Quản lý

Cơ chế đặc thù gỡ vướng vật liệu làm cao tốc

28/06/2021, 06:50

Việc thiếu hụt vật liệu cho các dự án cao tốc Bắc - Nam xem như đã được cởi “nút thắt”, vấn đề còn lại là việc triển khai của các địa phương.

img

Việc áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60 giúp tháo gỡ khó khăn trong cung cấp vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam(Thi công trên công trường gói thầu XL-03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tháng 6/2021). Ảnh: Vĩnh Phú

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam, tháo gỡ vướng mắc khâu cấp phép mới, tăng công suất cho các mỏ đã cấp phép.

Như vậy, việc thiếu hụt vật liệu cung cấp cho các dự án cao tốc Bắc - Nam xem như đã được cởi “nút thắt”, vấn đề còn lại là việc triển khai của các địa phương ra sao.

Vận dụng tối đa quy định, rút ngắn thời gian

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi nhận được văn bản của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các Ban QLDA để triển khai kịp thời.

Còn ông Phạm Văn Hoành, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo tinh thần của Nghị quyết 60, khi triển khai thì Thanh Hóa không gặp khó khăn gì, do trên địa bàn có nhiều mỏ đất, đá.

Ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn do Ban QLDA 6, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư (dự án Mai Sơn - QL45; QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu), tỉnh đã mời đại diện cả 3 Ban QLDA vào làm việc, thông tin về các mỏ được quy hoạch.

Trên cơ sở đó, các Ban QLDA rà soát xem những mỏ nào đảm bảo đúng chất lượng, đúng yêu cầu phục vụ cho dự án thì có đề xuất cụ thể để tỉnh cấp phép.

Tuy nhiên, ông Hoành cho biết, riêng đối với cấp phép các mỏ không qua đấu giá, thời gian nhanh nhất phải mất 1,5 năm mới được khai thác.

Theo đó, sau khi đưa vào khu vực không đấu giá thì phải lập hồ sơ thăm dò, sau đó đến khâu thẩm định thăm dò. Tiếp đến, trình hồ sơ thẩm định lên UBND tỉnh để ra quyết định được thăm dò (thời gian thăm dò theo quy định 24 tháng). Sau đó, đơn vị được khai thác sẽ làm và trình hồ sơ phê duyệt trữ lượng rồi lập hồ sơ khai thác.

“Vì thế, rất khó để doanh nghiệp mặn mà đấu giá do có trúng đấu giá thì cũng chỉ được phục vụ riêng dự án cao tốc, trong khi chỉ 2 năm nữa là các dự án hoàn thành”, ông Hoành nói và cho biết, qua trao đổi thì ý kiến của 3 Ban đều cho biết nguồn vật liệu phục vụ cho cao tốc của các mỏ cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tổng số 30 mỏ đất san lấp (công suất hơn 1,9 triệu m3/năm), 32 mỏ cát (công suất 837.312m3/năm), 132 mỏ đá (công suất trên 4,5 triệu m3/năm) và 1 dự án nạo vét thu hồi đất, cát san lấp (công suất 150.000m3/năm), nằm rải rác trên địa bàn nhiều huyện.

Để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam, tỉnh cũng đa giao cho Sở TN&MT tham mưu đề xuất đưa 26 mỏ đất, đá, cát theo đề nghị của các chủ đầu tư vào khu vực không đấu giá để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ cấp phép.

Tại Nghệ An, đại diện Sở TN&MT tỉnh cho biết, từ trước khi có Nghị quyết 60, tỉnh đã giao cho Sở TN&MT chủ trì cùng với các sở ngành địa phương khảo sát để xây dựng quy hoạch các điểm mỏ.

Tháng 4/2020, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 37 khu vực khoáng sản để làm vật liệu thông thường. Hiện, tỉnh đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và đang cấp giấy phép thăm dò đối với các mỏ này.

Tổng trữ lượng các mỏ chạy dài theo dự án cao tốc là hơn 11 triệu m3, trong khi đó nhu cầu 2 dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt qua Nghệ An là khoảng 6 triệu m3.

Trữ lượng này, cộng với việc Nghị quyết 60 cho phép điều chỉnh nâng công suất khai thác lên tới 50% mà không cần không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường, chắc chắn Nghệ An sẽ không xảy ra tình trạng thiếu vật liệu làm cao tốc.

Tại Bình Thuận, ông Trần Hữu Thành, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết, với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 60, các mỏ vật liệu đã có trong quy hoạch sẽ được rút ngắn đáng kể thời gian và đẩy nhanh được việc cấp phép.

Các mỏ chưa có trong quy hoạch thì vẫn phải tuân thủ theo quy định để hoàn thiện thủ tục, cập nhật bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất mới được cấp phép. Hiện, tỉnh đang vận dụng những quy định tối ưu nhất để đáp ứng nguồn vật liệu phục vụ cao tốc.

“Thời gian qua, để giải quyết cung cấp vật liệu thi công cao tốc, tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính. Trung bình một công đoạn sẽ được giải quyết chỉ trong 3-4 ngày.

