Y tế

Cơ chế, chính sách nào để tăng tỷ lệ hiến tạng sau chết não?

05/03/2025, 17:23

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Việt Nam có tỷ lệ ghép tạng cao nhất Đông Nam Á với hơn 1.000 ca/năm nhưng tỷ lệ hiến tạng sau chết não lại thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Nhiều đề xuất về cơ chế, chính sách được đặt ra để tăng tỷ lệ hiến tạng.

Tỷ lệ hiến tạng sau chết não thấp nhất thế giới

Tại Hội thảo Tăng cường vai trò truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng từ người hiến sau chết/chết não do Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam vừa tổ chức, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam có tỷ lệ ghép tạng cao nhất Đông Nam Á với hơn 1.000 ca/năm nhưng tỷ lệ hiến tạng sau chết não lại thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Cơ chế, chính sách nào để tăng tỷ lệ hiến tạng sau chết não?- Ảnh 1.

Ê kíp bác sĩ đang thực hiện một ca ghép tạng. (Ảnh: T.P)

Chia sẻ thêm thông tin, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho hay, chúng ta đã hình thành mạng lưới bệnh viện hiến và ghép trong cả nước, đã bắt đầu phát huy vai trò, xuất hiện nhiều bệnh viện lần đầu vận động người chết não hiến tạng.

"Số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau chết đã cao gấp nhiều lần tổng số người đăng ký những năm trước đó, và con số thực tế ghi nhận được trong năm 2024, số người bệnh hiến tạng sau chết là 41 ca, đây là con số kỷ lục của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, cao hơn số ca hiến tạng của 3 năm trước (2021, 2022, 2023) cộng lại (36 ca)", bà Tiến cho biết.

Tính đến 14/10/2024, có 102.759 người người đăng ký hiến tạng trong cả nước; Đăng ký hiến tạng được thực hiện online qua đường link: vnhot.vn; hotline: 0915060550.

Theo Thứ trưởng Thuấn, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hiến, lấy, ghép mô tạng phát triển mạnh mẽ và bền vững. Tuy nhiên, ông Thuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguồn hiến tạng từ người chết/chết não vẫn khan hiếm, trong khi nhu cầu ghép tạng ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức cộng đồng còn hạn chế, công tác truyền thông, vận động chưa thực sự hiệu quả.

Cùng đó, vẫn còn những khoảng trống cần được lấp đầy. Hiện nay, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng cho hoạt động tư vấn hiến tặng mô, tạng từ người chết não, chết tim. Chỉ một số bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng do chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp. Công tác truyền thông dù đã được đẩy mạnh nhưng chưa đủ rộng và hiệu quả, nhiều người dân vẫn e ngại, hiểu biết hạn chế, thậm chí lo ngại về tâm linh, đạo đức.

Nâng cao hiệu quả quá trình điều phối hiến ghép tạng

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho rằng ở nhiều nước phát triển, tư vấn hiến tặng mô, tạng tại bệnh viện là một phần quan trọng trong hệ thống y tế. Đội ngũ tư vấn được đào tạo bài bản, hưởng chế độ đãi ngộ hợp lý, giúp gia đình người bệnh hiểu rõ ý nghĩa nhân văn của hiến tạng và đưa ra quyết định đúng đắn. Đây là mô hình Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng phù hợp.

Do đó, bên cạnh công tác truyền thông, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, các tổ chức xã hội, tôn giáo và đặc biệt là bệnh viện, nơi tiếp cận trực tiếp với người bệnh. Những câu chuyện về người hiến tạng và người bệnh được ghép tạng thành công cần được lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy phong trào hiến tặng mô, tạng phát triển bền vững.

Theo ông Thuấn, để có thể lấp đầy những khoảng trống này, trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, trong đó Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, bệnh viện thành lập đội ngũ tư vấn hiến tặng mô, tạng, đảm bảo có chế độ đãi ngộ phù hợp, giúp họ yên tâm công tác.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống hiến tặng mô, tạng phát triển, đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về tư vấn hiến tạng.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền theo hướng đa dạng hóa hình thức, tận dụng các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, các kênh truyền hình, báo chí để lan tỏa thông điệp về hiến tạng, giúp thay đổi nhận thức cộng đồng một cách bền vững.

Xây dựng mạng lưới kết nối giữa các bệnh viện có thực hiện ghép tạng để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đồng thời phối hợp với các tổ chức tôn giáo, đoàn thể, nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong xã hội.

Bà Kim Tiến cũng đề xuất cần có chính sách ưu đãi, khen thưởng và vinh danh những gia đình đồng ý hiến tạng của người thân sau chết não; Cần hỗ trợ tâm lý, cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho gia đình người hiến, giúp họ hiểu và chấp nhận quyết định hiến tạng.

Cùng đó cần có ngày hiến tạng Việt Nam và tăng cường tri ân các gia đình hiến tạng của người thân chết não. Sử dụng các nền tảng công nghệ để quản lý thông tin người hiến và người nhận, đảm bảo minh bạch và hiệu quả trong quá trình điều phối.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.