Xã hội

Cơ chế đặc thù cho 4 địa phương: Đại biểu lo kéo co "tấm chăn" ngân sách

27/10/2021, 12:11

Bàn về cơ chế đặc thù cho 4 địa phương, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề cân đối ngân sách.

Kéo bên này khi co lại phía bên kia

Sáng nay (27/10), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế.

img

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)

Bàn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề cân đối ngân sách.

Theo ông Tạo, trước quý I/2021 có 16 tỉnh, thành phố có điều tiết ngân sách về Trung ương, trong đó có Hà Nội, 4 thành phố trực thuộc Trung ương…

Đại biểu đoàn Lâm Đồng cho biết, thời gian qua các địa phương này có kiến nghị giãn tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Do đó, ông Tạo cho rằng, cần quan tâm đến nhóm địa phương có quyết tâm chính trị cao hay đã có nghị quyết về địa phương phấn đấu đến năm 2025 tự cân đối về ngân sách, cũng như đến năm 2030 có thể điều tiết ngân sách cho Trung ương.

Đây là những địa phương rất cần có những chính sách đặc thù giúp rút ngắn thời gian tự cân đối ngân sách hoặc điều tiết ngân sách về Trung ương.

Theo ông Tạo, ngân sách Nhà nước dự báo sẽ khó khăn trong thời gian tới đây do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó việc điều tiết ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách là hết sức vất vả.

"Tấm chăn ngân sách Nhà nước kéo bên này khi co lại phía bên kia, co lại bên kia thì bị kéo lại phía bên này", ông Tạo cho biết.

Sao không trao cơ chế đặc thù cho các địa phương đã phát triển?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) và đại biểu Bùi Xuân Thống (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, điều quan trọng là phải đặt cơ chế chính sách trong tổng thể nền kinh tế, không phải từng tỉnh riêng lẻ.

Trong 16 địa phương có kết dư điều tiết ngân sách về Trung ương thì chỉ có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng được trao cơ chế chính sách đặc thù. Trong khi nguồn lực quốc gia còn thiếu và yếu, câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng mang ý nghĩa sống còn trong thời gian qua, nhất là khi đất nước trải qua đợt dịch nặng nề.

"Tại sao không trao cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển để dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng?", đại biểu Nhân đặt câu hỏi.

img

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp)

Cần đột phá nhưng cần các tiêu chí cụ thể

Đồng tình việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 tỉnh thành phố, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, địa phương nào có khó khăn thì có những chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Còn những địa phương nào có tiềm lực phát triển kinh tế lớn cần có những cơ chế chính sách đủ mạnh để tạo động lực.

"Tấm chăn" ngân sách kéo được bên này thì sẽ mất bên kia nhưng chúng ta cần phải tạo điều kiện cho một số địa phương phát triển đủ mạnh thoát ra khỏi "tấm chăn" này. Các nhóm chính sách cho 4 tỉnh, thành phố trong dự thảo là cơ hội để cho các địa phương đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế riêng, qua đó tạo ra sự lan toả", bà Hoa đánh giá.

Đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) nêu thực tế, hiện nhiều địa phương đều mong muốn có cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế xã hội. Nhiều địa phương đã có Nghị quyết của Trung ương, có địa phương nằm trong vùng trọng điểm về kinh tế, an ninh quốc phòng.

Do đó, việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thoả, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo của các địa phương chưa được hoặc không được hưởng cơ chế đặc thù.

"Chính phủ, các cơ quan liên quan, các địa phương liên quan cần nghiên cứu, giải trình hoặc triển khai minh bạch, tạo thống nhất và minh bạch trong nhân dân. Cần xác định những nội dung chưa có trong luật, xác định tiêu chí thỏa đáng, tránh cơ chế xin cho, quyết định cảm tính", ông Chung đề xuất

Ngoài ra theo đại biểu đoàn Phú Thọ, nên chú trọng phân cấp, phân quyền, hạn chế phân bổ thêm nguồn lực của Trung ương. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ hiệu quả của chính sách thí điểm, những địa phương được đặc thù có đóng góp cho đất nước thế nào so với thời điểm trước thí điểm.

Phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách, mức dư nợ vay của địa phương không được vượt quá 20%, tuy nhiên thực tế chưa sử dụng hết định mức hiện tại như tỉnh Thanh Hóa, năm 2021 mức dư nợ vay tối đa là 2.636 tỷ đồng nhưng mức dư nợ vay đến cuối năm nay chỉ đạt 27% mức trên; đồng thời tại các địa phương đang thực hiện cơ chế chính sách đặc thù thì trần dư nợ vay đều thấp hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép.

Do đó đại biểu cho rằng cần làm rõ cơ sở xây dựng hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế và nguồn trả nợ vay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.