Dự kiến từ đây đến cuối năm, Tổ công tác sẽ nỗ lực giải quyết ổn thỏa, đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp thi công cao tốc đoạn qua tỉnh”, ông Thành cho biết.

Một lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cũng nhận định, Nghị quyết 60 đã gỡ vướng được rất nhiều cho địa phương. Theo vị này, những mỏ đất đã có sẵn trong quy hoạch sẽ được cho khai thác sớm theo tinh thần Nghị quyết.

Trước mắt có hai mỏ đất ở xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) và mỏ đất Tăng Xi (huyện Xuân Lộc) sẽ sớm được cấp phép đưa vào khai thác.

Vẫn còn vướng mắc cần giải quyết

img

Nhiều đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết nước ngập lênh láng do thiếu đất đắp sau cơn mưa. (Ảnh chụp cuối tháng 6)

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA7 cho biết, tổng nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường của dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng 9,2 triệu m3.

Sau khi trừ đi khối lượng tận dụng đá đào nền đường để xay nghiền thành vật liệu đắp, dự án cần phải mua mới hơn 7,5 triệu m3. Qua rà soát, tổng trữ lượng đất đắp đáp ứng yêu cầu tại các mỏ đã cấp phép hoặc đang hoàn thiện thủ tục cấp phép khoảng hơn 3,2 triệu m3, còn thiếu hơn 4,5 triệu m3.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60, Ban QLDA7 đã làm việc với Sở TN&MT, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận và cơ quan liên quan kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung trữ lượng và nâng công suất khai thác 2 mỏ đã có trong quy hoạch được duyệt thuộc phạm vi gói thầu XL04;

Cho áp dụng “cơ chế đặc thù” theo Nghị quyết 60 đối với 4 mỏ đã có trong quy hoạch được duyệt gồm: Gói thầu XL02 (1 mỏ), gói thầu XL03 (2 mỏ) và gói thầu XL04 (1 mỏ); bổ sung vào quy hoạch và cho áp dựng “cơ chế đặc thù” theo Nghị quyết số 60 đối với 3 mỏ chưa có trong quy hoạch được duyệt gồm: 2 mỏ thuộc phạm vi gói thầu XL02 và một mỏ thuộc phạm vi gói thầu XL04.

Theo ông Khoát, trong Nghị quyết 60, Chính phủ đã cho phép UBND các tỉnh, thành áp dụng cơ chế đặc thù, tuy nhiên, trong văn bản vừa báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận lại nêu các điều kiện về cấp phép theo cơ chế đặc thù.

Cụ thể, việc cấp phép khai thác khoáng sản sẽ không đấu giá quyền khai thác nhưng các thủ tục còn lại phải thực hiện đầy đủ theo quy định như: Thăm dò, phê duyệt trữ lượng, môi trường, chủ trương đầu tư, thiết kế, cấp quyền, cấp phép khai thác, thuê đất…

Ông Khoát cho rằng, điều này đồng nghĩa khi áp dụng “cơ chế đặc thù” cũng chỉ giảm bớt được duy nhất thủ tục đấu giá cấp quyền khai thác mỏ, còn các thủ tục khác gồm: Thăm dò, phê duyệt trữ lượng, môi trường, chủ trương đầu tư, thiết kế, cấp quyền khai thác, thuê đất vẫn phải thực hiện như cũ, chưa đạt được mục tiêu đơn giản hóa thủ tục và chưa rút ngắn thời gian cấp phép khai thác vật liệu (vẫn mất ít nhất khoảng 9 tháng) cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Mặt khác, “cơ chế đặc thù” chỉ cho phép “nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác” cũng chưa giải được bài toán về nhu cầu vật liệu tăng đột biến khi các dự án đường cao tốc triển khai đồng loạt trong một thời gian rất ngắn.

Dẫn chứng cụ thể về vật liệu đắp tại tỉnh Bình Thuận, ông Khoát cho biết, trên địa bàn hiện có 6 mỏ đã có giấy phép và 4 mỏ sắp có giấy phép (tổng trữ lượng khoảng 2,97 triệu m3) với tổng công suất tối đa cho phép là 1,5 triệu m3/năm, nếu được nâng công suất tối đa lên 50% cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của dự án.

Kiến nghị đẩy nhanh thủ tục nâng công suất

img

Thi công trên công trườngcao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Huy Anh

Tại dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 qua địa phận hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, ông Hồ Ngọc Loan, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, tổng nhu cầu vật liệu cần khai thác tại mỏ để phục vụ thi công dự án khoảng 7,1 triệu m3 đất đắp, 2,2 triệu m3 cát, 1,9 triệu m3 đá.

Qua rà soát, hiện nay, dự án đã được chấp thuận 15 mỏ đất, 19 mỏ cát, 13 mỏ đá để cung cấp vật liệu phục vụ thi công dự án.

Tổng trữ lượng các mỏ đã được chấp thuận khoảng 20 triệu m3 đất, 8,6 triệu m3 cát 22,3 triệu m3 đá, đủ cho nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, công suất khai thác của các mỏ còn thấp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu theo tiến độ dự án.

