Dự kiến, đầu tháng 12 sẽ trình Chính phủ phê duyệt”, đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ KH&ĐT khẳng định, các nghị định hướng dẫn sẽ khơi thông những vướng mắc về cơ chế để thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.

Trong đó, tính ổn định của cơ chế chính sách - điều mà các nhà đầu tư vốn lo ngại trước đây, nay đã được đảm bảo do đã có văn bản cấp Luật về PPP mà không cần phải “vay mượn” các luật khác như trước đây.

“Quy định chi tiết cho hoạt động PPP ở giai đoạn trước chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Sau khi Luật PPP ra đời, các quy định có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật. Dự thảo các nghị định được xây dựng với định hướng chi tiết tối đa các nội dung được luật giao”, bà Lê nhấn mạnh.

Để thu hút nguồn lực đầu tư, nguyên tắc bình đẳng giữa cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư cũng được thể hiện rõ tại các quy định về Hợp đồng của Luật PPP và hướng dẫn về mẫu hợp đồng, chấm dứt hợp đồng của dự thảo Nghị định.

“Nếu nhà đầu tư trúng thầu nhưng không thực hiện đúng cam kết trong quá trình thực hiện thì sẽ phải chịu phạt; khi xác định nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể chấm dứt hợp đồng. Ngược lại nếu cơ quan Nhà nước không thực hiện đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư cũng phải chịu cơ chế tương tự; khi xác định phía Nhà nước vi phạm thì thực hiện cơ chế phạt, bồi thường. Tất cả đều có thể căn cứ từng hợp đồng cụ thể để đưa ra mức xử lý”, bà Lê dẫn giải.

Ngoài ra, tại cấp nghị định, toàn bộ các khâu của quy trình lựa chọn nhà đầu tư sẽ được chi tiết hóa, bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể khi triển khai.

Đồng thời, các điểm mới trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư cũng sẽ được quy định rõ hơn, ví dụ: Tích hợp bước phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đồng thời với phê duyệt dự án; bổ sung quy định về đàm phán cạnh tranh hướng tới các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới…

Không còn chuyện áp đặt một chiều

Từ thực tế triển khai các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian qua, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu chính là một trong các điểm then chốt được các nhà đầu tư quan tâm khi quyết định có rót vốn đầu tư hay không.

Vấn đề này đã được quy định rõ trong Luật PPP nhưng cách thức cụ thể ra sao lại được thể hiện ở Nghị định quy định về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Trao đổi với PV, ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, trước đây, dù trong hợp đồng đều có quy định chia sẻ phần tăng giảm nhưng lại chưa có quy định chi tiết để chứng minh chênh lệch doanh thu nên chúng ta không có cách kiểm soát chuẩn. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, trong Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đã cụ thể quy trình thủ tục này.

Cụ thể, theo Dự thảo, khi xuất hiện tình huống buộc chia sẻ doanh thu, các bên liên quan sẽ phải tuân thủ đúng quy trình sau: Trước hết, nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cùng xác nhận tình huống; tiếp theo Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để đối chiếu doanh thu với phương án tài chính dự toán ban đầu đã ký trong hợp đồng nhằm xác định có hay không chuyện doanh thu vượt quá 125% hoặc thấp hơn 75%; cuối cùng cơ quan nhà nước với nhà đầu tư chốt phương án chia sẻ cụ thể.

Trong trường hợp giảm doanh thu, cơ quan Nhà nước phải đưa ra phương án chi phát sinh gửi Bộ Tài chính tập hợp báo cáo kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng quỹ dự phòng ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư.

Cũng theo ông Tuấn Anh, nguyên tắc bình đẳng được thể hiện ngay từ cách cơ quan Nhà nước ra “đầu bài” kêu gọi đấu thầu dự án PPP.

“Không giống như trước đây, nhà đầu tư cứ thấy công trình là nhảy vào làm, không lường hết các tình huống nên rất khó xử lý các trường hợp phát sinh ngoài hợp đồng. Giờ đây, dự án PPP quy định phải đấu thầu, cơ quan Nhà nước ra “đầu bài” rõ ràng, nhà đầu tư chấp nhận thì làm và xây dựng hợp đồng trên nguyên tắc bình đẳng mối quan hệ, cả hai bên đều có quyền lựa chọn các điều khoản để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ; không còn chuyện sử dụng quyền lực Nhà nước để áp đặt từ trên xuống”, ông Tuấn Anh phân tích.

Trước băn khoăn Luật PPP chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới mà chưa làm rõ phạm vi cũng như hướng dẫn áp dụng đối với các dự án đã và đang triển khai, ông Tuấn Anh khẳng định: “Luật chỉ áp dụng cho các dự án mới. Đối với những vướng mắc do lịch sử để lại cần phải có phương án xử lý tình huống cá biệt. Bộ KH&ĐT phải có trách nhiệm đề xuất phương án xử lý”.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

"Hợp đồng PPP thực chất là hợp đồng trách nhiệm Nhà nước với các nhà đầu tư tư nhân. Trong hợp đồng đã quy định rất rõ ràng, nhà đầu tư có trách nhiệm gì, góp vốn bao nhiêu %, tiến độ giải ngân ra sao, Nhà nước có trách nhiệm thế nào. Khi đã có hợp đồng thì phải thực hiện theo hợp đồng. Không thể hợp đồng đã ký rồi mà không thực thi, như thế thì ai còn dám bỏ vốn đầu tư?".

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng:

"Hiện nay một số dự án PPP đã triển khai đang gặp khó khăn, nên phải xem xét để có phương án tháo gỡ, chẳng hạn như dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hay dự án ở Bình Dương, Bình Phước, Nhà nước phải mua lại dự án. Những dự án nào nếu áp dụng quy định cũ, hoặc theo Luật PPP mà có lợi hơn cho doanh nghiệp thì nên áp dụng".

ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
"Với dự án cao tốc Bắc - Nam ở một số đoạn đang kêu gọi nhà đầu tư tư nhân vào đầu tư nhưng chưa tìm được nhà đầu tư. Chúng ta phải xem tại sao lại có hiện tượng đó. Còn đối với những dự án đã triển khai, cần đối chiếu các quy định để xem, nếu những gì trong hợp đồng chưa thực hiện thì làm lại, điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư".

Ông Đặng Xuân Chinh, Trưởng ban Pháp chế, Tập đoàn Đèo Cả:
Quy định chồng chéo về việc góp vốn chủ sở hữu

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 44, Luật PPP, tại thời điểm thành lập doanh nghiệp dự án, chỉ xác định được tổng số vốn góp của chủ sở hữu là 15% tổng mức đầu. Trong khi đó, Khoản 2, Điều 77, Luật PPP lại cho phép nhà đầu tư được phép góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ thỏa thuận tại hợp đồng.

Tôi cho rằng, việc áp dụng thực hiện các quy định này trong đăng ký kinh doanh sẽ vướng mắc với quy định tại Điều 112, Luật Doanh nghiệp (các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).

Nếu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đăng ký góp theo tiến độ thì không đảm bảo điều kiện cấp giấy đăng ký doanh nghiệp. Ngược lại, trường hợp đăng ký góp đủ vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày trong khi nhà đầu tư chưa sử dụng đến sẽ làm lãng phí, giảm nguồn lực của nhà đầu tư.

Do đó, chúng tôi đề nghị, trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP cần bổ sung nội dung hướng dẫn chi tiết về việc xác định vốn điều lệ tại thời điểm thành lập doanh nghiệp dự án.

Đình Quang (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.