Theo ông Loan, trên địa bàn hai tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa hiện còn nhiều mỏ vật liệu đã có trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép khai thác. Việc thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60 của Chính phủ phần nào có thể tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đường bộ cao tốc sắp triển khai trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đối với dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 đã được khởi công từ tháng 9/2020, gói thầu khởi công sớm nhất đã thi công gần 9 tháng, gói thầu muộn nhất cũng thi công gần 5 tháng.

Theo tiến độ được duyệt, các gói thầu sẽ hoàn thành từ tháng 9 - 12/2022. Trong khi đó, việc cấp phép đối với khu vực khoáng sản mới theo đúng các trình tự quy định của pháp luật về khoáng sản nhanh nhất sẽ mất khoảng từ 6 - 8 tháng.

Nhanh nhất đến giữa quý I/2022 mới có thể có các mỏ vật liệu mới được cấp phép khai thác, thời điểm đó không kịp thời để giải quyết vướng mắc về vật liệu đắp nền của dự án.

Từ đó, đại diện Ban QLDA Thăng Long kiến nghị Bộ GTVT làm việc với các bộ, ngành nghiên cứu có các hướng dẫn để đẩy nhanh thủ tục, rút ngắn hơn nữa thời gian cấp phép cho các khu vực khoáng sản mới đối với các địa phương có dự án cao tốc đã triển khai.

Đồng thời, các địa phương cần đẩy nhanh thủ tục nâng công suất khai thác đối với các mỏ vật liệu đang hoạt động, kịp thời cung cấp cho dự án.

Chỉ cấp mỏ mới để phục vụ thi công cao tốc

Theo Nghị quyết 60, các địa phương nơi dự án đường cao tốc đi qua được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đối với mỏ mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công dự án đường cao tốc khi có đề nghị.

Đối với các mỏ đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường.

Lập 5 Đoàn kiểm tra trước tháng 7

Nghị quyết 60 của Chính phủ giao Bộ TN&MT hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Trước ngày 31/7/2021, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ: GTVT, Xây dựng, Công an, Công thương, Tài chính, NN&PTNT, LĐ, TB&XH thành lập 5 Đoàn kiểm tra công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đường cao tốc của các địa phương có dự án đi qua; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật có liên quan của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật và Nghị quyết này, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/8 năm 2021.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Bộ TN&MT, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh cho biết: “Sang đầu tuần sau, đơn vị sẽ trình dự thảo kế hoạch kiểm tra. Thời gian thanh tra, nhanh nhất cũng phải 15/7. Bối cảnh Covid-19 phức tạp nhưng anh em sẽ cố gắng”, ông Thanh nói.

Về phía Bộ Tài chính và Bộ Công thương, đại diện các Bộ này cho biết, đang đợi yêu cầu từ Bộ TN&MT để phối hợp thực hiện.

H.Hạnh - Đ.Hùng - L.Thủy

Máy móc, nhân công tạm dừng chờ vật liệu

Theo phản ánh của các nhà thầu thi công tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tình trạng thiếu vật liệu đất đắp đang là “điểm nghẽn” của tiến độ thi công.

Đến tháng 6, các gói thầu XL-03, XL04 đoạn qua Đồng Nai thiếu trầm trọng nguồn đất đắp do nhiều mỏ chưa được cấp phép. Hiện nhiều gói thầu đang đứng trước thực trạng máy móc, công nhân tạm dừng thi công vì nguồn đất đắp tận dụng đào bóc hữu cơ đã cạn…

Đối với các đoạn cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận, căng thẳng nhất về thiếu nguồn vật liệu là hai gói thầu XL-02 và XL-03 tại huyện Bắc Bình, cần hơn 2,5 triệu m3 đất đắp. Huyện có 4 mỏ với tổng trữ lượng đất và tầng phủ mỏ đá hơn 2,4 triệu m3.

Trong đó mỏ đá núi Dây thuộc Công ty Rạng Đông đang khai thác, 3 mỏ còn lại mới được cấp phép thăm dò, dự kiến hoàn tất thủ tục đưa vào khai thác khoảng 6 tháng. Do vậy hai gói thầu này sẽ thiếu vật liệu đất đắp, cần điều phối bổ sung thêm vật liệu từ các mỏ khác.

Gói thầu XL-04 tại huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam có tổng nhu cầu đất đắp nền đường hơn 3,3 triệu m3. Trên địa bàn hai huyện này có 8 mỏ với tổng trữ lượng đất và tầng phủ mỏ đá đáp ứng được hơn 12 triệu m3. Trong đó có 5 mỏ đã được cấp phép khai thác, mỏ Chóp Vung 4 đã nộp hồ sơ cấp phép khai thác, dự kiến đưa vào khai thác trong tháng 8/2021.

Hai mỏ đã phê duyệt trữ lượng nhưng chậm triển khai gồm mỏ Chóp Vung 3 và mỏ núi Ếch, huyện Hàm Thuận Bắc (hiện đang vướng khiếu nại của chủ cũ về việc bị thu hồi giấy phép. Hiện, UBND tỉnh chưa có ý kiến để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo cấp phép khai thác.

Vĩnh Phú

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.